Trong tỉnh

Tôn vinh 112 hòa giải viên ở cơ sở tiêu biểu tỉnh Nghệ An lần thứ III

Chiều 21/12, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở; tôn vinh hòa giải viên ở cơ sở tiêu biểu tỉnh Nghệ An lần thứ III và tổng kết công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Các đồng chí: Hoàng Thị Thu Trang – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh; Nguyễn Thị Lan – Phó Giám đốc Sở Tư pháp đồng chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị

Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả

Hòa giải ở cơ sở là phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột xã hội do các bên lựa chọn với sự hướng dẫn, giúp đỡ của Hòa giải viên ở cơ sở, nhằm tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công tác hoà giải ở cơ sở có nhiều đóng góp hiệu quả. Ngày 20/6/2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014.

Giám đốc Sở Tư pháp Hoàng Thị Thu Trang phát biểu tại hội nghị

Sau 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hòa giải ở cơ sở đầy đủ, đồng bộ đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Việc thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả, qua đó khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội.

Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể về vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đã được nâng lên, đặc biệt là sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan tư pháp địa phương, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự nhiệt tình, sáng tạo của các hòa giải viên nên phần lớn các tổ hòa giải đều hoạt động có hiệu quả. Các địa phương đã quan tâm, bố trí nguồn kinh phí nhất định phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hòa giải ở cơ sở nên đã khích lệ, động viên các hòa giải viên thực hiện hòa giải, phát huy tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng.

Hàng năm, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh được rà soát, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, từ đó tạo điều kiện cho hoạt động quản lý nhà nước về hòa giải đi vào nề nếp và đạt hiệu quả, góp phần kiện toàn, phát triển công tác hòa giải ở cơ sở nói riêng, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội tại địa phương nói chung.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 3.876 tổ hòa giải với 26.402 hòa giải viên. Tiêu chuẩn, số lượng hòa giải viên và thành phần của tổ hòa giải bảo đảm đúng theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, quy tụ được lực lượng nòng cốt, có uy tín, kinh nghiệm trong cộng đồng dân cư, bảo đảm hoạt động hòa giải đạt hiệu quả cao. Các hòa giải viên sau khi được bầu, công nhận đã có ý thức tích cực nghiên cứu, tìm hiểu quy định pháp luật, kỹ năng hòa giải để thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở ngày một tốt hơn, tỷ lệ hòa giải thành cao hơn. Những tấm gương điển hình xuất sắc, những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng nhiều, góp phần đề cao giá trị nhân văn, ý nghĩa cao đẹp của công tác hòa giải ở cơ sở...

Về công tác của Hội đồng PBGDPL tỉnh năm 2023, các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Toàn tỉnh đã tổ chức được 10.180 cuộc cho 1.263.431 lượt người tham gia.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác tuyên truyền, PBGDPL đã được các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh khai thác triệt để nhằm đưa chủ trương, chính sách pháp luật đến với người dân chính xác, đầy đủ, kịp thời với nhiều mô hình, hình thức đa dạng. Nhiều cách làm hiệu quả, mô hình sáng tạo được áp dụng đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, là điểm sáng trong công tác tuyên truyền PBGDPL năm 2023 như: Chiến dịch tuyên truyền “Ngày thứ Bảy vì dân” với mục đích tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tư vấn hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đất đai, thừa kế; tổ chức ký kết Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân và các đơn vị cấp xã hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Diễn Châu…

Tăng cường công tác tuyên truyền PBGDPL

Trong thời gian tới, để công tác hòa giải ở cơ sở, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Phát huy tinh thần trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Tư pháp, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải.

Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành trong đội ngũ cán bộ và nhân dân để tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả cao nhất. Nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ Tư pháp phường, xã, thị trấn để từ đó làm tốt công tác tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo, quản lý hoạt động hòa giải ở cơ sở. Tiếp tục động viên và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác hòa giải. Huy động đội ngũ Luật gia, Luật sư, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, cán bộ đã nghỉ hưu… tham gia hỗ trợ hòa giải viên trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. ...

Nâng cao chất lượng công tác tham mưu các hoạt động cho Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng trong công tác PBGDPL. Tiếp tục thực hiện các Chương trình, Đề án về PBGDPL, chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền và lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực và nhu cầu xã hội, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, chất lượng, hiệu quả, hướng về cơ sở.

Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đổi mới, đa dạng hình thức tổ chức, triển khai Ngày Pháp Luật Việt Nam phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của các cơ quan, đơn vị, địa phương…

Thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Hoàng Thị Thu Trang – Giám đốc Sở Tư pháp và đồng chí Nguyễn Thanh Nhàn – Phó Giám đốc Sở Nội vụ trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở

Đồng chí Hoàng Thị Thu Trang – Giám đốc Sở Tư pháp và đồng chí Nguyễn Thị Mai Thương – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh trao Bằng khen cho 20 hòa giải viên ở cơ sở tiêu biểu tỉnh Nghệ An lần thứ III

Dịp này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 20 hòa giải viên ở cơ sở tiêu biểu tỉnh Nghệ An lần thứ III. Giám đốc Sở Tư pháp tặng Giấy khen cho 92 hòa giải viên ở cơ sở tiêu biểu tỉnh Nghệ An lần thứ III.

Tác giả: PT

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP