Giáo dục

Thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có gì mới?

Nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024. Đây là năm cuối thí sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2024 tại ngày hội tư vấn tuyển sinh vừa được tổ chức tại khu vực phía Bắc. (Ảnh: Diệp An)

Một số điều chỉnh phù hợp thực tế

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), kỳ thi năm nay được giữ ổn định như giai đoạn 2020 - 2023 về hình thức tổ chức, mô hình kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ vẫn giữ ổn định trong năm 2024. Tuy nhiên, kỳ thi năm 2024 cũng sẽ có một vài điều chỉnh về mặt kỹ thuật để chuẩn bị cho công tác tổ chức thi từ năm 2025.

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT áp dụng cho kỳ thi năm 2024 sẽ quy định về trách nhiệm của các đơn vị đăng ký dự thi trong việc rà soát dữ liệu trên cơ sở dữ liệu cư dân. Theo Bộ GD&ĐT, năm 2023 đã yêu cầu về việc các đơn vị đăng ký dự thi phải rà soát chế độ ưu tiên của thí sinh (TS) trên cơ sở dữ liệu quản lý cư dân quốc gia. Thực tế, nội dung này được để ở hướng dẫn tổ chức thi, nay đưa vào quy chế để tăng hiệu lực hiệu quả hơn của công tác quản lý nhà nước và thống nhất chung.

Về quy định vật dụng được phép và không được phép mang vào phòng thi, dự thảo quy chế Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến góp ý đưa trở lại nội dung quy định “cấm mang vào phòng thi”, gồm các vật dụng cụ thể: giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi. Theo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, quy định này nhằm khắc phục vấn đề vật dụng TS được mang vào phòng thi liên quan đến thiết bị công nghệ cao cấm mang vào phòng thi của năm 2023. Đồng thời, Bộ GD&ĐT bổ sung yêu cầu: “Trước khi làm bài thi, phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin của TS vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp”…

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT (áp dụng cho năm 2024) đã bổ sung quy định chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi, thay vì để tại văn bản hướng dẫn tổ chức thi như trước đây. Theo Bộ GD&ĐT, việc bổ sung các chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là cần thiết để bảo đảm công bằng cho các chứng chỉ ngoại ngữ có trình độ tương đương, bảo đảm quyền lợi cũng như mở rộng cơ hội chính đáng cho người học. Theo đó, dự thảo cũng bổ sung chứng chỉ đủ điều kiện miễn thi để xét tốt nghiệp THPT với môn Ngoại ngữ. Dự thảo cũng giữ nguyên các quy định: “TS được miễn thi bài thi ngoại ngữ được tính 10 điểm cho bài thi này để xét công nhận tốt nghiệp THPT. TS không đăng ký sử dụng quyền được miễn thi bài thi ngoại ngữ thì phải dự thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT như TS không được miễn thi”.

Về vật dụng mang vào phòng thi, ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã cho biết một số hạn chế trong tổ chức kỳ thi năm 2023 như: Vẫn còn trường hợp vi phạm trong công tác coi thi; vẫn còn tình trạng công tác tham mưu, kiểm tra chậm, muộn tại một số địa phương; còn tình trạng chậm, muộn trong tổ chức đăng ký của TS tự do. Một số văn bản từng bước hoàn thiện qua nhiều năm nhưng vẫn cần hoàn thiện để làm tốt hơn; đề thi vẫn cần phải tiếp tục rà soát, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa. Do vậy, với tinh thần giữ ổn định kỳ thi năm 2024 như giai đoạn 2020 - 2023, ông Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ GD&ĐT đã rà soát, xem xét để có những điều chỉnh mang tính kỹ thuật phù hợp với thực tế, khắc phục được những khó khăn, hạn chế của kỳ thi các năm trước.

Thí sinh trượt tốt nghiệp năm 2024 sẽ thi lại như nào?

Dự thảo quy chế cũng nêu rõ số môn thi, thay vì chỉ đưa vào văn bản hướng dẫn như trước. Theo đó, kỳ thi năm 2024 vẫn tiếp tục tổ chức 5 bài thi gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên gồm các môn thi thành phần Vật lý, Hóa học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm các môn thi thành phần: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân (đối với TS học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT) hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lý (đối với TS học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT).

Đối với bài thi tổ hợp, TS chỉ được đăng ký một bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần trong cùng một bài thi tổ hợp (đối với TS tự do). TS được đăng ký dự thi môn ngoại ngữ khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông; TS là học viên giáo dục thường xuyên được đăng ký dự thi bài thi ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Năm nay, nhằm tạo điều kiện cho các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT chủ động có phương án phù hợp nhất, nhiều trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh năm 2024 với các thông tin về phương thức xét tuyển và tổng chỉ tiêu tuyển sinh.

Nhiều ý kiến lo ngại học sinh trượt tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ thi lại như thế nào ở năm 2025 vì phương thức thi 2 năm khác nhau. Về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT đã có giải đáp cụ thể tại buổi công bố phương thức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, học sinh học theo chương trình giáo dục nào sẽ thi chương trình đó. Bộ GD&ĐT có thể sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các em trượt tốt nghiệp THPT năm 2024 vào năm 2025. Việc tổ chức sẽ tính toán để bảo đảm nội dung thi, phương thức thi theo chương trình các em được học - Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Như vậy, đề thi tốt nghiệp THPT cho các em trượt tốt nghiệp năm 2024, thi lại vào năm 2025 sẽ khác với đề thi cho học sinh lớp 12 năm học 2024 - 2025 thi tốt nghiệp THPT năm 2025. “Số thí sinh trượt tốt nghiệp thường không nhiều, nên việc tổ chức riêng một kỳ thi riêng cũng không quá tốn kém. Như vậy, các em không lo học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 nhưng phải thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, PGS.TS Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh.

Tác giả: Uyên Na

Nguồn tin: baophapluat.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP