Logo Global Times tại trụ sở tờ báo ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Quartz
Global Times là một ấn phẩm phụ của People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP), và từ lâu đã nổi tiếng với các bài xã luận mang giọng điệu hung hăng của những cây bút được dư luận nước này coi là diều hâu.
Chẳng hạn, ngày 30/7, Global Times chế giễu Australia khi gọi họ là "con mèo giấy", cách chơi chữ giống như ông Mao Trạch Đông từng gọi các đối thủ phương Tây là "con hổ giấy". Tờ này còn viết rằng "lịch sử vẻ vang" của Australia được tạo nên từ "nước mắt của thổ dân". Theo Quartz, những ngôn từ châm chọc đó nhằm đáp trả việc Australia ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài hôm 12/7, bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với nguồn tài nguyên trong yêu sách "đường lưỡi bò" mà nước này đơn phương vạch ra.
Họ đe dọa rằng nếu Australia tiến vào Biển Đông thì "sẽ trở thành mục tiêu lý tưởng để Trung Quốc cảnh cáo và tấn công". Báo Anh The Sun gọi những lời lẽ này là lời "kêu gọi chiến tranh" của Trung Quốc.
Truyền thông nước ngoài thường chú ý và trích dẫn những bài viết này như là "tiếng nói" của Bắc Kinh, mặc dù các tuyên bố chính thức từ CCP thường thận trọng hơn.
Tuy nhiên, Hồ Tích Tiến, tổng biên tập lâu năm của Global Times, nói rằng điều này chưa hẳn đã sai. Global Times thường phản ánh những gì các quan chức đảng thực sự suy nghĩ, nhưng không thể trực tiếp nói ra, Hồ Tích Tiến giải thích. Là cựu sĩ quan quân đội và một đảng viên, Hồ Tích Tiến thường gặp gỡ các quan chức ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc và bộ phận an ninh. Ông nói rằng họ có những ý kiến tương tự những bài viết đăng trên báo ông. "Họ không thể thẳng thắn nói, nhưng tôi có thể", ông nhấn mạnh.
Sau khi bắt đầu ở Trung Quốc, Global Times đã mở rộng ra toàn cầu. Họ tung ra phiên bản Mỹ năm 2013, và phiên bản Nam Phi năm 2014. Ngày 7/7, Global Times trình làng phiên bản châu Âu và ngay lập tức chế giễu quyết định rời Liên minh châu Âu của Anh, và nỗi lo của châu Âu về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Có nhiều người cả trong và ngoài Trung Quốc đã lên án giọng điệu của tờ báo. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng không thể phủ nhận Global Times là công cụ để giúp thấu hiểu chủ nghĩa dân tộc đang phát triển ở Trung Quốc. "Dù không thích, bạn vẫn cứ phải đọc những gì họ viết", Zhan Jiang, giáo sư báo chí tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, bình luận.
Con đường phát triển
Global Times được thành lập năm 1993 với xuất phát điểm là một tuần báo. Năm 1999, tờ này đưa tin về vụ Mỹ đánh bom Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade, Nam Tư. Mỹ tuyên bố vụ việc là một tai nạn, nhưng công chúng Trung Quốc rất tức giận trước cái chết của ba công dân nước này.
Ấn bản Global Times đặc biệt về vụ đánh bom bán được 780.000 bản, gần gấp đôi so bình thường. Câu chuyện ở trang bìa là lời kể của đại sứ về cách ông sống sót trong vụ đánh bom. Ông gọi vụ việc là "cuộc tàn sát" người dân Trung Quốc. Bài báo kết thúc bằng những câu miêu tả: "Ngày 9/5, quốc kỳ Trung Quốc tại đại sứ quán ở Nam Tư vẫn bay trong đống đổ nát. Dưới bầu trời xanh và trong bối cảnh khói lửa, lá cờ đỏ 5 sao trông rất bắt mắt".
Năm 2001, sau khi tờ này đưa tin về vụ khủng bố 11/9 tại Trung tâm Thương mại Thế giới ở Manhattan, Mỹ, lượng phát hành hàng ngày của Global Times đã cán mốc hai triệu. Tháng 4/2009, Global Times mở phiên bản tiếng Anh trên báo in và báo điện tử. Hiện nay, phiên bản nhật báo tiếng Trung có lượng phát hành trung bình một ngày hơn một triệu, còn bản tiếng Anh khoảng 100.000. Trang web tiếng Trung thu hút 15 triệu lượt khách truy cập mỗi ngày. 700 nhân viên của tờ báo làm việc tại trụ sở People’s Daily tại Triều Dương, một trong những quận sầm uất nhất của Bắc Kinh.
Tổng biên tập Global Times Hồ Tích Tiến. Ảnh: SCMP
Tranh cãi
Tổng biên tập Hồ Tích Tiến, 56 tuổi, không tự tay viết tất cả bài xã luận trên Global Times, mà ông truyền đạt lại ý kiến cho một biên tập viên, đôi khi dưới bút danh Shan Renping. Các bài viết thường mang giọng điệu gay gắt, khiến dư luận nước khác phẫn nộ.
Global Times ngày càng được ưa chuộng ở Trung Quốc khi Bắc Kinh áp dụng chính sách đối ngoại kiên quyết hơn.
Độc giả trung thành ở Trung Quốc chủ yếu là nam giới, học đại học và làm công việc văn phòng, tờ báo cho biết. Họ dường như đánh giá cao lập trường tự tin, đặt Trung Quốc lên trên hết và ủng hộ chính phủ của Global Times.
Cheng Ming, 20 tuổi, một sinh viên tài chính từ Đại học Kinh tế và Luật Hà Nam ở miền trung Trung Quốc, nói rằng Global Times là một trong số ít các hãng tin Trung Quốc "đưa tin đúng". "Họ luôn nói sự thật, bác bỏ tin đồn, và tát vào mặt những người nghi ngờ chính phủ", Cheng nói.
Những người chỉ trích tờ này thì cho rằng Global Times luôn đơn giản hóa mọi việc và có khả năng gây nguy hiểm. Hồi tháng 4, Ngô Kiến Dân, cựu đại sứ Trung Quốc ở Pháp, chỉ trích Hồ Tích Tiến là không hiểu gì về vấn đề thế giới, và cho rằng các bài viết của ông rất cực đoan.
Tờ báo lôi kéo dư luận bằng cách đưa ra các "thuyết âm mưu yêu nước", nhà báo Trung Quốc kỳ cựu Chen Jibing viết. Global Times cho rằng "bất kỳ ý kiến phê bình nào về tình hình Trung Quốc cũng đều mang âm mưu lật đổ xấu xa". Thay vì tranh luận bằng các cơ sở lập luận, ông Hồ Tích Tiến luôn đặt ra câu hỏi về động cơ của các nhà phê bình nhằm "cố tình dẫn dắt cuộc thảo luận theo hướng sai lầm", ông Chen viết. "Global Times càng phổ biến thì cách nhìn xã hội và thế giới của người Trung Quốc càng méo mó hơn", ông bình luận.
Văn phòng Global Times phiên bản tiếng Anh. Ảnh: Quartz
Tuy có một nhóm độc giả trung thành ngưỡng mộ ông Hồ Tích Tiến, nhiều người dùng mạng Trung Quốc gọi ông là "kẻ nhặt đĩa", chế giễu những bài viết mang đậm tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của ông.
Tại Trung Quốc, những ý kiến trái chiều về ông Hồ Tích Tiến và Global Times phản ánh sự chia rẽ giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc và những người giữ tư duy phê phán với Bắc Kinh. Do đó, cách tờ báo đưa tin đôi khi trở thành chủ đề tranh cãi căng thẳng.
Một trong những chủ đề thu hút nhiều tranh cãi là việc Hồ Tích Tiến thường lặp đi lặp lại luận điểm "Trung Quốc phức tạp", nói rằng Trung Quốc quá lớn nên không thể tránh khỏi có một số sai lầm. Đó là lý do không thỏa đáng mà ông này đưa ra để giải thích bất kỳ sự quản lý yếu kém nào của chính phủ, các nhà phê bình Trung Quốc nhận xét.
Tuy nhiên, đôi khi chính ông Hồ Tích Tiến cũng phê bình chính phủ. Ông từng viết trên Weibo rằng cần phải đấm thủng một số lỗ trong Vạn Lý tường lửa (hệ thống lọc và kiểm soát Internet cấp quốc gia của Trung Quốc) và xé bỏ nó hoàn toàn trong tương lai. Trong bài đăng khác, ông nói rằng Trung Quốc nên được tự do ngôn luận hơn nhưng sau đó bài đăng này của ông bị xóa.
"Rất nhiều người chửi bới tôi và tôi chấp nhận những nhận xét đó", Hồ Tích Tiến nói. "Tôi hy vọng chính phủ cũng có thể chấp nhận một số nhận xét như vậy".
Tác giả bài viết: Phương Vũ