Trong nước

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Chạy chức quyền sinh ra thế hệ tham nhũng thứ hai

Nhằm ngăn chặn tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, Ban Tổ chức Trung ương đang gấp rút xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, hướng tới mục tiêu: không thể “chạy”, không dám “chạy”, không cần “chạy” và không muốn “chạy”.

Ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, kiểm soát quyền lực cần được thực hiện theo nguyên lý “ở đâu có quyền lực thì ở đó cần có chế tài để kiểm soát”. Việc này nhằm tránh độc quyền, tránh lạm quyền và lộng quyền cũng như vụ lợi cá nhân, ngăn ngừa sự tha hoá của người có quyền. “Cần theo phương châm "quyền lực ở đâu thì trách nhiệm ở đó", ông Phớc lưu ý.

Chạy chức quyền sinh ra thế hệ tham nhũng thứ hai

Cũng theo ông Phớc, “chạy chức, chạy quyền” chính là tham nhũng. Để giảm tham nhũng, phải làm cho cán bộ không dám tham nhũng vì sợ bị trừng trị; không thể tham nhũng vì quy định của pháp luật chặt chẽ, không có chỗ hở, không có chỗ rò để lợi dụng, và không cần tham nhũng vì thu nhập đầy đủ, danh dự lớn lao không thể đánh đổi”.

Ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh cho rằng, phải chống tham nhũng trong công tác cán bộ, nếu làm tốt, sẽ tạo được đội ngũ cán bộ có năng lực, liêm chính. Làm không tốt sẽ gây ra hệ quả đau lòng. Quan trọng hơn là sẽ xuất hiện thế hệ tham nhũng thứ hai, vì chạy chức rồi, khi có quyền chắc chắn họ sẽ tính bài thu lại, và bài đó không có cách nào khác là tham nhũng”, ông Bộ nêu quan điểm. Vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh cho rằng, để giải quyết thực trạng chạy chức, cần sửa luật, bổ sung quy định phương pháp đánh giá cán bộ công chức trước khi bổ nhiệm. Nếu luật hóa thì không còn kẽ hở, sẽ tạo thuận lợi để người xứng đáng được bổ nhiệm.

Chống “chạy” bằng phương pháp 4 không

Để ngăn chặn tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, Ban Tổ chức Trung ương đang khẩn trương xây dựng dự thảo cơ chế kiểm soát quyền lực và phòng chống chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức cán bộ. Đây được coi là giải pháp quan trọng nhằm bịt kín các lỗ hổng trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng phải hướng đến mục tiêu 4 không gồm: Không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy.

Đi vào cụ thể, ông Hùng cho rằng, công tác cán bộ có 7 khâu, trong đó khâu nhận xét, đánh giá cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử là quan trọng, quyết định hiệu quả công tác cán bộ. Việc nhận xét, đánh giá cán bộ luôn luôn vận động, theo thời gian các mối quan hệ này cũng sẽ thay đổi theo. Do đó, định kỳ phải đánh giá cán bộ. Đây cũng là cơ sở để theo dõi và giúp đỡ cán bộ.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Thuận cũng đề nghị, khi giới thiệu, đề cử và bổ nhiệm cán bộ, cấp có thẩm quyền phải đồng thời giải quyết năm cặp quan hệ, đó là: đức và tài, bằng cấp và năng lực thực tiễn, tiêu chuẩn và cơ cấu, trách nhiệm và quyền hạn, ý kiến và kết quả biểu quyết của tập thể, cá nhân. Ngoài ra, cần phải lấy tín nhiệm đối với cán bộ trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với công chức lãnh đạo, quản lý. “Khi thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, cần lấy tín nhiệm từ 2 người trở lên trong danh sách cán bộ được quy hoạch. Bên cạnh đó, trước khi giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm cán bộ cần tổ chức thi tuyển cán bộ từ trung cấp trở xuống”, ông Hùng đề nghị.

Đánh giá cao quyết tâm của Ban Tổ chức Trung ương trong việc xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, ông Lê Quảng Thưởng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương cho rằng cần sớm có ngay những quy định để kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền lực, coi quyền lực được Nhà nước trao như là quyền lực cá nhân, dẫn đến nhiều sai phạm hết sức nghiêm trọng. Về giải pháp, ông Thưởng đề nghị bên cạnh tăng cường công tác giáo dục, cần có giải pháp đánh giá cán bộ cho thực chất. Đặc biệt, cần tiếp tục quyết liệt xử lý, thay thế các bộ có những biểu hiện không lành mạnh, năng lực, uy tín giảm sút, không nên cứ phải đợi hết nhiệm kỳ, hết tuổi.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng cũng cho rằng, việc chống chạy chức, chạy quyền hoàn toàn có thể làm được. Bởi có người chạy, tức là cũng có địa chỉ chạy. “Thời gian qua, Đảng đã nêu rõ thực trạng và tác hại của việc chạy chức, chạy quyền. Chúng ta cũng đã xử lý một số vụ việc vi phạm trong bổ nhiệm. Tuy nhiên so với yêu cầu đặt ra thì việc xử lý vẫn còn hạn chế, cần phải tiếp tục làm quyết liệt và mãnh mẽ hơn”, ông Phúc đề nghị.

Tác giả: VĂN KIÊN - LUÂN DŨNG

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP