Đề thi minh họa môn Lịch sử của Bộ GD&ĐT được các chuyên gia Sử học đánh giá là... an toàn. Ảnh: HH
Khá an toàn
Theo đề thi minh họa Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mới công bố, đề thi môn Lịch sử có 40 câu với thời lượng 50 phút. Trong đó, câu hỏi về lịch sử thế giới có 11 câu (chiếm 27,5%), lịch sử Việt Nam 28 câu (chiếm 70%), còn lại là “giao thoa” giữa lịch sử Việt Nam và thế giới. Đề thi chiếm đại đa số là câu hỏi về nội dung sự kiện, chỉ có 2 câu hỏi yêu cầu học sinh phải tư duy. Về mặt hình thức, các câu hỏi được thiết kế dưới 3 dạng chủ yếu là điền khuyết, sắp xếp theo trật tự thời gian và tìm lựa chọn đúng.
Nhiều chuyên gia Sử học nhận xét, đề thi Sử như vậy là... quá an toàn. Học sinh chỉ cần có trí nhớ tốt và ôn tập bám sát nội dung sách giáo khoa theo phương thức luyện đi luyện lại sẽ được điểm cao. Đề thi không khó cộng với hình thức thi trắc nghiệm nên học sinh rất dễ kiếm điểm tối đa, khắc phục tình trạng la liệt điểm 0 như những năm trước.
GS.NGND Vũ Dương Ninh, Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội bày tỏ: "Các câu hỏi trắc nghiệm sẽ buộc học sinh phải nhớ chính xác về thời gian, địa điểm, nhân vật và nội dung của sự kiện lịch sử. Điều này là rất cần thiết vì Sử không cho phép được sai lệch các yếu tố hoặc lẫn lộn giữa các sự kiện với nhau. Nhưng sẽ là không đủ, thậm chí không đạt mục tiêu chính của môn học nếu thi trắc nghiệm. Nhiều khả năng các em sẽ trở thành những "con vẹt", mà những con vẹt này cũng không nhắc lại đúng những điều cần thiết”.
Bàn tới câu hỏi trong đề thi minh họa Lịch sử, TS Tưởng Phi Ngọ, Phó trưởng Khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng, câu hỏi khá an toàn, chỉ yêu cầu ở mức độ ghi nhớ và 1 phần hiểu còn khả năng phân tích, vận dụng, tổng hợp, đánh giá là không đo được. Chiếu với mục tiêu của việc học từ biết - hiểu - phân tích - vận dụng là không đạt.
"Thi trắc nghiệm có tác dụng nhất định là gọn nhẹ, công bằng do chấm bằng máy. Nhưng kiến thức lại bị xé lẻ không theo hệ thống, trong khi Lịch sử phải theo hệ thống không gian, thời gian, chủ đề. Vì vậy, thi trắc nghiệm không đánh giá chính xác được khả năng của người học, đó là chưa nói đến việc thí sinh có thể đoán mò, tốt nghiệp nhờ may rủi", TS Ngọ chia sẻ.
Cần bổ sung câu tự luận
Về lý thì học thế nào thi thế ấy, nhưng ở nước ta tồn tại một thực tế ngược là thi thế nào, sẽ dạy và học thế đó. Vì vậy, với việc chỉ thi trắc nghiệm Lịch sử, việc học của học sinh sẽ nhàn hơn, nhưng khả năng học sinh trở thành những... "con vẹt" như GS Vũ Dương Ninh lo ngại hoàn toàn có thể xảy ra. Để khắc phục tình trạng này, nhiều chuyên gia Sử học cho rằng, phải bổ sung câu hỏi tự luận.
GS Vũ Dương Ninh cho biết, thi hoàn toàn tự luận như bấy lâu, ngoài một số bài đạt khá, giỏi, nắm được vấn đề, có lập luận chắc, có diễn đạt rõ, còn số đông là không đạt. Không đạt ở chỗ các sự kiện, nhân vật rất lộn xộn, cách bình luận rất lung tung, không có ý nghĩa. Thực tế, la liệt điểm 0 môn Lịch sử trong những kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua nói lên điều đó.
Việc thay đổi thi Lịch sử bằng hình thức trắc nghiệm tác động không nhỏ tới việc học môn này ở các trường phổ thông. Ảnh: HH
Bằng kinh nghiệm giảng dạy của mình, GS Vũ Dương Ninh cho rằng, ra đề thi Sử nên có 2 phần: 6 câu trắc nghiệm, tương ứng 3 điểm và 1 bài tự luận ngắn không quá 2 trang A4 tương ứng 7 điểm, thời gian làm bài 90 phút. Cách ra đề như vậy có thể đánh giá người học ở chỗ nắm chính xác các sự kiện và hiểu được, phân tích được, diễn đạt được một vấn đề lịch sử có tính gợi mở.
Từ những phân tích trên, GS Vũ Dương Ninh đề xuất, đề thi môn Sử nên có sự kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận với tỷ lệ hợp lý, nội dung thi không chỉ nằm trong chương trình lớp 12, và thời gian làm bài 90 phút là vừa đủ.
Học sinh “lo sợ” học Sử
TS Nguyễn Văn Tuân, Khoa Lịch sử, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, chia sẻ một thực tế chua xót: Trong những năm gần đây, số học sinh yêu thích bộ môn Lịch sử xuống thấp nhất, vị trí của môn học luôn đứng... "cuối bảng" khi được lựa chọn để dự thi tốt nghiệp ở bậc học THPT trước đó và kỳ thi THPT quốc gia những năm gần đây.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 chỉ có 15,3% thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử, thấp nhất trong các môn tự chọn của kỳ thi, thậm chí có những trường không có thí sinh đăng ký. Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua thực trạng này đã đạt đến mức độ báo động: Cụm thi Đà Nẵng chỉ có 745 thí sinh; cụm thi Nghệ An 73 thí sinh; cụm thi Cần Thơ chỉ có 357; TP Huế có 4 hội đồng có thí sinh dự thi.
Kết quả thi ĐH năm 2011, nhiều trường có trên 98% bài thi môn Lịch sử dưới điểm trung bình (ĐH Tiền Giang chỉ có 253 thí sinh dự thi và chỉ có 5 thí sinh đạt điểm chiếm 1,97%, trong đó, 47 thí sinh có điểm 0; ĐH Quảng Nam 99% dưới điểm trung bình, trong đó 900 thí sinh dự thi khối C nhưng chỉ có 9 thí sinh trên điểm 5). Năm 2015, số thí sinh đạt điểm 0 môn Lịch sử có 442 thí sinh và số thí sinh bị điểm liệt khoảng 1.300 thí sinh.
Ngoài ra, nhiều công trình khảo sát, nghiên cứu về mức độ yêu thích môn học Lịch sử đều nhận được những ý kiến không thích học, nhiều học sinh có tâm lý “lo sợ” khi học môn này. Một số em học sinh THPT còn nhầm lẫn nghiêm trọng các nhân vật lịch sử, các sự kiện đã diễn ra trong lịch sử, mặc dù sự kiện đó rất oanh liệt trong quá khứ.
Tác giả bài viết: Hải Hà