Trong nước

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với phụ nữ Việt Nam

Nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, sáng nay (15/10), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với phụ nữ về "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ và trực tuyến với 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với sự tham gia của hơn 5.000 hội viên, phụ nữ tiêu biểu trong các lĩnh vực, cán bộ Hội các cấp.

Dự hội nghị có đồng chí Bùi Thị Minh Hoài – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí Tỉnh ủy viên: Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Hội nghị Đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với phụ nữ là cơ hội để các tầng lớp phụ nữ chia sẻ và gửi gắm tới Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ những vấn đề phụ nữ quan tâm. Đồng thời, đây cũng là dịp để Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính động viên, khích lệ phụ nữ nỗ lực và quyết tâm hiện thực hóa những mong ước của bản thân, khơi dậy tiềm năng sẵn có trong mỗi phụ nữ, mỗi người, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Phụ nữ Việt Nam có vai trò đặc biệt, có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác phụ nữ, nhiều chương trình, chính sách, đề án đã được Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ. Cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ đã luôn nỗ lực không ngừng, tích cực học tập, lao động, khẳng định vai trò quan trọng của giới mình đối với sự phát triển của đất nước.

Các đồng chí chủ trì hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, hiện xếp hạng thứ 62/190 quốc gia; tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương là 48,3%; tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, góp phần đưa chỉ số kết quả tiến bộ của phụ nữ trong doanh nghiệp của Việt Nam xếp thứ 9 trên tổng 58 nước, xếp thứ 2 trong 6 nước Đông Nam Á được nghiên cứu...

Phát biểu mở đầu buổi đối thoại, nhân kỷ niệm 92 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các bà, các mẹ, các chị, các em, các cháu gái trong cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ luôn có vai trò đặc biệt, có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, vị trí công việc gì, phụ nữ Việt Nam cũng tỏa sáng phẩm chất “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” như tám chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng cho phụ nữ Việt Nam.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ với nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phụ nữ trong tạo việc làm, khởi nghiệp... Với những chính sách đó, Việt Nam đã tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò và có nhiều cơ hội đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người phụ nữ, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, chân thành, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu nói rõ những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành trả lời có trách nhiệm về những vấn đề phụ nữ cả nước còn băn khoăn, trăn trở, lo lắng

“Những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó xử lý, giải quyết, mỗi người trên cương vị, thẩm quyền, trách nhiệm của mình phải cố gắng làm hết mình, không phải nêu ra vấn đề rồi để đấy. Đối với những vấn đề đã "chín," đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội”- Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội

Trong chương trình, Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành đã đối thoại với đại diện phụ nữ cả nước về 3 nhóm nội chung chính: Thứ nhất là, phụ nữ với phát triển kinh tế, với nội dung cụ thể về cơ chế, chính sách để phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tham gia xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ phụ nữ trong việc tiếp cận các nguồn lực như công nghệ, vốn…

Thứ hai là, phụ nữ và các vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng giới, đại biểu tập trung vào các nội dung như: Công tác đào tạo nghề cho lao động nữ ở nông thôn; hỗ trợ tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ; các giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu về tỷ lệ cán bộ nữ...

Thứ ba là, phụ nữ và thế hệ tương lai, các đại biểu đã đặt câu hỏi về chính sách thai sản cho phụ nữ; xây dựng môi trường sống an toàn, phát triển toàn diện cho trẻ em; chương trình giáo dục làm cha mẹ; việc quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; quản lý hiệu quả thông tin trên mạng xã hội…

Về các chính sách ưu tiên cho phụ nữ trong phát triển kinh tế nông nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết hiện nay chưa có chính sách riêng cho phụ nữ trong tham gia hoạt động kinh tế. Tuy vậy, hiện đã bước đầu xây dựng cơ chế liên quan hỗ trợ phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể, cũng như lồng ghép nhiều chính sách khác nhau trong việc hỗ trợ phụ nữ. Như trong phát triển sản phẩm OCOP, Nhà nước sẽ thúc đẩy phát triển thương hiệu, đầu vào và đầu ra. Tuy nhiên, để có nhiều sản phẩm hơn thì cần có vốn vay ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy sản phẩm tốt hơn, các hợp tác xã mà chị em làm chủ sẽ được hỗ trợ nhiều hơn.

Trực tiếp làm rõ thêm một số nội dung, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu khi xây dựng các cơ chế, chính sách, ngoài các quy định chung, cần tính tới các quy định riêng phù hợp với phụ nữ.

GS.TS. Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam đặt câu hỏi về giải pháp nhằm thu hút và sử dụng nhà khoa học nữ trong thời gian tới tham gia tích cực hơn nữa vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội đất nước? Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho rằng, chủ trương bình đẳng giới của Đảng, Nhà nước ta đã mang lại hiệu quả rất quan trọng. Với thiên chức của mình, người phụ nữ có vai trò người mẹ, người vợ, người bà trong gia đình, nên có những khó khăn, nhọc nhằn, vất vả hơn trong việc tham gia nghiên cứu khoa học. Do đó, ngoài những chính sách chung, để phát huy vai trò của người phụ nữ trong phát triển khoa học và công nghệ thì chúng ta phải suy nghĩ thêm các chính sách riêng, Bộ Khoa học và Công nghệ, các ngành, các cấp liên quan phải rà soát, sửa đổi, hoàn thiện, đề xuất các cơ chế, chính sách để khuyến khích phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học, với các tiêu chí cụ thể.

Tiếp đó, chị Đỗ Thị Ninh, Trưởng phòng giao dịch 03, Tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương chi nhánh Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đề nghị có giải pháp để mở rộng đối tượng khách hàng và nguồn vốn vay cho các tổ chức tài chính vi mô. Giải đáp nội dung này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng tới đây Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa thông tư 03 để mở rộng hơn nữa đối tượng. Quy định hiện nay chưa cho phép các tổ chức tài chính vi mô mở tài khoản thanh toán, nhưng ông Tú cho biết sẽ sửa Luật tổ chức tín dụng, cho phép tổ chức tài chính vi mô mở tài khoản thanh toán…

Về tài chính vi mô, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng nghiên cứu, mở rộng đối tượng, hạn mức, thời gian ưu đãi cho phụ nữ tiếp cận nguồn vốn, bảo đảm nguồn vốn phù hợp, để người dân nói chung và phụ nữ nói riêng không phải vay tín dụng đen, đồng thời giúp chị em sử dụng vốn hiệu quả để trả lại cho ngân hàng.

Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung, trước hết là về vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu kết luận hội nghị đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những mong muốn, khát vọng của các chị em phụ nữ. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ, đánh giá cao những đóng góp của phụ nữ trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục nhận thức đúng về vai trò của phụ nữ, bình đẳng giới. Tiếp tục quán triệt vai trò của phụ nữ theo tinh thần của Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đối với các nội dung của chương trình đối thoại, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành Trung ương rà soát, đề xuất các phương án hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục xây dựng, củng cố Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực sự vững mạnh, phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ. Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh hoạt động về cơ sở, khu dân cư, chăm lo thiết thực quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho hội viên, không phô trương, hình thức, không chạy theo thành tích; phát huy vai trò chủ động tham mưu, đề xuất với Ðảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ…

Dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã tặng thưởng 10 cá nhân phụ nữ tiêu biểu đã đạt thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các đề án: “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn năm 2017-2025.”

Tác giả: PT

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP