Đã nhiều năm nay cứ đến mùa mưa bão, nắng nóng người dân khối 16 lại sống trong tâm trạng lo âu, thấp thỏm, không biết “tử thần ghé thăm” bất cứ một lúc nào. Người dân đã có đơn xin di dời trạm, chi nhánh Điện lực Quỳnh Lưu cũng đã đề xuất nhưng có thông tin “cấp dưới nhận tiền” nên ngành điện lực Nghệ An “ém” lại hồ sơ.
Trạm biến áp Đại Liên 1 nằm sát bên khu dân cư, chỉ cách 1 bức tường |
Trạm biến áp "nội bất xuất, ngoại bất nhập"
Trạm biến áp Đại Liên 1 (400 KVA - 10/0,4 KV) nằm lọt thỏm trong khu dân cư ở K16, phường Quỳnh Xuân. Để tiếp cận được trạm này không có con đường nào khác là phải xin đi xuyên qua nhà dân rồi bắc thang trèo tường leo qua. Trước đây trạm do địa phương xây dựng và quản lý, nhưng nay đã bàn giao cho Công ty Điện lực huyện Quỳnh Lưu. Do xây dựng từ những năm 1999, nên đến nay trạm biến áp Đại Liên 1 đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng; nhiều mảng tường bong tróc, các thiết bị hoen ghỉ.
Đã hàng chục năm qua, các hộ dân ở đây hết sức lo lắng, bất an vì trạm nằm sát bên, chỉ cách nhà dân một bức tường. “Vào ngày mưa bão, sấm chớp chúng tôi đóng kín hết cửa lo sợ tai nạn bất trắc xảy ra. Trạm nằm sát nhà dân quá nên nhiều lúc mấy đứa trẻ con cứ leo trèo hết sức nguy hiểm, nếu xảy ra cháy nổ thì không biết cứu chữa thế nào”, chị Diên, một người dân ở đây cho hay.
Không chỉ trạm nằm quá sát nhà dân mà xung quanh trạm, điện lực Quỳnh Lưu để dây dựa mắc loằng ngoằng khắp nơi, có đoạn cả búi dây rơi dưới đất. Nếu bị rò rỉ, nhiễm điện thì không biết hậu quả như thế nào. Đường điện kéo vào trạm Đại Liên 1 khá thấp, một số cột nằm trong đất của dân gây nguy hiểm tính mạng cũng như nhu cầu xây dựng nhà cửa bị vướng mắc, không thể cấp phép.
Một số cột điện chôn ngay trong nhà dân |
Đặc biệt trạm biến áp Đại Liên 1 nằm lọt thỏm trong khu dân cư khối 16, phường Quỳnh Xuân theo kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Để vào ghi nhận sự việc, phóng viên Phương Nam Plus đã phải xin phép đi qua nhà dân rồi mượn thang leo lên. Vì vậy nếu xảy ra chập điện, cháy nổ thì xe cứu hỏa và lực lượng phòng cháy chữa cháy sẽ không thể tiếp cận được hiện trường. “Nếu xảy ra cháy nổ ở đây thì chỉ có nước đứng nhìn chứ không thể làm được gì. Trạm quá gần nhà dân nên nếu xảy ra sự cố cháy nổ thì sẽ lan rất nhanh. Trạm đã quá cũ kỹ, lâu đời, nguy cơ chập điện, cháy nổ rất cao. Chúng tôi rất mong ngành điện Nghệ An có biện pháp di dời, đảm bảo an toàn cho cuộc sống khu dân cư”, anh Hoàng Minh - một hộ dân gần trạm cho hay.
Dây điện đấu nối lòng thòng dưới đất hết sức nguy hiểm |
Đường điện thấp quá thấp gây mất an toàn |
Dân lo, ngành điện cũng lo
Theo thông tin phóng viên có được thì trước đây, các hộ dân sống xung quanh trạm biến áp Đại Liên 1 và ảnh hưởng của đường dây này đã gửi đơn đề nghị Chi nhánh Điện lực Quỳnh Lưu, Công ty Điện lực Nghệ An di dời trạm. Trong đơn thư gửi ngành điện cũng như cơ quan báo chí truyền thông, các hộ dân cho biết: “Chúng tôi là những hộ dân sống xung quanh trạm biến áp điện tại khối 16, phường Quỳnh Xuân. Do trạm biến áp xây dựng quá gần với nhà dân, ảnh hưởng rất nhiều đến con người cũng như tài sản… Đặc biệt là mỗi lúc mưa gió, sấm sét luôn là mối đe dọa trực tiếp cho các hộ dân xung quanh. Vì vậy chúng tôi kính đề nghị Công ty Điện lực Nghệ An cùng các cơ quan chức năng di dời ngay trạm biến áp nói trên đến khu vực xa dân cư để đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tài sản của các hộ dân…”
Tuy nhiên đã nhiều năm trôi qua, sự việc vẫn không được ngành điện Nghệ An quan tâm, xem xét, người dân vẫn sống trong tâm trạng lo âu, bất an.
Nếu đúng và đủ điều kiện, ngành điện lực Nghệ An sẽ tiến hành di dời, tuyệt đối nghiêm cấm nhân viên nhận tiền, vòi vĩnh |
Ông Chu Văn Hà - Giám đốc Chi nhánh Điện lực Quỳnh Lưu cho biết: Trạm biến áp Đại Liên 1 đã được bàn giao về cho ngành điện, do chi nhánh Điện lực Quỳnh Lưu trực tiếp quản lý. Vừa qua chúng tôi cũng đã có đề xuất lên Công ty điện lực Nghệ An phương án di dời trạm ra khỏi khu dân cư để đảm bảo an toàn nhưng đang chờ Công ty thẩm định phê duyệt. Theo tôi nghĩ trước đây để xây dựng được trạm phải có đường vào, tuy nhiên quá trình cắt bán đất, xây dựng không được quản lý chặt chẽ nên mới xẩy ra tình trạng như hiện nay”.
Để làm rõ vấn đề vì sao trạm biến áp Đại Liên 1 mất an toàn nhiều năm qua mà vẫn chưa được ngành điện có phương án di dời, phóng viên đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Huy Nam Phong - Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế Công ty điện lực Nghệ An. Theo ông Phong thì: “Vấn đề trạm biến áp không an toàn thì dân lo bên ngành điện lực cũng lo. Nếu xảy ra vấn đề gì thì dân là người hứng chịu trực tiếp sau đó là chúng tôi. Vì vậy nếu trạm có nguy cơ gây nguy hiểm đến khu dân cư thì chúng tôi sẽ xin ý kiến xử lý ngay”.
Về vấn đề vì sao đã nhận được đề xuất của Chi nhánh Điện lực Quỳnh Lưu nhưng đến nay Công ty Điện lực Nghệ An vẫn chưa có phương án xử lý, ông Phong cho biết: “Thời gian vừa qua chúng tôi đã nhận được đề nghị di dời trạm nhưng có thông tin một số nhân viên điện lực lấy tiền để di dời nên công ty dừng hồ sơ để xác minh lại. Quan điểm của chúng tôi là không phải có tiền mới di dời mà cứ đúng và đủ điều kiện là di dời thôi. Tuyệt đối nghiêm cấm anh lấy tiền hay gợi ý này nọ. Về vấn đề này tôi sẽ làm việc với phòng kỹ thuật để có phương án xử lý trạm biến áp Đại Liên 1 trong thời gian sớm nhất”.
Tác giả: Triều Dương
Nguồn tin: phuongnamplus.vn