Trên cơ sở đó, giáo viên đã có những điều chỉnh hợp lý trong phương pháp dạy và học. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trao đổi với thầy Hồ Đức Kỷ - Tổ trưởng tổ Lịch sử trường THPT Trần Phú (Hà Nội).
Thầy Hồ Đức Kỷ
* Đây là năm đầu tiên thi trắc nghiệm môn Lịch sử, vậy thầy có nhận xét gì về đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT vừa công bố?
- Sau khi nghiên cứu đề thi minh họa THPT quốc gia môn Lịch sử của Bộ GD&ĐT có thể thấy về nội dung thi: Đề thi bao quát cả chương trình lịch sử lớp 12, kiến thức rất cơ bản, bám sát chương trình sách giáo khoa. Với đề thi này học sinh phải học hết toàn bộ nội dung chương trình lịch sử trong sách giáo khoa, nếu học tủ, học lệch sẽ thất bại.
Mức độ đề thi rất nhẹ nhàng, chủ yếu là câu hỏi về nội dung sự kiện (có 33 câu). Vì vậy, học sinh dễ dàng đạt được điểm trên trung bình.
Về hình thức ra đề: Các câu hỏi trong đề thi được thiết kế dưới 3 dạng chủ yếu là điền khuyết, sắp xếp (sắp xếp theo trật tự thời gian) và tìm lựa chọn đúng. Với những hình thức này, học sinh cũng không quá bất ngờ và khó khăn gì nên nếu các em ôn tập tốt, học thuộc chương trình Lịch sử 12 thì sẽ đạt điểm cao.
Về tỉ lệ lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam: Đề thi cũng đảm bảo tỉ lệ như các năm trước đây là 3:7. Đề thi gồm có 12 câu lịch sử thế giới chiếm 3.0 điểm, lịch sử Việt Nam 28 câu chiếm 7.0 điểm. Như vậy là phù hợp với học sinh trên mọi vùng miền. Tuy nhiên, theo tôi với đề thi như vậy cũng chưa thực sự phân loại được học sinh.
* Cảm nhận của thầy và các học sinh về cách ra đề thi Lịch sử theo hình thức trắc nghiệm này?
- Với cách ra đề theo hướng này cũng không làm khó cho việc dạy và học của thầy trò chúng tôi. Bởi vì đề ra rất cơ bản, bám sát chương trình Lịch sử lớp 12, mức độ kiến thức cũng không khó (có 2 câu hỏi về thời gian là 1,13; 2 câu hỏi về không gian là 3, 22; 2 câu hỏi về tư duy là 35, 39; 1 câu hỏi về trạng thái là câu 6; còn lại 33 câu là hỏi về nội dung sự kiện).
Điều này sẽ làm cho học sinh hứng thú hơn trong học tập môn lịch sử. Đặc biệt học sinh không còn ngại chọn môn Lịch sử để thi như những năm trước nữa.
* Từ đề thi minh họa, thầy đã có kế hoạch dạy học như thế nào nhằm giúp các em có kiến thức và tâm thế vững vàng bước kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017?
- Đây là năm đầu tiên thực hiện thi THPT quốc gia môn Lịch sử bằng hình thức trắc nghiệm, do đó chúng tôi đã và đang điều chỉnh phương pháp dạy - học cũng như ôn tập cho học sinh để có kết quả cao trong kì thi THPT quốc gia sắp tới.
Sau khi đề thi minh họa được công bố, cả giáo viên và học sinh trong trường đều điều chỉnh kế hoạch dạy và học môn học này. Cụ thể, từ chỗ "ôn sâu, đào kĩ" một số nội dung, chủ đề phù hợp với hình thức thi tự luận thì nay phải dạy và học kiến thức lịch sử trên diện rộng, bao phủ toàn bộ chương trình lịch sử 12, không được bỏ sót bất cứ nội dung nào.
Kế hoạch dạy học của giáo viên Lịch sử phải đảm bảo học sinh nắm được các kiến thức lịch sử cơ bản trong chương trình lớp 12, nắm được bản chất các sự kiện lịch sử, các “từ khóa” của từng nội dung, từng vấn đề lịch sử.
Trên cơ sở đó chúng tôi sẽ xây dựng hệ thống câu hỏi và đề thi trắc nghiệm để giúp các em ôn tập và rèn luyện kĩ năng thi, làm bài môn Lịch sử.
Xin cảm ơn thầy!
Tác giả bài viết: Minh Phong (thực hiện)