Xã hội

TP Vinh (Nghệ An): Nhập nhèm thực hiện đề án “xóa nhà ổ chuột” ở xã Nghi Phú

Ngày 22/2/2017, Tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập (hoanhap.vn) đăng bài “TP Vinh (Nghệ An): Cần xem lại quyền lợi về đất ở của các gia đình ở khu tập thể “Tật Học” phản ánh việc triển khai đề án 109/2007/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Nghệ An tại xã Nghi Phú.

>>TP Vinh (Nghệ An): Cần xem lại quyền lợi về đất ở của các gia đình ở khu tập thể “Tật Học”

Sau khi bài báo phản ánh, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Vinh, sáng ngày 28/2/2017, UBND xã Nghi Phú đã chủ trì cuộc họp với 20 hộ gia đình có quyền lợi liên quan.
1
Toàn cảnh cuộc họp do Chủ tịch UBND xã Nghi Phú chủ trì sáng ngày 28/02/2017

Tham dự cuộc họp có ông Lê Sỹ Chiến - Phó Chủ tịch UBND TP Vinh, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Nghệ An, đại diện Ban Dân vận TP Vinh, Công an TP Vinh, Viện Quy hoạch và Kiến trúc tỉnh Nghệ An, đại diện các phòng Quản lý Đô thị, phòng Tài nguyên - Môi trường TP Vinh. Về phía xã Nghi Phú có Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, công chức Địa chính, Đô thị, Tư pháp, Thanh tra nhân dân, Công an, Văn phòng xã Nghi Phú, lãnh đạo của Trung tâm Dạy nghề cho người Khuyết tật Nghệ An và Trung tâm Chính hình - Phục hồi chức năng TP Vinh.

Theo giấy mời của Chủ tịch UBND xã Nghi Phú (do ông Hoàng Thanh Tùng- Chủ tịch UBND xã ký) gửi tới các cơ quan nêu trên, cuộc họp này nhằm “tập trung làm rõ” nội dung bài báo đã đăng trên hoanhap.vn vì có “nhiều nội dung không chính xác”.

Nhận được thông tin, phóng viên Tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập cũng có mặt tại cuộc họp để tiếp nhận thông tin và có ý kiến trao đổi. Sau khi nghe ý kiến của Bí thư và Chủ tịch UBND xã Nghi phú “phàn nàn” về cụm từ “cò cưa” và “ăn bớt” mà bài báo nêu là “quá nặng” vì chưa có biểu hiện này xảy ra (!?). “Từ khi triển khai dự án đến nay, những cán bộ được giao của UBND xã Nghi Phú rất quyết liệt, rất cố gắng, nhưng do Trung tâm Dạy nghề cho người Khuyết tật Nghệ An triển khai việc thanh lý tài sản trên đất chậm nên dẫn đến tiến độ chưa như mong muốn”- ông Tùng nói.

2
Ông Nguyễn Hữu Thanh, 72 tuổi, nạn nhân chất đọc da cam/dioxin duy nhất tại khu tập thể bị những người thực hiện dề án “bớt xén” hơn 100m2 đất ở từ năm 1988.

Cùng với ý kiến của ông Tùng, ông Trần Hữu Chí - Bí thư Đảng ủy xã đánh giá cao sự mẫn cán của cán bộ địa chính phường, cán bộ phòng Quản lý Đô thị TP Vinh và cả lãnh đạo của 2 cơ quan liên quan. Ông Chí cũng không hài lòng với nội dung bài báo phản ánh vì “chưa sát với tình hình thực tế, chưa hiểu được sự vất vả của anh em cán bộ được giao nhiệm vụ”.

Đại diện các hộ dân có 6 ý kiến, trong đó có 3 ý kiến ủng hộ những nỗ lực lãnh đạo Trung tâm Dạy nghề cho Người Khuyết tật Nghệ An là ông Phan Thanh Hải - Chủ tịch Công đoàn, bà Hoàng Thị Hiển- giáo viên và bà Ngô Thị Tuyết nhân viên nấu ăn của Trung tâm này. Có 3 ý kiến không đồng tình với tiến độ và cách làm của lãnh đạo Trung tâm Dạy nghề cho Người khuyết tật Nghệ An và cán bộ địa chính của UBND xã Nghi Phú là ông Nguyễn Hữu Thanh, bà Trần Thị Bốn và ông N. (tạm thời xin dấu tên). Cả ông Thanh, bà Bốn và ông N. đều cho rằng: danh sách của 20 chữ ký kèm theo biên bản họp dân cư ngày 09/01/2015 có dấu hiệu bị lợi dụng bằng việc ghép nội dung của cuộc họp này vào chữ ký của một cuộc họp khác.

