Ông Bùi Văn Ga - Thứ trưởng GD&ĐT - cho biết: Quy chế tuyển sinh 2017 cho phép thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học thông tin theo thống kê chung của Bộ GD&ĐT, hiện nay, 50% thí sinh chỉ đăng ký từ một đến 3 nguyện vọng, 30% thí sinh đăng ký 4 đến 5 nguyện vọng. Như vậy, 80% thí sinh đăng ký từ một đến 5 nguyện vọng. 18% thí sinh đăng ký từ 6 đến 10 nguyện vọng.
Cũng theo thống kê này, 98% thí sinh đăng ký từ một đến 10 nguyện vọng. Chỉ 2% đăng ký từ 11 đến 48 nguyện vọng (một thí sinh đăng ký 48 nguyện vọng). Trong 2% này, gần 1,7% thí sinh đăng ký từ 11 đến 15 nguyện vọng và chỉ có hơn 0,3% thí sinh đăng ký trên 15 nguyện vọng.
Dựa vào số lượng thí sinh đăng ký trên, ông Bùi Văn Ga cho biết nếu các trường xét tuyển riêng lẻ sẽ rất khó xác định điểm chuẩn. Nhiệm vụ của việc xét tuyển theo nhóm là giúp các trường xác định điểm chuẩn sao cho phù hợp.
Bộ GD&ĐT khuyên các trường phía Nam (từ Quảng Bình trở vào) lập nhóm xét tuyển chung do Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chủ trì. Các trường từ Hà Tĩnh trở ra lập nhóm xét tuyển do Đại học Bách khoa Hà Nội chịu trách nhiệm.
Ông Nguyễn Kim Sơn - Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết phương án tuyển sinh theo nhóm sẽ giảm tỷ lệ thí sinh ảo ngay từ ban đầu.
Theo ông Sơn, năm nay, công tác chuẩn bị không phức tạp so với năm 2016 bởi theo quy chế, học sinh đã đăng ký nguyện vọng, toàn bộ cơ sở dữ liệu đã có trong phần mềm chung của Bộ GD&ĐT.
Nguyên tắc của việc tuyển sinh là tôn trọng quyền tự chủ của các trường, không ảnh hưởng quy định riêng. Việc xác định thang điểm 10 hay 30 cũng hoàn toàn do các trường tự quyết.
Hiện tại, nhóm kỹ thuật hỗ trợ đang hoàn thành phần mềm xét tuyển và quy chế tham gia.
Tác giả bài viết: Quyên Quyên
Nguồn tin: