Đoàn khảo sát kiểm tra tại Công ty CP Hợp tác quốc tế JASA. Ảnh: MInh Chi |
Theo đó, tại Trung tâm tiếng Anh - Năng khiếu - Kỹ năng thiếu nhi HAPPY KIDS, được Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh cấp phép đào tạo tiếng Anh với thời hạn đến ngày 30/6/2018, và đến nay chưa có quyết định cấp giấy phép gia hạn. Nghĩa là từ ngày 1/7/2018, trung tâm này hoạt động không có giấy phép đào tạo tiếng Anh.
Lý giải về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Thị Hoàng Yến cho rằng, hoạt động ban đầu của trung tâm chỉ chủ yếu là đào tạo tiếng Anh còn lĩnh vực năng khiếu, kỹ năng chỉ là thí điểm, nhưng từ nhu cầu thực tiễn, trung tâm định hướng phát triển song song với mảng đào tạo tiếng Anh, tạo thành trung tâm đào tạo phức hợp: Tiếng Anh - năng khiếu - kỹ năng. Trong khi đó, hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn nào về thành lập mô hình phức hợp nên đang gặp một số vướng mắc.
Không đồng tình với giải trình của người đứng đầu trung tâm, bà Nguyễn Thị Lan - Phó Trưởng Ban Văn hóa và Xã hội HĐND tỉnh cho rằng, hiện nay, Nghị định 46, Thông tư 03 quy định rõ điều kiện thành lập trung tâm ngoại ngữ và Thông tư 04 quy định việc thành lập các trung tâm năng khiếu, kỹ năng.
Từ các quy định đó, đề nghị trung tâm phải hoàn thiện các thủ tục hồ sơ trình cấp có thẩm quyền cấp phép theo từng nội dung, lĩnh vực hoạt động riêng lẻ để đảm bảo hoạt động đúng luật, bởi đây là các lĩnh vực hoạt động có điều kiện yêu cầu phải được cấp phép.
Đoàn khảo sát tại Trung tâm Tư vấn du học BMT. Ảnh: Minh Chi |
Đoàn cũng tiến hành khảo sát một số đơn vị tư vấn du học, gồm: Trung tâm Tư vấn du học BMT (Công ty CP Đầu tư và Thương mại BMT), Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo quốc tế Đại Tây Dương ATLANTIC, Công ty CP Hợp tác quốc tế JASA.
Qua khảo sát, đoàn đã ghi nhận thực tiễn hiện nay, có những đơn vị tiến hành tư vấn dựa trên cơ sở tâm lý của người dân muốn có việc làm, thu nhập cao ở nước bạn để mục đích đưa được thật nhiều người đi du học, chứ không tư vấn chính xác, đúng bản chất của việc đi du học ở Nhật Bản hay Hàn Quốc, cũng như nguồn kinh phí đảm bảo học tập. Điều này dẫn đến có những trường hợp không đủ năng lực, trình độ để đảm bảo hoàn thành chương trình học hoặc không đủ nguồn kinh phí để trang trải cho việc học tập, buộc phải về nước giữa chừng.
Một lớp học tiếng Nhật tại Công ty CP Hợp tác quốc tế JASA. Ảnh: Minh Chi |
Mặt khác, có những lao động mặc dù đăng ký đi du học nhưng thực chất là sang bên nước bạn bỏ ra ngoài làm việc “chui” gây ảnh hưởng đến hoạt động du học của học sinh Nghệ An; đó còn là tình trạng, đơn vị tư vấn thu phí vượt quá quy định.
Từ thực tiễn đặt ra, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị các đơn vị tư vấn cần thực hiện tư vấn, định hướng cho người có nhu cầu du học đúng, chính xác, tránh "vẽ ra các thiên đường” không đúng, qua đó nhằm hạn chế rủi ro và ảnh hưởng đến quyền lợi, cơ hội học tập, tìm kiếm việc làm của người học; gắn với đó là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước để giám sát, hỗ trợ người học trong quá trình học tập ở nước bạn.
Tác giả: Minh Chi
Nguồn tin: Báo Nghệ An