► Trung Quốc kêu gọi chuẩn bị chiến tranh trên biển
Tòa án Tối cao của Trung Quốc hôm 2/8 đã ban hành bản diễn giải về cái gọi là "các vùng biển của Trung Quốc", dọa phạt tù một năm với hoạt động đánh bắt ở đây, bao gồm cả những vùng biển mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình theo lằn ranh "đường chín đoạn" phi lý ở Biển Đông.
Tuyên bố của Bắc Kinh được cho là một lời thách thức đến PCA khi ám chỉ rằng sẽ tiếp tục ngang nhiên đưa ra các lệnh cấm đánh bắt cá và tiến hành bắt giữ ngư dân hoạt động trên biển giống nhiều lần trước đó.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn lớn tiếng kêu gọi "chiến tranh nhân dân trên biển" hôm 2/8.
Trên Business Insider, chuyên viên cao cấp Robert Kaplan từ Trung tâm An ninh Mỹ nhận định: “Tuyên bố của Tòa án Tối cao Trung Quốc là cách mà họ nói rằng mình có quyền làm tất cả những điều mình muốn ở Biển Đông, bất chấp phán quyết của PCA”.
Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), quan ngại: "Có vẻ như Trung Quốc đang muốn thiết lập các cơ sở pháp lý bằng luật pháp trong nước để dựa vào đó thực thi các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế ở Biển Đông".
Ngoài ra, trong một tuyên bố cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn còn ra lời kêu gọi chuẩn bị cho "chiến tranh nhân dân trên biển" để đối phó với những "mối đe dọa an ninh ngoài khơi" và bảo vệ cái gọi là "chủ quyền" của nước này.
Những động thái nói trên của Trung Quốc đang đặt ra nhiều quan ngại về tình hình của khu vực có thể leo thang căng thẳng trong thời gian tới.
"Trung Quốc đang tự gây bất lợi cho mình"
Trả lời phóng viên về những động thái gây khiêu khích trong thời gian qua của Trung Quốc bất chấp phán quyết dựa trên luật pháp quốc tế từ Tòa Trọng tài Thường trực PCA về vấn đề Biển Đông,Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công An nhận định rằng: "Hành động của Trung Quốc tại Biển Đông ngày càng hung hăng, thể hiện sự coi thường và chà đạp lên luật pháp quốc tế, điều đó không chỉ thể hiện qua những tuyên bố ngoại giao mà cả những hành động ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh, nhưng điều này lại chính là điều bất lợi cho Trung Quốc".
Tướng Lê Văn Cương một lần nữa nhấn mạnh: "Trung Quốc không có chủ quyền với cái gọi là “đường lưỡi bò hay đường chín đoạn”. Từ năm 1949 tới nay, Trung Quốc không có một cơ sở pháp lý nào với những tuyên bố chủ quyền đơn phương này của mình".
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công An.
Nói về tuyên bố của Tòa án Tối cao Trung Quốc trong việc "dọa nạt" bỏ tù các ngư dân đánh bắt cá trên cái gọi là "lãnh hải" của nước này, tướng Cương cho rằng: "Tuyên bố của Tòa án Tối cao Trung Quốc là chà đạp lên luật pháp quốc tế. Như phán quyết của PCA đã nêu rõ rằng, những thực thể mà Trung Quốc đang bồi đắp, xây dựng trái phép là đá, nên chiếu theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Bắc Kinh không có bất cứ chủ quyền lợi ích nào tại đây, và không có quyền bắt giữ trái phép ngư dân các nước trong khu vực đi vào vùng biển vốn thuộc chủ quyền của họ hoặc vùng biển quốc tế để khai thác tài nguyên".
"Không lẽ tòa án của Trung Quốc lại dám "đè" lên cả tòa án quốc tế?", ông đặt ra câu hỏi hoài nghi.
"Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của PCA, nhưng lại khẳng định rằng 'bản diễn giải' của Tòa án Tối cao nước này đưa ra lại 'phù hợp' với UNCLOS, tức mượn danh của luật pháp quốc tế để đòi bỏ tù ngư dân, đó là một hành động ngang ngược, thách thức dư luận và không thể chấp nhận được", tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh rằng "Bắc Kinh tự ý tiến hành các hoạt động xây dựng, cải tạo trái phép trên những đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là vi phạm khoản 3, khoản 4 của điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc", do vậy, "Trung Quốc không có quyền ngăn cản hoạt động của tàu bè đi qua vùng này".
Dự đoán về những động thái tiếp theo của Trung Quốc trong thời gian tới ông cho rằng nước này sẽ tiếp tục đưa ra những tuyên bố khiêu khích, ngang ngược nhưng sẽ cố gắng không để tình hình leo thang, ít nhất là cho đến trước Hội nghị G-20. Bởi điều hiển nhiên rằng Trung Quốc không dám mạo hiểm đánh mất thể diện ở một hội nghị quốc tế uy tín, điều mà Bắc Kinh cho là quan trọng hơn việc gây ra những căng thẳng ở châu Á.
Ngoài ra, tướng Lê Văn Cương cho rằng Trung Quốc đang "ẩn mình chờ thời cơ". Thực tế vào cuối năm nay, sự chú ý của các nước trên thế giới về vấn đề Biển Đông sẽ bị xao nhãng bởi cuộc chạy đua Tổng thống Mỹ sẽ bước vào giai đoạn cuối cùng. Mỹ cũng như các phương tiện truyền thông toàn cầu lúc đó sẽ tập trung nhiều vào "cuộc chiến" giữa hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh TTXVN.
"Sau phán quyết, hầu hết các nước thành viên G20 và các nước G7 cùng những trung tâm kinh tế, chính trị lớn trên thế giới đều đã lên tiếng phản đối Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc khiến họ ngày càng bị cộng đồng quốc tế cô lập, đó chính là sai lầm, thiệt hại đối với Trung Quốc. Trước Hội nghị G20, Trung Quốc sẽ chỉ dám làm “vừa vừa”, bởi nếu hung hăng quá sẽ bị chỉ trích mạnh mẽ. Sau G20, đặc biệt là giai đoạn bầu cử Tổng thống Mỹ, có thể Trung Quốc sẽ càng hung hăng hơn", tướng Cương nhận định.
Trả lời về câu hỏi cộng đồng quốc tế và Việt Nam cần có những hướng đi như thế nào nhằm ứng phó trước những động thái ngang ngược, có thể leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian tới, tướng Lê Văn Cương cho rằng: "Điều quan trọng nhất vẫn là sự lên tiếng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc dù họ nhiều tiền, nhiều người, nhiều súng đạn nhưng lại không có 3 thứ là pháp lý, đạo lý và sự ủng hộ của quốc tế".
"Dù hung hăng nhưng Trung Quốc rất sợ bị quay lưng. Trên hành tinh này không có Trung Quốc thì thế giới vẫn phát triển bình thường, nhưng nếu không có hợp tác của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc sẽ nhanh chóng đổ vỡ", tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về việc Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn hôm 2/8 kêu gọi quân đội, cảnh sát và người dân nước này nên chuẩn bị "chiến tranh nhân dân trên biển", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định các nước cần tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực khi có các phát biểu về Biển Đông.
"Tôi cho rằng quan chức các nước cần phát biểu và hành động phù hợp với các tuyên bố chính thức cũng như nghĩa vụ của quốc gia mình, là tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực", ông Lê Hải Bình nói trong cuộc họp báo hôm 4/8.
Theo ông Bình, các nước liên quan đến tranh chấp Biển Đông cần có đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định của khu vực cũng như trên thế giới.
Tác giả bài viết: Mạnh Kiên-Danh Tuyên