Cuộc thi bò đẹp ở xã Đại Hồng - Ảnh: Trường Trung
Đây là lần đầu tiên tại Quảng Nam có một cuộc thi bò đẹp như thế này.
Tiêu chí bò đẹp
Tay cầm điếu thuốc, tay dắt dây bò, ông Nguyễn Lành (thôn Hòa Hữu Đông) cho biết ông và con bò cái tên Tô từ tờ mờ sáng đi gần 10 cây số cắt đường chim bay để xuống chỗ thi.
Ông Lành đưa tay vỗ về con bò cái hơn 2 tạ hơi, cho biết con Tô nhà ông đại diện cho hàng trăm con bò trong thôn đi thi, được đánh giá là một trong những ứng cử viên nặng ký của sới bò hôm nay vì chiều cao lý tưởng và khả năng mắn đẻ dựa theo tiêu chí “tai lá mít - đít lồng bàn”.
Trong lúc con Tô đang gặm cỏ, ông Lành tranh thủ nhìn qua đối thủ của Tô là con bò hơn 2,5 tạ của ông Lê Dũng ở thôn Phước Lâm.
Nhìn con bò màu lông máu đỏ tươi của ông Dũng, nhiều người dễ nhầm bò... đực. Bởi bò của ông Dũng ngoài vóc dáng cao to, đuôi dài thì có sừng khá dài. Ông Dũng vuốt vai con bò cái nói cũng nhờ thu nhập chính từ nghề nuôi bò mà vợ chồng ông có tiền nuôi con cái ăn học. Con bò dự thi hôm nay của ông Dũng đang mang một con bê trong bụng.
10 “thí sinh” dự thi đều là những giống bò “trụ cột” trong cơ cấu gia súc tại địa phương như bò giống bò lai sin (giống Sind), lai bao, rócmanh (giống Brahman)...
Theo ông Nguyễn Hải Chân (thương lái mua bò, một trong 13 thành viên ban giám khảo), bò vùng xã Đại Hồng là loại bò thượng hạng, nổi tiếng nhất nhì xứ Quảng Nam nhờ cách chăn nuôi thuần cỏ. Vì thế 10 con “bò tuyển của tuyển” thật sự làm khó người cho điểm.
“Loại gì nó cũng có điểm mạnh, con lai bao thì mập bề ngang, cổ ngắn, u to nên thịt rất chắc mà đẻ cũng dày. Con rócmanh thì chân trụ to khỏe, màu lông đỏ thắm thương lái ưa chuộng nên cũng khó cho điểm. Tôi đoán phần thắng sẽ thuộc về những con bò mạnh ở phần đặc điểm sinh sản như khung chậu phát triển (tròn, nở); bộ phận sinh sản có nhiều nếp nhăn (khả năng co giãn đẻ) và các con bò không có vú kẹp (năm vú)” - ông Chân dự đoán.
“Hoa hậu bò” lần 1 của xã Đại Hồng đã thuộc về em bò của ông Lê Dũng Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
“Đầu tàu” kinh tế
Ông Nguyễn Bá Hiến, chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Hồng, nói với hơn 1.600 con bò và 800 con trâu thì trung bình mỗi hộ dân xã ông có 1,2 con trâu hoặc bò. “Đây là đầu tàu kinh tế để địa phương phấn đấu đạt thu nhập 40 triệu đồng/người tới năm 2020 đó. Nhà nào có trong tay cỡ 20 con bò thì chuyện sắm xe hơi, nhà lầu hay đất dưới Đà Nẵng dễ như trong tầm tay thôi."
Theo ông Hiến, cuộc thi này được tổ chức nhằm tôn vinh những bà con chăn nuôi bò, đồng thời làm giàu kiến thức cho người chăn nuôi thông qua cách chọn biết con giống, cách chăm sóc nuôi dưỡng để thúc đẩy hơn nữa năng suất chăn nuôi bò trên địa bàn.
Ý tưởng tổ chức thi “hoa hậu bò” được nảy nở từ người chăn nuôi ở đây. Họ hiến kế để địa phương tổ chức nhưng lúc ấy mọi người đều lúng túng vì đây là cuộc thi quá mới lạ, không biết dựa vào tiêu chí nào để chấm cho chính xác.
Cầm trên tay bộ khung điểm hơn 20 tiêu chí, ông Hiến hài lòng giải thích: “Có chút vậy mà tui điện vô Hội nông dân tỉnh để hỏi thử có địa phương nào từng tổ chức, có thể lệ hay chưa thì các nơi đều lắc đầu. Lúc ấy tui nhảy xuống dân thì họ kêu “dễ ẹc”.
Bà con bảo cứ để mấy ông chăn nuôi lâu năm với mấy anh lái bò cùng đưa ra bộ tiêu chí để chấm thi là chắc nhứt. Cũng cãi cọ suýt sao nhưng cuối cùng thì bộ tiêu chí cũng hình thành. Đây là bộ tiêu chí hết sẩy bởi dân tui là nơi nuôi bò thứ thiệt”.
Vừa thi vừa ị Để chọn ra chú bò có dáng đi đẹp và hiền, các em bò lần lượt được chủ dắt đi qua khán đài. Khi MC vừa giới thiệu tới cân nặng, chiều cao quá trình nuôi dưỡng, sinh sản thì một em bò ị ngay một bãi ngay trên sân trong tiếng cười nắc nẻ của những người dân quê. Đến giờ trao vòng nguyệt quế giải nhất cho em bò của ông Lê Dũng, nàng “hoa hậu” lai sin này lại tiếp tục ị một bãi. |
Tác giả bài viết: Trường Trung