Liên quan đến vụ, hai vợ chồng đại gia thuỷ sản ở An Giang “ôm” hàng chục tỉ đồng đi Trung Quốc công tác rồi “mất tích” khiến nông dân bán cá tra thành “con nợ”, diễn biến mới nhất, UBND tỉnh An Giang kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chuyển khoản nợ sang cho công ty của vợ chồng đại gia này.
Theo đó, UBND tỉnh An Giang đề nghị đối với các hộ dân đã thực hiện theo đúng quy trình dự án chuỗi liên kết dọc cá tra nhưng Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An (Tafishco, An Giang) còn nợ tiền mua cá thì khoản nợ vay ngân hàng của các hộ này chuyển sang cho công ty Thuận An nhận nợ và có trách nhiệm trả nợ theo dự án chuỗi.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty và bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc công ty Thuận An đi Trung Quốc đến nay vẫn chưa về |
Ngoài ra, các hộ dân được trả lại tài sản thế chấp để tiếp tục vay vốn, tái sản xuất. Đồng thời, ngân hàng ngừng tính lãi cho các hộ dân kể từ ngày 19/11/2016.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã không đồng ý với kiến nghị này của UBND tỉnh An Giang.
Trước thông tin này, các hộ dân trong chuỗi liên kết đã phản ứng và gửi đơn cầu cứu Thủ tướng, với mong muốn các khoản nợ được xử lý theo đề xuất của tỉnh An Giang.
Ông Nguyễn Văn Tấn (hộ nuôi cá trong dự án) bức xúc nói: “Hình thức giao dịch trong chuỗi liên kết diễn ra từ nhiều năm qua và nông dân đều làm đúng, chưa từng có lỗi gì. Dự án là chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, giờ lãnh đạo Công ty Thuận An bỏ trốn, ngân hàng lại bắt nông dân trả nợ thì hỏi sau này còn ai dám tham gia vào chuỗi liên kết”.
Người dân điêu đứng kêu cứu vì ngân hàng bắt trả nợ |
Trong đơn gửi cơ quan chức năng, các hộ dân cho rằng, chuỗi liên kết thí điểm từ sản xuất đến tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu cá tra là chủ trương đúng của Chính phủ và UBND tỉnh An Giang. Chuỗi liên kết này giải quyết được những khó khăn mà người nuôi cá thường gặp là không có đầu ra.
“Chuỗi liên kết đã giải quyết cơ bản những khó khăn, những nút thắt nan giải là cá nuôi không sợ không có đầu ra, được cấp nguồn vốn tín chấp đến 90%, được mua nguyên liệu đầu vào thức ăn, thuốc… với giá hợp lý, giảm được giá thành nuôi cá, nuôi cá đúng kỹ thuật đạt chất lượng tốt đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Hơn hai năm triển khai, chúng tôi rất vui khi chuỗi liên kết có hiệu quả”, các hộ nông dân trình bày và cho rằng, cách giải quyết từ phía ngân hàng là không hợp tình, hợp lí.
“Chúng tôi mong muốn được nhanh chóng xử lý để tái sản xuất. Đề nghị chuyển khoản nợ của nông dân trong chuỗi liên kết sang cho công ty Thuận An và Agribank An Giang thu tiền từ công ty này để trả khoản nợ thức ăn của nông dân trong ngân hàng này như đã thực hiện trong 2 năm qua. Ngoài ra, yêu cầu Agribank An Giang trả lại tài sản thế chấp cho nông dân”, các hộ dân trình bày.
Trước đó, như VietNamNet đưa tin, theo hợp đồng thỏa thuận ký kết giữa 3 bên tham gia chuỗi gồm Công ty Thuận An, Agribank An Giang và người nuôi cá tra.
Trong đó, quy định nông dân vay vốn không được nhận tiền mặt mà mở tài khoản lưu giữ tại ngân hàng. Trong quá trình nuôi cá, công ty Thuận An và Agribank An Giang lựa chọn đối tác cung cấp thức ăn, nông dân ký nhận khi thức ăn được giao xuống ao nuôi.
Đến kỳ thu hoạch, nông dân phải bán cá cho công ty Thuận An, không được bán ra ngoài, còn tiền mua cá được chuyển cho Agribank An Giang. Sau khi trừ tiền thức ăn, thanh toán khoản vay, nông dân được chuyển số tiền chênh lệch còn lại vào tài khoản.
Bất ngờ, tháng 10/2016, người đại diện theo pháp luật của công ty Thuận An là ông Nguyễn Thái Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty và bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc công ty (ông Sơn và bà Trinh là vợ chồng - PV) đi Trung Quốc tham dự hội chợ nghề cá đến nay vẫn chưa trở về, khiến các hộ nuôi cá lâm vào cảnh điêu đứng.
Nguyên nhân là trước đó, công ty đã mua cá của 10 hộ dân với tổng số tiền 62,72 tỷ đồng nhưng chưa chuyển qua Agribank An Giang để thanh toán.
Tới kỳ thu nợ, Agribank An Giang thông báo 10 hộ nuôi phải thanh toán khoản vay 78,43 tỷ đồng.
Tác giả: Hoài Thanh
Nguồn tin: Báo VietNamNet