Ông N. khẳng định, năm 2016, Trung tâm Dạy nghề cho Người Khuyết tật Nghệ An có tổ chức một cuộc họp. Tại cuộc họp, lãnh đạo Trung tâm Dạy nghề cho Người khuyết tật có nói rằng, chủ trương của thành phố là chia khu đất này thành 27 lô. Như vậy, theo ông N, việc chia 27 lô trên khu đất đang có 21 hộ (kể cả hộ bà Nguyễn Thị Thủy) nhưng không nói rõ lý do tại sao chia, chia cho ai, đã bị áp đặt từ lãnh đạo Trung tâm Dạy nghề cho Người khuyết tật Nghệ An chứ không phải là sự đồng thuận của 20 hộ dân dự họp.

3
Ông Phan Thanh Hải - Chủ tịch Công đoàn Trung tâm khen "nức nở" sự nhiệt tình, mẫn cán của Lãnh đạo Trung tâm và cán bộ UBND xã Nghi Phú tại buổi họp

Ông Thanh cho rằng, cần phải xem xét quyền lợi cho gia đình bà Nguyễn Thị Thủy (ở cạnh 2 gian của hộ ông Phan Bùi Hải - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề cho Người khuyết tật Nghệ An) vì bà Thủy cũng là nhân viên Trung tâm, ở tại khu tập thể này từ năm 1989, do Trung tâm không có việc làm mà mẹ con chị Thủy phải nghỉ việc để chạy chợ. Hiện nay gia đình bà Thủy rất nghèo, không có khả năng mua đất ở nơi khác.

Bà Trần Thị Bốn nêu ra tại cuộc họp rằng: Trung tâm Dạy nghề cho Người khuyết tật Nghệ An giao cho Công Đoàn thu của 20 hộ dân ở 2 cơ quan tại khu tập thể này gần 100 triệu đồng nói là để “bôi trơn” cho đề án, nay số tiền đó đã được chi vào việc gì? Chi cho ai? Tại cuộc họp này, cả Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã Nghi Phú đều khẳng định là: “Chúng tôi chưa lấy đồng nào của dân” (!?).

Ông Ngô Nam Trung - Công chức Địa chính xã Nghi Phú trình bày: Nếu căn cứ vào quy định được nêu tại Đề án 109/2007/NĐ-UBND thì 12 hộ dân của Trung tâm Dạy nghề cho Người khuyết tật Nghệ An tại khu tập thể này không đủ điều kiện để xét giao đất vì mua thanh lý tài sản trên đất sau ngày 01/7/2014. Vì vậy quyền lợi của 12/20 hộ dân tại khu tập thể này sẽ vận dụng theo đề án “chỉnh trang đô thị”, theo đó phải chấp nhận giao đất theo hình thức “tái định cư tại chỗ”.

4
Ông Lê Sỹ Chiến- Phó Chủ tịch UBND TP Vinh chưa đưa ra được câu trả lời thoả đáng cho quyền lợi của người dân

Tại cuộc họp, phóng viên Tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập đã thắng thắn chỉ ra những dấu hiệu có biểu hiện “cò cưa”, “ăn bớt” quyền lợi của dân, đồng thời chỉ ra sự trì trệ của những cán bộ, công chức được giao thực hiện đề án nhưng không nhận được ý kiến phản đối nào. Một số hộ dân dự cuộc họp cho phóng viên biết, hiện tại, có 5 hộ dân là Bùi thị Lài (vợ ông Hải giám đốc Trung tâm), bà Trần Thị Nguyên (Kế toán Trung tâm), bà Bùi Thị Liễu, ông Trần Văn Phú, ông Nguyễn Văn Giai là những “hộ giàu”, đã có đất và nhà ở nơi khác nhưng vẫn “có chân” trong danh sách đề án.

Thay mặt lãnh đạo TP Vinh, ông Lê Sỹ Chiến cho rằng, cần xem lại quyền lơi của các hộ dân và quan tâm đến những hộ thuộc đối tượng chính sách, người có công. Tuy nhiên, ông Chiến lại tỏ ra đồng tình với đề xuất của UBND xã Nghi Phú là chuyển 12 hộ dân từ “đề án 109” sang đề án “chính trang đô thị”. Nếu theo ý kiến này của ông Chiến thì chỉ với 20 hộ dân đang sống tại “khu ổ chuột” này sẽ có 2 chế độ giao đất khác nhau. Trong khi đó, ngay trong “đề án 109”, khu tập thể của Trung tâm Dạy nghề cho Người khuyết tật đã được đưa vào danh sách trong số 54 “khu ổ chuột” trên địa bàn TP Vinh.

Căn cứ vào những quy định về luật Đất đai, luật Nhà ở, hi vọng rằng, lãnh đạo TP Vinh sẽ xem xét lại quyền lợi chính đáng của các hộ dân được nêu trong “đề án 109” để những đối tượng này không bị thua thiệt về quyền lợi theo chủ trương của UBND tỉnh Nghệ An được nêu từ 2007. Những khúc mắc, khuất tất về khoản thu, chi gần 100 triệu đồng của các hộ dân cũng cẫn được làm rõ, để tránh tình trạng một số cán bộ, công chức trục lợi từ đề án rất hợp lòng dân này.
Tác giả: Trần Cường - Trần Văn Công
Nguồn tin: Hướng nghiệp & Hòa nhập

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP