Trong nước

Bí thư Đà Nẵng đề nghị 'giải quyết một lần cho xong' hai nhà máy thép ô nhiễm

Ông Trương Quang Nghĩa nói Đà Nẵng "chẳng có lý do gì" để tiếp nhận các nhà máy thép vào địa bàn khiến phá vỡ quy hoạch.

Ngày 22/12, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã đi thị sát kênh thoát lũ Hòa Liên và hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc ở Cụm công nghiệp Thanh Vinh, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang.

Tại cuộc làm việc sau đó, ông Nghĩa dành nhiều thời gian để truy việc hai nhà máy thép này có nằm trong quy hoạch của thành phố ở thời điểm xây dựng hay không?

Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng nói, hai nhà máy thép được hình thành năm 2007, trong khi quy hoạch ở khu công nghiệp này là phát triển công nghiệp điện tử, dệt may, vật liệu xây dựng.

Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng cho biết, quy hoạch ban đầu ở nơi đặt hai nhà máy thép là dành cho điện tử, dệt may, không có ngành luyện kim. Ảnh: Nguyễn Đông.

Bí thư Nghĩa nói, đặt hai nhà máy thép ở vị trí hiện tại là phá nát hết cả khu vực. Ngành điện tử và dệt may sẽ không thể làm được vì tiếng ồn, khói bụi. "Chủ trương của thành phố là không kêu gọi xây dựng nhà máy thép", ông nói và cho biết bây giờ nếu di dời dân xong mà vẫn tồn tại nhà máy thép thì các ngành khác sẽ không thể vào khu công nghiệp này để sản xuất được.

"Đề nghị chính quyền cần giải quyết một lần cho xong, chứ không phá vỡ hết quy hoạch của thành phố. Đà Nẵng chẳng có lý do gì để nhận các ngành này cả", ông Nghĩa nói.

Hai nhà máy thép gây ô nhiễm trên đã nhiều lần bị người dân địa phương phản đối, vây cửa nhà máy. Tại các kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng, việc di dời dân và di dời nhà máy đã được đưa ra bàn thảo. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, chính quyền thành phố chưa xác định dứt khoát việc có di dời nhà máy hay không.

"Đà Nẵng đang giải quyết hậu quả từ phát triển nóng"

Đề cập đến hướng phát triển của huyện Hòa Vang, ông Tô Văn Hùng - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, cho biết cần làm rõ đơn vị này phát triển loại hình đô thị gì, vì hiện công nghiệp cũng có, công nghệ cao cũng có nhưng không ai trả lời được câu hỏi phát triển đô thị công nghiệp hay công nghệ cao.

Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng cho biết, quy hoạch ban đầu ở nơi đặt hai nhà máy thép là dành cho điện tử, dệt may, không có ngành luyện kim. Ảnh: Nguyễn Đông.

"Chúng ta đang phát triển Hòa Vang theo kiểu cái gì không tồn tại được ở đô thị thì đẩy về Hòa Vang. Và Hòa vang gần như phải gánh chịu những thứ mà đô thị không chịu được. Nếu phát triển Hòa Vang theo đúng nghĩa thì ko thể duy trì cách làm như hiện nay", ông Hùng nói.

Bí thư huyện Hòa Vang Trần Văn Trường cho hay, huyện quy hoạch thiếu đồng bộ giữa tổng thể và các phân khu, dẫn đến khi khớp nối thì diện tích đất nông nghiệp một bên gánh chịu khô hạn, bên còn lại thường xuyên bị ngập úng, người dân không canh tác được. Hai nhà máy thép tồn tại trên địa bàn cũng khiến môi trường bị ô nhiễm bởi khói bụi, tiếng ồn,...

Theo Bí thư Trương Quang Nghĩa, Đà Nẵng là thành phố được ưu tiên phát triển hạ tầng, đặc biệt là kết cấu giao thông, đô thị, nhưng bất cập về quy hoạch.

"Có chuyên gia nói rằng, quỹ đất, nhà ở của Đà Nẵng hiện đủ để giải quyết cho 3 triệu dân, chưa kể khách du lịch. Điều này nói lên vấn đề gì? chúng ta có phát triển quá nóng để thu tiền quỹ đất không. Chúng ta có quản lý để phục vụ thực sự cho dân số của Đà Nẵng không? Cần phải xem lại", ông Nghĩa nói.

Cho rằng thành phố "đang phải giải quyết hậu quả khá nặng nề về quá trình phát triển nóng thời gian vừa rồi", Bí thư Đà Nẵng yêu cầu chính quyền thành phố phải xem xét lại các chính sách kêu gọi đầu tư; quyết liệt bảo vệ môi trường biển, tập trung thực hiện các dự án xử lý nước thải đang xả ra các bãi biển và phải làm sao đến năm 2020 biển Đà Nẵng không còn ô nhiễm.

"Đà Nẵng có biển, có rừng. Không gìn giữ là bị phá nát hết", ông Nghĩa nói.

Tác giả: Nguyễn Đông

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP