Giáo dục

Tiếc nuối với nghề phổ thông

Trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, ban hành theo quyết định số 16/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ngoài các môn học bắt buộc, học sinh được tìm hiểu một số nghề phổ thông, thông qua hoạt động giáo dục nghề phổ thông.

Ở lớp 11 với thời lượng 105 tiết/ năm học (3 tiết/tuần); còn ở lớp 8 có thời lượng 70 tiết /năm học (2 tiết/tuần).

Theo đó, học sinh chọn một trong số 11 nghề phổ thông mà Bộ GD-ĐT có ban hành tài liệu dạy học, bao gồm: Làm vườn, nuôi cá, trồng rừng, gò, điện dân dụng, điện tử dân dụng, sửa chữa xe máy, cắt may, nấu ăn, thêu tay và tin học văn phòng; hoặc chọn trong một số nghề theo tài liệu của Sở GD-ĐT.

Trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, cho thấy: Ở lớp 8 và lớp 11 chỉ có các môn học bắt buộc, các môn học bắt buộc có phân hoá; các môn học tự chọn; các môn học tự chọn bắt buộc và chuyên đề học tập; còn nghề phổ thông không còn là hoạt động giáo dục cho học sinh.

Theo Công văn 8608 của Bộ GD-ĐT thì hoạt động giáo dục nghề phổ thông có nhiệm vụ: “Hình thành cho học sinh một số kỹ năng sử dụng công cụ, kỹ năng thực hành kỹ thuật theo quy trình công nghệ để làm ra sản phẩm theo yêu cầu của giáo dục nghề phổ thông và phát triển nhu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn ”.

Thế nên, sẽ nhiều tiếc nuối, nếu như không còn hoạt động giáo dục nghề phổ thông ở cả 2 giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Bởi lẽ, ngoài 11 nghề phổ thông như hiện nay, nếu như Bộ GD-ĐT bổ sung thêm một số nghề thuộc các lĩnh vực như: Giáo dục, y tế, xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính- viễn thông, tài chính- tiền tệ, kinh doanh - dịch vụ, an ninh- quốc phòng, công nghệ thông tin, các nghề truyền thống ở địa phương…; thì ít nhất mỗi học sinh còn được lựa chọn một nghể phù hợp với sở thích, phù hợp với năng khiếu và năng lực của thân, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động ở địa phương để tìm hiểu.

Sau khi tìm hiểu, các em sẽ định hướng chọn một nghề phù hợp để bước vào thị trường lao động hoặc tiếp tục vào học các trường nghề, trường đại học sau bậc học phổ thông. Qua đó góp phần vào việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Tác giả bài viết: Trần Vũ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP