Ảnh minh họa. Nguồn Ánh Dương. |
Theo đó, trong phiên thảo luận của Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã bày tỏ lo ngại về tình hình phát triển kinh tế trong thời gian qua.
Cụ thể, ông Phớc bày tỏ sốt ruột với việc NHNN chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng nợ xấu trong các tổ chức tín dụng, cũng như việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém.
Trong đó, điển hình là việc nền kinh tế tiềm ẩn rủi ro vì tính bền vững và sức mạnh nội sinh của nền kinh tế không thực sự mạnh. “GDP quý 3 tăng đột biến chủ yếu là tăng từ thu hút đầu tư FDI, trong đó có 2 đầu tàu Formosa và Samsung, nên nếu có rủi ro về môi trường hay rủi ro về sản phẩm thì chắc chắn nền kinh tế không bền vững”, ông Phớc nói.
Bên cạnh đó, nhiều DNNN thua lỗ, giải ngân trái phiếu Chính phủ chậm đã ảnh hưởng đến GDP: trong khi lãi suất trái phiếu Chính phủ là 6,2% nhưng không giải ngân được nên Kho bạc Nhà nước lại mang tiền đi gửi ngân hàng.
Nợ xấu vẫn cao, tài chính không được bền vững.
“Riêng trả lãi vay và gốc mỗi năm 98 nghìn tỷ, cân đối ngoại bảng 160 nghìn tỷ đồng vay đảo nợ, giống như một hộ gia đình vay đến hạn phải trả lại phải đi vay người này người khác để trả nợ.”
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. |
Tổng Kiểm toán nhà nước nhận định, năm 2017 chắc chắn sẽ tiếp tục hụt thu ngân sách, giải ngân xây dựng cơ bản chậm lại, bội chi ngân sách của địa phương giảm nhưng của Trung ương lại tăng lên, việc xử lý DN yếu kém gần như dậm chân tại chỗ.
“Đến thời điểm hiện tại không phải chỉ 12 dự án yếu kém, thua lỗ nữa mà hơn 40 dự án rồi”, ông Hồ Đức Phớc cho hay .
Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, dù Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Chủ nhiệm VPCP đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt, nhưng vẫn diễn ra tình trạng "trên bảo, dưới không nghe".
Ông Phớc lấy ví dụ: "Bản thân chúng tôi làm văn bản kiểm toán vấn đề xin đất xây trường mà gần 1 năm trời mới được giải quyết sau khi có sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Có những địa phương được cũng không trả lời, không được cũng không trả lời. Chính phủ thì quyết tâm nhưng cứ xuống đến cấp Vụ là tắc".
"Chúng tôi hoan nghênh và ghi nhận sự năng nổ của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng nhưng bên dưới mà không cải cách thì rất khó chính sách đến với DN và người dân”, ông Phớc nói.
Góp ý với dự toán ngân sách nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng trước tiên phải giải quyết được nợ công, đặc biệt là nợ quá hạn, nếu không sẽ để lại gánh nặng lớn cho nền kinh tế. Tiếp đó là phải giải quyết được vấn đề về hụt thu ngân sách, nợ đọng thuế, bội chi ngân sách trung ương tăng cao hơn dự toán; Cần phải xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém một cách dứt điểm, nếu không hàng chục nghìn tỷ cứ ra đi.
Tác giả: Hoàng Hợi
Nguồn tin: Tạp chí điện tử VietTimes