Giáo dục

Trao thưởng thùng quà rỗng cho HS: Bệnh thành tích và sự không trung thực

Các chuyên gia cho rằng, việc học sinh tiêu biểu xuất sắc quận Cầu Giấy (Hà Nội) đi nhận phần thưởng là một thùng quà to rỗng ruột là do bệnh thành tích của người lớn, vô hình trung sớm “dạy” cho trẻ bài học về sự không trung thực.

Thùng quà rỗng ruột Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy trao tặng cho các học sinh giỏi tiêu biểu

Một số học sinh khóc vì cảm thấy như “bị lừa”

Ngày 21/5, Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng những học sinh giỏi tiêu biểu, đạt giải cao trong các kỳ thi. Trong buổi lễ, học sinh được trao thưởng một thùng quà to nhưng khi về nhà mở ra chỉ có duy nhất một tờ giấy màu xanh không ghi bất cứ thông tin gì.

Nhiều phụ huynh bày tỏ sự bất bình vì cách trao thưởng như vậy là lừa dối con trẻ. Một số học sinh đã khóc vì cảm thấy như “bị lừa”, “xấu hổ” với gia đình khi mở quà ra để khoe phần thưởng sau một năm học.

Sự việc đã buộc Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh phải gửi thư xin lỗi toàn thể phụ huynh, học sinh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn. Ông Ngọc Anh lý giải việc trao thưởng cho học sinh là một tờ giấy tượng trưng vì sợ học sinh làm mất tiền thưởng nên số tiền đã được chuyển về các trường để trường tặng thưởng trước buổi lễ.

Tuy nhiên, một số trường chưa kịp thông báo cũng như gửi tiền thưởng tới học sinh nên đã gây hiểu lầm, bức xúc cho phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, lãnh đạo phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cũng coi đây là bài học cần rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức chương trình.

Chị Nguyễn Thu Hằng, có con là học sinh một trường THCS ở quận Cầu Giấy cho rằng, “của cho không bằng cách cho”. Đặc biệt, đối với học sinh, ngoài tờ giấy khen thưởng, các em trông chờ một món quà nhỏ như: hộp bút, quyển vở, quyển sách truyện hay vật dụng nào đó có ý nghĩa trong việc học tập hoặc đời sống sẽ tốt hơn là nhận tiền.

Theo chị Hằng, kể cả học sinh bậc THCS, phụ huynh vẫn chưa cho các con được tự cầm tiền để chi tiêu, do đó cách tặng thưởng bằng tiền về mặt nào đó đã mất đi một phần ý nghĩa. Chưa kể, các con có thành tích tiêu biểu rất háo hức lên sân khấu nhận thưởng là một thùng quà to nhưng rỗng ruột thì sẽ buồn và thất vọng đến chừng nào.

Nhiều nơi vẫn vì bệnh thành tích

Hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội cho rằng cách tặng thưởng cho trẻ một thùng quà thật to nhưng rỗng ruột như vậy là vì bệnh thành tích, thiếu tôn trọng trẻ. Điều này rất nguy hiểm vì sẽ khiến trẻ tổn thương và quan trọng hơn hết là sự việc đã dạy trẻ một bài học về sự không trung thực. Những người làm chương trình này không phải vì học sinh, lấy học sinh làm trung tâm mà vì để “đẹp mặt” do có lãnh đạo đến dự, có quay phim, chụp ảnh.

Cũng theo hiệu trưởng này, nhiều nước trên thế giới không cầu kỳ trong việc tặng thưởng cho học sinh. Nếu học sinh có thành tích tốt trong học tập, đạt giải trong các kỳ thi đa số chỉ được cấp giấy chứng nhận, ghi vào trong học bạ. Ông cũng cảnh báo việc, tổng kết năm học, 100% được nhận bằng khen chính là bệnh hình thức. Bởi vì nguyên tắc khen thưởng phải chọn ra người thật sự giỏi và những người chưa giỏi phải có động lực phấn đấu.

“Điều đáng tiếc trong việc tặng trẻ thùng quà thật to nhưng rỗng ruột đã khiến trẻ cảm thấy mình phải đóng vai diễn viên trên sân khấu nhằm đạt mục đích nào đó cho người lớn” TS Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục

Ông kể câu chuyện, năm ngoái có phụ huynh xin chuyển trường cho con từ trường công lập sang một trường tư khá nổi tiếng. Để được vào trường, học sinh phải trải qua bài test Tiếng Việt, Tiếng Anh và Toán. Kết quả, học sinh chỉ đạt điểm 5 môn Toán, điểm 3 môn Tiếng Việt và điểm 1 môn Tiếng Anh. Nhận được kết quả, phụ huynh “không chấp nhận” cho rằng trường cố tình ra đề khó để loại con họ vì suốt 4 năm tiểu học, con họ luôn đạt điểm 9, 10 kiểm tra cuối kỳ.

Sau đó, nhà trường buộc phải cho phụ huynh xem lại bài kiểm tra của con, mới chấp nhận sự thật. “Như vậy, với cách khen thưởng tràn lan sẽ khiến phụ huynh đánh giá không đúng về năng lực thật sự của con em mình, học sinh không có động lực phấn đấu”, hiệu trưởng này nói.

TS Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, mục tiêu của việc khen thưởng chính là tạo động lực, khuyến khích trẻ đã đạt thành tích nào đó để trẻ tiếp tục phấn đấu. Vì vậy, sự việc đã mất ý nghĩa trao thưởng. Theo các nghiên cứu về tâm lý, trẻ không quan tâm phần thưởng là bao nhiêu tiền và cách thưởng tiền cũng không đem lại hiệu quả bằng một cách thức tổ chức nào đó khiến trẻ cảm thấy được ghi nhận, được vinh danh hay từ thành tích đó trẻ được tham gia một hoạt động có ý nghĩa.

Điều đáng tiếc trong việc tặng trẻ thùng quà thật to nhưng rỗng ruột đã khiến trẻ cảm thấy mình phải đóng vai diễn viên trên sân khấu nhằm đạt mục đích nào đó cho người lớn.

Ông Nam cũng cho rằng, việc tổ chức trao thưởng một cách hình thức, không vì học sinh đang diễn ra ở nhiều nơi. Ví như, một buổi lễ trao thưởng lúc nào cũng phải có nhiều thành phần, ban bệ. Phần giới thiệu, phát biểu dài lê thê cũng khiến trẻ phải chờ đợi rất lâu, giảm một phần sự háo hức. “Ở một số nước, trẻ được vinh danh sẽ rất được tôn trọng bằng cách đơn vị tổ chức trong một không gian ấm cúng. Trẻ thậm chí có quyền quyết định được tự gửi thư mời tới những ai tham dự buổi lễ đó”, ông Nam nói.

Ông cũng đánh giá cách thức khen thưởng tràn lan, dễ dàng dạng 40/45 học sinh đạt danh hiệu “học sinh tiêu biểu xuất sắc”; “học sinh giỏi” như hiện nay đã làm giảm mất giá trị bằng khen. Chưa kể, các con số 31/32 hay 40/45 học sinh của lớp được khen thưởng sẽ khiến những học sinh không được thưởng trở thành “dị biệt” trong mắt bạn bè cũng như khiến bản thân các em tự ti.

Theo TS Nam, cách khen thưởng học sinh có hiệu quả chính là dựa trên điểm mạnh, sự khác biệt, sáng tạo của từng em để khen đúng, trúng giúp học sinh biết phát huy điểm mạnh của mình cũng như khắc phục những điểm chưa đạt.

Điểm tổng kết 8,6 vẫn xếp thứ 28, cả lớp 43 học sinh nhận giấy khen

Tác giả: NGUYỄN HÀ

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP