Trong tỉnh

Thiếu voi đực, đàn voi rừng 16 con ở Nghệ An trước nguy cơ giảm sút

Toàn tỉnh Nghệ An hiện nay còn vỏn vẹn 16 con voi rừng, và đang đứng trước nguy cơ giảm sút, hao mòn vì thiếu voi đực để sinh sản.

2 mẹ con voi rừng xuất hiện ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) vào sáng 24.10. Ảnh: QĐ

Mới đây, 2 mẹ con voi rừng xuất hiện tại xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Nghệ An, phá hoa màu của dân. Người dân phải sử dụng loa phóng thanh và các dụng cụ phát ra âm thanh lớn để xua đuổi voi.

Được biết, đây là hai mẹ con voi cái. Voi mẹ đã già, voi con đang ở độ tuổi sinh sản nhưng không có voi đực để giao phối. Hai mẹ con nhà voi này mỗi năm xuất hiện vài lần, gây kinh động cho người dân. Địa phương đã thành lập tổ xua đuổi voi rừng, kinh phí, thiết bị được cấp từ ngân sách, thông qua Ban quản lý Vườn quốc gia Pù Mát.

Ngày 25.10, trao đổi với phóng viên, ông Trần Xuân Cường – Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát cho biết: Trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An hiện nay có tổng cộng 16 con voi rừng, phân bố tại Quỳ Châu 2 con, Quỳ Hợp 1 con, Anh Sơn 8 con, Con Cuông 1 con, Tương Dương 4 con.

Đàn voi xuất hiện phá hoại hoa màu của người dân tại xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An). vào năm 2018. Ảnh: Tư liệu

Nguyên nhân đàn voi xuất hiện phá hoa màu của dân, theo ông Trần Xuân Cường là do địa bàn sinh sống của voi bị con người làm ảnh hưởng.

“Một số người dân trồng keo, lấn vào rừng, một số nơi lại trồng mía, voi thích ăn mía nên kéo ra ăn thôi” – ông Trần Xuân Cường cho biết.

Để bảo vệ an toàn cho người, tại các địa bàn có voi thường xuyên xuất hiện, Vườn quốc gia Pù Mát phối hợp với địa phương thành lập tổ xua đuổi voi, với mục đích để voi thấy động tránh đi vừa không làm tổn hại đến voi và tài sản của nhân dân.

“Tại Thái Lan, người ta tách bạch khu vực có voi rừng hẳn với địa bàn sản xuất, sinh sống của con người, một số nơi có nguy cơ voi xuất hiện làm hư hại hoa màu thì họ nuôi ong. Khi voi đến, đàn ong bay ra voi sẽ sợ, bỏ đi” – Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát nói.

Vấn đề nan giải nhất của đàn voi Nghệ An là thiếu voi đực để giao phối, sinh sản, tăng đàn. Tổng số có 16 con voi nhưng chia thành nhiều đàn, các đàn không thể tiếp cận, nhập với nhau do địa hình cách trở, chỉ có 1 đàn ở Anh Sơn là có voi đực. Tuy nhiên từ năm 2013 lại nay, tổng đàn voi của tỉnh Nghệ An vẫn dừng lại ở con số 16.

“Đã có rất nhiều lần kiến nghị, họp bàn, tính đủ mọi cách, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhưng giải pháp để những con voi rừng có thể hợp đàn, kết đôi sinh sản hiện vẫn đang bế tắc” – ông Trần Xuân Cường cho hay.

Tác giả: QUANG ĐẠI

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP