Bạn cần biết

Trách nhiệm phối hợp của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ, trại giam…

Đã được quy định tại Điều 7,8,9,10,11 Thông tư liên tịch số: 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của Liên Bộ Tư pháp, Công An, Quốc Phòng, Tài Chính, TANDTC, VKSNDTC về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

1. Việc Giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý

* Giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý

- Tại thời điểm bắt, tạm giữ người, lấy lời khai, hỏi cung bị can, lấy lời khai của người bị hại, lấy lời khai của đương sự, đương sự nộp đơn trực tiếp tại Tòa án hoặc tại thời điểm gửi thông báo thụ lý vụ án, thông báo thụ lý đơn yêu cầu, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm chuyển cho họ đọc Bản thông tin về người được trợ giúp pháp lý theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này. Trường hợp họ không tự đọc được thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo cho họ biết.

Trường hợp họ tự nhận mình là người được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý và pháp luật về tố tụng. Việc giải thích được thực hiện kịp thời, đầy đủ, bằng ngôn ngữ dễ hiểu để họ hiểu rõ về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí;

- Trong tố tụng hình sự, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm đọc, hướng dẫn cụ thể nội dung và điền thông tin vào Biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí của người bị buộc tội, người bị hại, đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này. Biên bản giải thích được lưu tại hồ sơ vụ án;

- Trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, người tiến hành tố tụng giải thích cho đương sự về quyền được trợ giúp pháp lý;

- Việc khiếu nại liên quan đến giải thích quyền được trợ giúp pháp lý được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng.

* Thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý

- Trong tố tụng hình sự, việc thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý được thực hiện như sau:

Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại, đương sự tự nhận mình là người được trợ giúp pháp lý theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm, Chi nhánh để thực hiện các quy định tại khoản 4 Điều 3 của Thông tư liên tịch này. Việc thông báo được thực hiện theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này, ghi vào biên bản tố tụng và lưu tại hồ sơ vụ án.
Đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, ngoài việc thông báo bằng văn bản thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo ngay bằng điện thoại cho Trung tâm, Chi nhánh.

Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại, đương sự tự nhận mình là người được trợ giúp pháp lý và chưa có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông tin cho Trung tâm, Chi nhánh biết để thực hiện các quy định tại khoản 4 Điều 3 của Thông tư liên tịch này. Việc thông tin được thực hiện theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;

- Trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, việc thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, trừ trường hợp việc thông báo về trợ giúp pháp lý không phải ghi vào biên bản tố tụng.

- Trường hợp chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đề nghị Trung tâm, Chi nhánh cử ngay người thực hiện trợ giúp pháp lý bào chữa cho họ. Việc đề nghị được thực hiện bằng văn bản thông báo theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong tố tụng tỉnh Nghệ An kiểm tra trách nhiệm phối hợp về trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện


2. Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng

* Giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7 của Thông tư liên tịch này.

- Đăng ký, từ chối, hủy bỏ việc đăng ký bào chữa; đăng ký, từ chối việc đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định tại Điều 12, Điều 14 và Điều 15 của Thông tư liên tịch này.

- Thực hiện việc thống kê vào Sổ theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

- Niêm yết Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, đặt Hộp tin trợ giúp pháp lý; phát miễn phí tờ gấp pháp luật, đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý.

- Đề nghị Trung tâm, Chi nhánh phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông và hướng dẫn về trợ giúp pháp lý.

- Trong quá trình tham gia tố tụng, nếu phát hiện người thực hiện trợ giúp pháp lý có hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để kịp thời xử lý theo thẩm quyền và thay thế người thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Giao các văn bản tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng trong vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật về tố tụng.

- Bảo đảm cho người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về tố tụng và pháp luật về trợ giúp pháp lý.

- Khuyến khích Cơ quan điều tra, Tòa án các cấp tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại các cơ quan này phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để người được trợ giúp pháp lý biết và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời.

3. Trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng

- Giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7 của Thông tư liên tịch này.

- Thông báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự cho người thực hiện trợ giúp pháp lý.

* Đối với việc xét xử:

- Thông báo lịch xét xử bằng văn bản qua dịch vụ bưu chính dưới hình thức bảo đảm, chuyển trực tiếp hoặc bằng hình thức khác cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý đã đăng ký bào chữa, đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự ít nhất 10 ngày trước ngày xét xử, đối với việc xét xử theo thủ tục rút gọn thì ít nhất 07 ngày trước ngày xét xử;

- Ghi rõ trong bản án, quyết định họ và tên, chức danh của người thực hiện trợ giúp pháp lý do tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử và ghi rõ ý kiến hoặc quan điểm bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ cho người được trợ giúp pháp lý.

- Xác nhận về thời gian hoặc công việc của người thực hiện trợ giúp pháp lý khi làm việc với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

4. Trách nhiệm của cơ sở giam giữ, trại giam

* Cơ sở giam giữ có trách nhiệm:

- Giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7 của Thông tư liên tịch này cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thuộc diện được trợ giúp pháp lý;

- Thực hiện các hoạt động theo quy định tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 8 của Thông tư liên tịch này;

- Niêm yết Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý trong buồng tạm giữ, buồng tạm giam, tại nơi làm thủ tục tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phòng thăm gặp, phòng làm việc của người bào chữa và nơi sinh hoạt chung của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; phát qua các phương tiện truyền thanh của cơ sở giam giữ băng ghi âm, đĩa ghi âm, USB hoặc phương tiện khác có chứa nội dung thông tin về trợ giúp pháp lý dạng âm thanh (MP3, WMA hoặc WMV) tại nơi sinh hoạt chung của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

* Trại giam có trách nhiệm:

- Giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7 của Thông tư liên tịch này cho phạm nhân thuộc diện được trợ giúp pháp lý đang chấp hành án tại trại giam là người bị buộc tội, bị hại hoặc đương sự trong vụ án khác do có hành vi phạm tội, xâm hại hoặc có liên quan đến vụ án trước khi chấp hành án;

- Thực hiện việc thống kê vào Sổ theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo quy định tại khoản 3 Điều 8 của Thông tư liên tịch này.

5. Trách nhiệm của người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ, trại giam

Người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ có trách nhiệm:

- Thực hiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Thông tư liên tịch này.

- Khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam có yêu cầu trợ giúp pháp lý, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ có trách nhiệm hướng dẫn họ viết đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và chuyển đến Trung tâm, Chi nhánh cùng với thông báo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư liên tịch này;

- Tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện trợ giúp pháp lý gặp gỡ, tiếp xúc với người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật;

- Xác nhận về thời gian người thực hiện trợ giúp pháp lý gặp gỡ, tiếp xúc với người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NHÀ NƯỚC TỈNH NGHỆ AN

ĐC: Số 56, đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

ĐT: 0383.589.531 * 0383.835.341; Hottline: 02383589532

Chi nhánh số 1: Khối 3, thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu, ĐT: 0383.623.845

Chi nhánh số 2: Khối Kim Tân, phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa, ĐT: 0383.881.787

Chi nhánh số 3: Khối Hòa Bắc, thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương, ĐT: 0383.741.585

Tác giả: PV

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP