Kinh tế

Tiết lộ lý do khiến giá xăng giảm lần thứ 5 liên tiếp

Giá xăng dầu thế giới trong kỳ vừa qua diễn biến có tăng, có giảm nhưng xu hướng chung là giảm nhẹ. Tuy nhiên, việc giảm thuế nhập khẩu MFN không làm giảm giá xăng trong nước.

Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương vừa quyết định giảm 904 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, xuống còn 23.725 đồng/lít; giảm 939 đồng/lít đối với xăng RON 95, xuống còn 24.669 đồng/lít. Lần thứ 5 liên tiếp giá xăng giảm, đồng thời về lại mức giá trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine.

Theo cơ quan điều hành, thị trường xăng dầu thế giới 15 ngày qua tiếp tục có những diễn biến tăng giảm đan xen. Có những giai đoạn giá xăng dầu tăng do đường ống dẫn dầu từ Nga sang châu Âu bị tạm ngưng, tuy nhiên sau đó giá lại có xu hướng giảm do đánh giá về tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại (làm giảm cầu). Ngoài ra, những thông tin như việc nối lại đàm phán để phục hồi thỏa thuận hạt nhân với Iran của châu Âu và Mỹ, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng, việc Ukraine chặn đường ống dẫn dầu từ Nga sang 3 nước Trung Âu… cũng tác động đến giá xăng dầu.

"Nhìn chung, giá xăng dầu trong kỳ vừa qua diễn biến có tăng, có giảm nhưng xu hướng chung là giảm nhẹ. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá ngày 1/8 và ngày 11/8 là: 105,9 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 4,7 USD/thùng, tương đương giảm 4,26% so với kỳ trước); 109,9 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 4,5 USD/thùng, tương đương giảm 3,96% so với kỳ trước)", liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho biết.

Việc giảm thuế nhập khẩu MFN được đánh giá không làm giảm giá xăng trong nước (Ảnh: Mạnh Quân).

Cũng theo liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, trong các kỳ điều hành thời gian qua, cơ quan quản lý đã chi sử dụng Quỹ bình ổn giá cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi 100-1.500 đồng/lít.

Tại phiên điều chỉnh ngày 11/8, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã không chi, nhưng lại thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá đối với xăng E5 RON 92 ở mức 700 đồng/lít, với xăng RON 95 ở mức 750 đồng/lít. Dù mức trích lập đều thấp hơn kỳ trước 100 đồng/lít, giá xăng đã có thể giảm tới gần 1.700 đồng/lít nếu cơ quan quản lý không thực hiện trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Lý giải về điều này, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho biết mục đích để có dư địa điều hành bình ổn giá xăng dầu cho giai đoạn các tháng cuối năm, khi thị trường xăng dầu vẫn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn và diễn biến phức tạp, khó lường.

Theo cơ quan điều hành, hành động trên nhằm góp phần kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học và xăng khoáng để khuyến khích bảo vệ môi trường; hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Trước đó, ngày 8/8, Chính phủ quyết định giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì giảm từ 20% xuống 10%. Tuy nhiên, do hiện nay phần lớn xăng nhập khẩu về Việt Nam là từ ASEAN và Hàn Quốc, nên việc giảm thuế nhập khẩu MFN có thể không làm giảm giá xăng trong nước.

Ở khía cạnh tích cực, việc giảm thuế nhập khẩu MFN mở ra thêm cơ hội cho doanh nghiệp đầu mối tiếp cận các thị trường mới, đa dạng hóa nguồn cung xăng trong nước, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay.

Trong khi đó, Bộ Tài chính cho biết đã báo cáo Thủ tướng, xin chủ trương về phương án giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT đối với xăng dầu nhằm "hạ nhiệt" giá xăng.

Tác giả: Văn Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP