Cụ thể, liên quan đến vấn đề sách giáo khoa lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông mới, bộ GD&ĐT đề nghị các nhà xuất bản có sách giáo khoa lớp 1 đã được Bộ trưởng bộ GD&ĐT phê duyệt có hình thức phù hợp cung cấp sách giáo khoa đến các địa phương kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên, cha mẹ học sinh tiếp cận thông tin về sách giáo khoa nhanh chóng, tiết kiệm, hiệu quả và đầy đủ cho từng môn học để thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của pháp luật.
Phương án triển khai cung cấp sách giáo khoa lớp 1 đến các địa phương của các nhà xuất bản cần được thực hiện khẩn trương và báo cáo về bộ GD&ĐT trước ngày 15/1/2020.
Đồng thời, các nhà xuất bản cũng khẩn trương thực hiện các thủ tục để kịp thời công bố giá của mỗi cuốn sách giáo khoa lớp 1 đã được bộ GD&ĐT phê duyệt để các cơ sở giáo dục phổ thông, các địa phương có thông tin đầy đủ khi tổ chức lựa chọn sách giáo khoa, việc công bố giá sách giáo khoa lớp 1 phải được hoàn thành trước ngày 15/2/2020.
Cùng với đó, các sở GD&ĐT chủ động phối hợp với các nhà xuất bản có sách giáo khoa lớp 1 đã được Bộ trưởng bộ GD&ĐT phê duyệt để có hình thức phù hợp cung cấp sách giáo khoa kịp thời.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên, cha mẹ học sinh tiếp cận thông tin về sách giáo khoa nhanh, tiết kiệm, hiệu quả và đầy đủ cho từng môn học để thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng theo quy định của pháp luật. Những nội dung này cần được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, công khai, minh bạch và hoàn thành trước khi thành lập các hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 1.
Việc công bố giá sách giáo khoa lớp 1 phải được hoàn thành trước ngày 15/2/2020. |
Có thể thấy, tính đến thời điểm hiện tại, sau hơn một tháng bộ GD&ĐT công bố danh mục sách giáo khoa được sử dụng trong năm học tới, các nhà xuất bản đã tổ chức nhiều buổi giới thiệu sách giáo khoa tới các cán bộ quản lý giáo dục, các giáo viên sẽ tham gia giảng dạy lớp 1 trong năm học tới.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều giáo viên vẫn chưa biết mặt sách giáo khoa mới như thế nào chứ chưa nói đến nội dung của từng cuốn sách giáo khoa sẽ được dùng để giảng dạy. Trên thực tế, các cán bộ quản lý giáo dục, các giáo viên tiểu học chưa được thực nghiệm, chưa có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu đầy đủ nội dung cả 5 bộ sách này.
Theo bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông, Hà Nội, hiện tại, việc tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới cho giáo viên đã bước đầu hoàn tất. Mặc dù vẫn còn thiếu giáo viên, nhưng địa phương sẽ có phương án tuyển bổ sung trong năm học tới, những giáo viên đã được tập huấn sẽ được ưu tiên dạy lớp 1. Tuy nhiên, đợt tập huấn vừa qua mới chỉ giới thiệu nội dung phương pháp tiếp cận, chưa đi sâu vào bộ sách cụ thể nào.
Đặc biệt, nhiều giáo viên tại các địa phương "nóng lòng" chờ sách giáo khoa, bởi lẽ, sau khi bộ GD&ĐT phối hợp với các Sở tổ chức tập huấn, giáo viên mới chỉ được giới thiệu chương trình "khung", còn nội dung chi tiết, cụ thể theo từng bộ sách thì chưa được giới thiệu. Chưa kể, hàng vạn giáo viên lớp 1 ở những vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện khó khăn thì sẽ giảng dạy như thế nào nếu không có sách.
Thầy giáo Nguyễn Văn S., một giáo viên tiểu học tại Lào Cai cho biết: "Giáo viên chúng tôi vẫn đang chờ địa phương chọn sách trong từng ngày, không gì tốt hơn khi giáo viên được biết về bộ sách giáo khao một cách cụ thể, được tìm hiểu và dạy thử trước khi năm học mới đến".
Những tồn tại trên khiến nhiều người băn khoăn, làm thế nào để đảm bảo kế hoạch cũng như kịp tiến độ triển khai chương trình sách giáo khoa mới, khi mà đã hơn một tháng trôi qua kể từ ngày bộ GD&ĐT công bố 32 sách giáo khoa lớp 1 được sử dụng trong năm học tiếp theo.
Đồng thời, bộ GD&ĐT cũng có công văn gửi các sở GD&ĐT về việc chuẩn bị thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1. Cụ thể, Bộ yêu cầu các Sở chỉ đạo góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Trong đó, cần tập trung vào quy trình tổ chức cho giáo viên lựa chọn sách phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ để bảo đảm chất lượng, hiệu quả; trách nhiệm của cơ sở giáo dục đối với việc lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm sự phù hợp giữa đề xuất của các tổ chuyên môn và kết quả của hội đồng. Góp ý của các sở GD&ĐT phải gửi về bộ GD&ĐT trước ngày 10/1/2020.
Các sở GD&ĐT phải chủ động phối hợp với các nhà xuất bản có sách giáo khoa lớp 1 đã được duyệt để cung cấp kịp thời cho các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên, cha mẹ học sinh để lựa chọn sách theo quy định. Những nội dung này cần được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, công khai, minh bạch và hoàn thành trước khi thành lập các hội đồng chọn sách giáo khoa lớp 1.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, các sở GD&ĐT cũng như các nhà xuất bản, các trường cần kịp thời báo cáo về Bộ để có biện pháp giải quyết.
Tác giả: Cẩm Mịch
Nguồn tin: Báo Người đưa tin