Giáo dục

Trẻ chết đuối nhiều do "đuối" tiền dạy bơi

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng dạy bơi cho học sinh rất khó khăn vì kinh phí hạn hẹp, điều kiện vật chất thiếu thốn, nhiều tỉnh không trường học nào có bể bơi

"Rất buồn và đau xót" - ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Học sinh (HS) - sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), bày tỏ trước hàng loạt vụ đuối nước xảy ra gần đây, mới nhất là vụ 3 HS giỏi lớp 12 tại tỉnh Thái Nguyên.

Những nỗi đau xé lòng

Vào khoảng 16 giờ ngày 2-5, tại khúc sông Cầu chảy qua địa phận xã Nhã Lộng (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), nhóm HS lớp 12 của Trường THPT Điềm Thụy rủ nhau ra gần bờ sông té nước trêu đùa để chụp ảnh lưu niệm. Do không để ý, 6 em đã rơi vào hố nước sâu. Ba em được người dân gần khu vực kịp thời cứu vớt, 3 em còn lại bị nước cuốn trôi và tử vong sau đó.

Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Nguyên, cho biết: "Mất con là nỗi đau không có gì bù đắp được. Để hạn chế tối đa những tai nạn có thể xảy ra, trước đó, chúng tôi đã quán triệt và chỉ đạo về công tác phòng chống tai nạn đuối nước. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống tai nạn đuối nước với các HS và rất mong nhận được sự phối hợp từ phía gia đình về việc nhắc nhở và bảo ban các em tránh xa những khu vực nguy hiểm".

Các vụ đuối nước xảy ra liên tục ở nhiều địa phương, đặc biệt trong mùa hè. Riêng tỉnh Vĩnh Phúc, từ đầu năm đến nay, tỉnh có 8 vụ trẻ em đuối nước.

Thiếu kiến thức lẫn kỹ năng

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em. Trong đó, nguyên nhân phổ biến là do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng bảo đảm an toàn và xử lý tình huống khi bơi; không có kỹ năng cứu đuối. Bên cạnh đó, có nguyên nhân từ sự không an toàn của các môi trường sống xung quanh, thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ. Ngoài ra, thiếu kiến thức trong cấp cứu, sơ cứu người đuối nước nên khi các em cứu lẫn nhau đã dẫn đến tình trạng số trẻ chết đuối tăng lên.

Ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, cho rằng ở tỉnh này trung bình mỗi năm có 17 HS chết đuối. Tỉ lệ HS biết bơi ở tỉnh này rất thấp, cụ thể, cấp tiểu học chỉ có khoảng 12.000/96.000 HS biết bơi (12,8%), ở cấp THCS là khoảng gần 16.300/75.000 HS (21,9%). Muốn tập bơi thì phải có chỗ để bơi trong khi ngành giáo dục không có bể bơi nào trong trường học nên việc dạy bơi cho HS rất khó khăn. Do đó, chương trình phổ cập chống đuối nước quốc gia là rất cần thiết. Để làm được điều này, trước hết phải có bể bơi trong nhà trường, đưa chương trình dạy bơi vào phần giáo dục thể chất. Tuy vậy, xây hồ thì dễ nhưng quản lý duy tu, phát huy hiệu quả các hồ bơi mới khó. Chỉ có cách xã hội hóa khâu đầu tư, quản lý mới có thể phổ cập được chương trình chống đuối nước.

Ông Nguyễn Duy Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đánh giá việc dạy bơi cho HS là điều rất cần thiết, cấp bách. Tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng đề án "Dạy bơi, phòng chống đuối nước cho HS tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017-2020", mục tiêu trong năm 2017-2018 sẽ dạy bơi được cho 9.000 em ở 2 cấp tiểu học và THCS; đến năm 2020 có 60% HS ở cấp tiểu học và 75% ở cấp THCS.

Trong năm học này, tỉnh Khánh Hòa yêu cầu mỗi địa phương xây 2-3 hồ bơi trong trường học. Tỉnh cũng đã ban hành các chính sách miễn thuế 5 năm đầu, áp dụng thuế 10% cho các năm tiếp theo để khuyến khích các cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng hồ bơi, dạy bơi.

Dạy bơi cho lứa tuổi học sinh ở một CLB tại TP HCMẢnh: Tấn Thạnh

Đau đầu vì tài chính

Ông Nguyễn Đăng Trường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, cho biết ngày 3-5, sở này đã có công văn gửi các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền công tác phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn. Trong đó có việc đề nghị Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão cung cấp kịp thời cho Sở Thông tin và Truyền thông về diễn biến thời tiết phức tạp cùng những địa điểm, khu vực có nguy cơ dễ xảy ra tai nạn đuối nước trên địa bàn, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè và mùa mưa bão... để các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền.

Ông Đỗ Văn Phu, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, nhấn mạnh Bộ GD-ĐT cần sớm triển khai nhanh đề án dạy bơi, phổ cập bơi lội cho HS để trang bị kỹ năng sống cho HS bởi thực tế tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đuối nước.

Ông Trần Ngọc Sơn, Trưởng Phòng GD-ĐT TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), cho hay hiện chương trình học chính khóa có 2 tiết thể dục nhưng chương trình quá dàn trải, tản mạn nhiều môn. Vì thế, ngành giáo dục TP Tam Kỳ đã mạnh dạn đưa 2 tiết học đó thành tiết tự chọn, có trường đã cho HS học bơi chứ không nhất quyết theo chương trình dàn trải mà không trọng tâm.

Theo ông Ngũ Duy Anh, từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn các sở GD-ĐT triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010-2015. Theo đó, đến năm 2015 cơ bản các tỉnh, TP trực thuộc trung ương triển khai được mô hình thí điểm dạy bơi trong các trường tiểu học bằng các hình thức phù hợp với từng địa phương.

Đối tượng được dạy bơi là HS tiểu học, tập trung vào khối lớp 4 và mở rộng sang khối lớp 3 và lớp 5. Trước tiên, tổ chức thí điểm tại các trường có điều kiện thuận lợi, sau đó nhân rộng và thí điểm theo cụm trường và hướng đến tổ chức dạy bơi đại trà cho HS cấp tiểu học. Nguồn tài chính dành cho công tác này lấy từ ngân sách các tỉnh, TP.

Ông Anh cho biết việc dạy bơi cho HS gặp không ít khó khăn vì nguồn kinh phí hạn hẹp, điều kiện vật chất thiếu thốn, có những tỉnh không trường nào có bể bơi. Tất cả phụ thuộc vào ngân sách mà ngân sách thì còn bao nhiêu việc để lo, việc nào cũng cấp bách cả nên rất khó.

"Tử vong do đuối nước không chỉ xảy ra đối với các em không biết bơi mà cả những em biết bơi, thậm chí bơi giỏi" - ông Anh nói và cho biết thêm Bộ GD-ĐT vừa có văn bản đề nghị các sở GD-ĐT cử cán bộ, giáo viên tham gia các khóa tập huấn phương pháp, kỹ năng dạy bơi, cứu đuối do Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức.

Các sở cũng phải chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các trường, cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức hướng dẫn cũng như khuyến khích HS tham gia học bơi. Đồng thời, cần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân liên kết với các trường, cơ sở giáo dục tổ chức các lớp dạy bơi cho HS trong và ngoài nhà trường.

Từ năm 2015, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố Việt Nam có trên 11.500 trẻ em chết đuối mỗi năm, là quốc gia có số trẻ em tử vong do đuối nước cao thứ 2 trên thế giới. Đây cũng là 1 trong 5 nguyên nhân thương tích gây tử vong hàng đầu ở trẻ em.

Kết quả rất hạn chế
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết dù tỉnh này rất quan tâm, chỉ đạo, tìm các giải pháp để hạn chế tình trạng đuối nước nhưng kết quả rất hạn chế. Vì thế, việc có một chương trình phổ cập chống đuối nước là rất cần thiết. Lúc đó, các trường học sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng, có thời lượng để dạy bơi cho HS. Việc phổ cập chống đuối nước không chỉ dạy cho các HS biết bơi mà còn trang bị những kỹ năng xử lý tình huống khi đuối nước hoặc cứu người đuối nước. Điều này không phải những người biết bơi nào cũng biết. Bên cạnh đó, việc học bơi sẽ giúp HS phát triển thể chất; phát hiện bồi dưỡng những HS năng khiếu.
C.Nguyên

Chỉ cung cấp kỹ năng cơ bản trên lý thuyết

Là tỉnh có địa hình phức tạp với bờ biển dài, nhiều sông suối, ao hồ nên tỉ lệ trẻ em đuối nước hằng năm ở Nghệ An khá cao. Theo thống kê của các ngành chức năng, trung bình mỗi năm có khoảng 50 trẻ em ở Nghệ An tử vong do đuối nước. Chỉ mới vào đầu mùa hè năm nay, trên địa bàn tỉnh này đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm khiến nhiều trẻ em tử vong. Mới đây nhất, ngày 9-4, trong lúc đi chụp ảnh kỷ yếu tại bãi biển Cửa Lò (thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An), 2 nam sinh lớp 12 bị nước biển cuốn tử vong. Trước đó, ngày 2-4, trong lúc đi chăn bò, em Đặng Ngọc Quân (SN 2007) và Nguyễn Thọ Phương (SN 2008; cùng ngụ xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) không may rơi vào chỗ nước sâu trên địa bàn và tử vong.

Tai nạn đuối nước liên tục gây ra nhiều nỗi đau, bi kịch nhưng thực tế tại nhiều địa phương ở Nghệ An vẫn phổ biến sự lơ là, thiếu trách nhiệm của phụ huynh. Tại các hồ đập, sông suối, bãi biển trong những ngày nắng nóng có rất nhiều em nhỏ vô tư tắm, vui đùa mà không có sự hướng dẫn, quản lý của người lớn. Để hạn chế trẻ em tử vong vì đuối nước, cuối tháng 4, Tỉnh đoàn Nghệ An đã phối hợp Ban An toàn giao thông và Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An tổ chức lễ phát động phòng chống đuối nước trẻ em.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, cho biết hiện chương trình dạy bơi cho HS chủ yếu mới dừng ở mức cung cấp một số kỹ năng cơ bản trên lý thuyết, việc dạy thực hành khó vì thiếu con người và cơ sở vật chất. Để hạn chế các vụ tai nạn đuối nước thương tâm thì ngoài nhà trường còn cần sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là phía gia đình cần phải kiểm soát chặt hoạt động của con em trong thời gian không ở trường học.
Đ.Ngọc

Tác giả: Nhóm phóng viên
Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP