Cô giáo khi không đứng lớp thì... đứng bếp
Cô Liên đang chuẩn bị nấu một mẻ dầu dừa. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Có mặt ở nhà cô giáo Trần Ngọc Liên lúc 1 giờ chiều ngày thứ Năm. Lúc này, cô Liên và chồng đang chuẩn bị nấu mẻ dầu dừa 40kg. Các công việc xay dừa, lọc lấy nước đã được hoàn thành vào buổi sáng. Buổi chiều, phải mất 4 tiếng ngồi khuấy liên tục thì mẻ dầu dừa mới được tách thành công thành 4 lít dầu.
Trong một trạng thái chia sẻ trên Facebook, cô Liên nói vui: “Khi không đứng lớp thì cô giáo làm gì? Xin thưa là đứng bếp!”
Cô Liên đứng bếp không phải để nấu ăn cho gia đình, mà để làm mứt, để nấu dầu dừa đem bán. Phòng khách nhà cô Liên có riêng một kệ tủ để trưng bày những sản phẩm mà cô Liên đang bán: dầu dừa, tinh bột nghệ, mầm đậu nành, mứt cam… Ngoài ra, trong tủ lạnh luôn có sẵn nem chua, bánh bột lọc để khách gọi là có.
“Cứ mùa nào thứ ấy, mình bán tạp nham đủ cả. Có thứ mình tự làm, có thứ lấy buôn về bán. Mình bán online, chủ yếu cho bạn bè, đồng nghiệp, người quen” – cô Liên chia sẻ.
Hiện tại, công việc “tay phải” của cô Liên là giáo viên dạy Văn ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyện quận Nam Từ Liêm.
Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, cô Liên đứng bục giảng đã được 14 năm, từng dạy qua 4 trường công lập, dân lập đủ cả. Hiện tại, cô Liên vẫn đang dạy hợp đồng, không được đóng bảo hiểm, tuần dạy 16 tiết với mức thu nhập hơn 3 triệu đồng/ tháng.
“Năm ngoái tiền công dạy 1 tiết là 45 nghìn, năm nay tăng lên 50 nghìn. Bọn mình vẫn nói vui là 1 nghìn/ phút. Giá đó là đã cao hơn so với nhiều trường công lập khác. Bọn mình cũng có thể dạy tăng cường thêm mỗi tuần vài tiết ở trường nhưng cũng chỉ thêm được vài trăm nghìn một tháng. Thường thì mình không dạy thêm ở trường, có em nào cần phụ đạo hay ôn thi thì đến nhà cô, cô phụ đạo miễn phí”.
Cô Liên còn bán cả nem chua, bánh bột lọc... Ảnh: Nguyễn Thảo |
Tham gia vào câu chuyện, chồng cô Liên chia sẻ rằng môi trường giáo dục nhạy cảm, phức tạp. Hai vợ chồng thường nói với nhau, thay vì đi dạy thêm cũng chẳng thêm được bao nhiêu tiền thì chọn kiếm tiền bằng cách khác.
Mỗi tuần cô có tiết dạy trong 4 ngày, 3 ngày còn lại ở nhà. Đang mùa dừa, mỗi tuần cô Liên làm 2 mẻ dầu dừa để bán với giá 150 nghìn/100ml. Đến giáp Tết, cả nhà lại tập trung làm mứt dừa đủ các vị. “Năm ngoái mình bán được đến vài tạ mứt dừa thành phẩm” – cô Liên kể.
Hỏi về thu nhập từ bán hàng online, cô giáo dạy Văn cười bảo: “Vẫn nói vui là nghề tay trái nuôi nghề tay phải. Nếu chỉ trông chờ vào lương đi dạy thì không đủ sống, chưa kể nuôi 3 đứa con. Cũng có thời kỳ mình ‘chạy sô’ dạy hết trường này đến trường kia. Nếu để có mức thu nhập 10 triệu/ tháng từ đi dạy thì đi từ sáng đến tối, không còn thời gian nào cho gia đình. Còn bây giờ mình dạy ít nhưng bù lại, mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Cô Liên cùng chồng nấu dầu dừa một tuần 2 mẻ. Ảnh: Nguyễn Thảo |
'Thà lấy công nhân còn hơn lấy giáo viên'
Sống ở thủ đô, cô Liên chọn bán hàng online để kiếm thêm thu nhập thì ở một ngôi trường làng ở tỉnh Hưng Yên, cô Hương chọn công việc tư vấn viên cho một hãng bảo hiểm.
Tốt nghiệp khoa Sư phạm Văn - Địa, Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên năm 2000, cô Hương trở thành giáo viên dạy Văn cấp 2 đã 18 năm nay.
“Thời kỳ của mình, mọi thứ vẫn còn dễ dàng. Thi đỗ trường sư phạm vẫn còn rất quý. Ra trường, mình được đi dạy ngay. 6 tháng sau được vào biên chế mà không phải đi cửa trước cửa sau gì. Công việc nói chung là rất thuận lợi, lương lên đều đặn, bây giờ đang chuẩn bị lên bậc 7. Nhưng 18 năm đi dạy, bây giờ lương mới được gần 7 triệu, trừ các khoản phí hàng tháng thì còn 6,3-6,4 triệu”.
“Ngày xưa mới ra trường, chị yêu nghề lắm,. Bây giờ cuộc sống khó khăn, nên dù vẫn yêu nghề nhưng vẫn phải dành thời gian làm những công việc khác để sống. Nếu như chỉ hít không khí mà sống được thì ai cũng yêu nghề cả. Nhưng mình có phải là thánh thần đâu. Còn con cái, gia đình…”
Chị Hương kể, cách đây 5 năm, chị đã tập tọe đi học nghề may để làm thêm ở nhà, nhưng công việc này chiếm rất nhiều thời gian nên chị nghỉ. Sau đó, chị bén duyên với nghề tư vấn viên bảo hiểm đã được 4 năm nay.
“Công việc này cũng vất vả nhưng không gò bó thời gian. Ngày thường thì đi dạy, cuối tuần thì làm bảo hiểm. Mình kiêm luôn cả việc đi thu phí khách hàng, nên có lương cứng 1,5 triệu/ tháng. Ngoài ra, thu nhập theo khả năng của mình. Những tháng hè, có thời gian làm, có tháng thu nhập tới 7-8 triệu/ tháng hoặc cao hơn. Nhưng những tháng bận ôn thi cho học sinh thì chỉ được 1,5-2 triệu”.
Chị Hương nói, từ khi có công việc làm thêm, tuy vất vả một chút nhưng có thêm thu nhập nuôi con, đầu tư thêm cho con học hành. Chồng chị cũng là viên chức, lương 4-5 triệu/ tháng. Nếu không đi làm thêm, thu nhập hai vợ chồng chỉ vỏn vẹn chục triệu, trong khi phải nuôi 2 đứa con – một đứa lớp 10, một đứa lớp 5.
Chị Hương thừa nhận, công việc “tay trái” đang là cứu cánh của kinh tế gia đình chị.
Dù ở thủ đô hay ở quê, cả chị Liên và chị Hương đều chia sẻ, việc giáo viên đi làm thêm bây giờ rất phổ biến. Người thì bán hàng online, người bán mỹ phẩm, bảo hiểm…
“Có bạn học Toán tin hệ đại học ra, bây giờ đi dạy thuê cho tiểu học. Tuần dạy 3-4 buổi, chiều về làm ở xưởng may, nhận lương theo sản phẩm. Có giáo viên trường mình ra trường 15 năm rồi, học lên đại học rồi, vẫn dạy hợp đồng, không dám lấy vợ. Có cô giáo dạy 10 năm chưa được vào biên chế, vẫn chưa chồng con gì”.
“Bây giờ lấy vợ người ta cũng chọn người có công việc ổn định. Thà lấy công nhân còn hơn lấy giáo viên. Các cô đi dạy lương 2-3triệu/ tháng thì không bằng lương công nhân. Chạy vào biên chế thì mất một số tiền rất lớn, nên nghề này khó lập gia đình kể cả nam lẫn nữ”.
Nhưng nhiều giáo viên vẫn chấp nhận dạy hợp đồng lương 2-3 triệu/ tháng, hè không có lương, chỉ vì tiếc công học hành. “Ngày xưa đi học thì giáo viên là nghề mơ ước, còn bây giờ nhiều giáo viên cảm thấy ân hận khi chọn nghề. Nếu được quyền chọn lại, cũng chưa chắc mình đã chọn nghề này”.
Không chỉ chuyện thu nhập, đa số giáo viên cảm thấy buồn về nghề của mình vì những áp lực và nỗi buồn khác. “Giáo dục gần đây nổi tiếng quá. Mặc dù mình không tham gia vào những câu chuyện đó, nhưng nó làm mình buồn. Mình thấy bị xúc phạm nhiều lắm”.
Chia sẻ về chuyện áp lực, thu nhập, chị Hương chua xót kết luận: “Ngày xưa mà biết như thế này thì chọn nghề khác cho con cái đỡ vất vả”.
Tác giả: Nguyễn Thảo
Nguồn tin: Báo VietNamNet