Pháp luật

Tòa rút hồ sơ vụ container đâm xe Innova đi lùi, người tài xế liệu có thoát tội?

Liên quan đến việc tòa rút hồ sơ vụ container đâm xe Innova đi lùi để xem xét, luật sư cho rằng, nếu bản án này được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì cơ hội để tòa tuyên hủy hai bản án để điều tra lại sẽ cao hơn và cơ hội minh oan cho người lái xe container là rất khả thi.

Mới đây, TAND tỉnh Thái Nguyên đã tuyên bản án 6 năm tù đối với người tài xế container tên Lê Ngọc Hoàng (SN 1985, ở Thái Bình) trong vụ tai nạn giao thông trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên khiến 4 người chết. Cùng chung số phận, bị cáo Ngô Văn Sơn bị tòa phúc thẩm tuyên phạt 9 năm tù về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Các bị cáo tại tòa.

Tuy nhiên, ngay sau phán quyết của TAND Thái Nguyên, dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều khi cho rằng tài xế Hoàng không phạm tội. Cũng bởi rất nhiều cơ quan ngôn luận đăng tải về vụ án, lãnh đạo TAND Tối cao cho biết đã chỉ đạo phòng nghiệp vụ rút hồ sơ vụ án này xem xét và yêu cầu TAND tỉnh Thái Nguyên báo cáo về nội dung vụ án.

Rất nhiều bạn đọc đã đặt ra câu hỏi: “Trong trường hợp tòa rút hồ sơ lên để xem xét thì người tài xế container có được giảm án hay thoát tội?”.

Trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin, luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết: Còn nhiều tình tiết trong vụ án chưa được làm rõ tại phiên tòa phúc thẩm. “Đặc biệt là thời điểm lái xe Hoàng phát hiện ra chiếc xe Innova đang lùi thì khoảng cách giữa hai xe là bao xa? Với điều kiện ánh sáng, tầm nhìn như vậy thì khả năng quan sát thực tế để phát hiện ra chướng ngại vật là bao xa? Khi phát hiện ra chiếc xe Innova đang lùi thì Hoàng đã xử lý tình huống thế nào, có đủ thời gian, điều kiện để phanh hoặc đánh lái tránh xe Innova một cách an toàn hay không?”, luật sư Cường đặt các câu hỏi.

Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp

Theo luật sư Cường, tất cả những vấn đề này chưa được thu thập đầy đủ chứng cứ, chưa được tranh luận công khai để làm rõ các tình tiết này. Bởi vậy việc kết tội cho lái xe Hoàng là chưa đủ cơ sở pháp lý vững chắc. Có làm rõ các tình tiết nêu trên thì mới xác định được hành vi của Hoàng là sự kiện bất ngờ, bất khả kháng hay có lỗi vô ý do quá tự tin hoặc do cẩu thả. Nếu cần thiết thì có thể thực nghiệm lại hiện trường để làm rõ khả năng phát hiện ra chiếc xe đi ngược chiều là bao xa, từ thời điểm phát hiện ra chiếc xe Innova đi ngược chiều thì có kịp thời gian để xử lý tình huống hay không.

Ngoài ra, luật sư Cường cũng cho rằng cần làm rõ, trước và tại thời điểm va chạm thì anh Hoàng có bị khuất, cản tầm quan sát hay không, có đủ điều kiện để đánh lái, tránh xe phía trước đang lùi hay không? Nếu kết quả điều tra, xác minh cho thấy lái xe container hoàn toàn có khả năng quan sát được xe Innova đang lùi từ xa (khoảng vài trăm mét) nhưng do lơ đãng, thiếu chú ý quan sát dẫn đến việc khi tới gần khoảng 40-50m thì mới phát hiện và không kịp xử lý (không kịp phanh, không kịp đánh lái một cách an toàn) thì người lái xe này mới có lỗi.

“Nếu bản án này được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì cơ hội để tòa tuyên hủy hai bản án để điều tra lại, xác định lại hành vi và trách nhiệm pháp lý của Hoàng sẽ cao hơn và cơ hội minh oan cho người lái xe này là rất khả thi”, luật sư Cường nêu quan điểm.

Ông Lương Quang Tuấn - nguyên là Kiểm sát viên vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự - xã hội thuộc VKSND Tối cao cũng cho rằng, để kết tội bị can bị cáo trong vụ án này có phạm tội hay không thì cần phải xem xét, đánh giá lại các số liệu như về tốc độ của hai xe, điều kiện, hoàn cảnh thời điểm xảy ra vụ va chạm…

Ông Lương Quang Tuấn - nguyên Kiểm sát viên VKSND Tối cao.

Cũng theo ông Tuấn, dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự thì phải xem xét tới việc người lái xe container có tránh được xe Innova trên không, trong khi xe kia lùi xuống rất nhanh. Nếu là trường hợp bất khả kháng thì khó quy kết tội cho người lái xe container.

Đánh giá về việc TAND Tối cao rút hồ sơ, ông Tuấn cho biết: Trong trường hợp “1. Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; 2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; 3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật” thì có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm theo quy định tại Điều 371, Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Sau khi xem xét TAND Tối cao cho rằng không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm đồng thời VKSND Tối cao, TAND Cấp cao, VKSND Cấp cao cũng không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì bản án sẽ được thi hành.

Trong trường hợp TAND Tối cao có văn bản kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên thì trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày có văn bản kháng nghị, Hội đồng thẩm phán, TAND Tối cao sẽ mở phiên tòa giám đốc thẩm theo quy định tại Điều 385, Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Tiếp đến, Hội đồng giám đốc thẩm sẽ căn cứ vào Điều 388, Bộ luật Tố tụng Hình sự để quyết định một trong các nội dung sau đây: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc Đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.

Tác giả: Tư Viễn

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP