Trong tỉnh

Thêm một công ty ở Nghệ An bị công nhân phản ứng về chế độ lương

Sau vụ hàng nghìn công nhân của một doanh nghiệp sản xuất giày da ở Nghệ An nghỉ việc tập thể, đòi tăng lương thì mới đây, tại địa phương này lại diễn ra sự việc tương tự.

Báo Dân Trí đưa tin, chiều ngày 15/2, sau khi nghỉ trưa, rất nhiều công nhân làm việc tại Công ty cổ phần N.T. Nghệ An, chuyên lĩnh vực may mặc (đóng tại xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, Nghệ An) đã cùng nhau tập trung ở phía ngoài nhà xưởng vì không đồng tình với quy định lương, thưởng của doanh nghiệp.

Người lao động tập trung phía ngoài nhà xưởng sau giờ ăn trưa. (Ảnh: Dân Trí)

Sau khi tập hợp ý kiến, người lao động đã trình lên bộ phận quản lý 14 kiến nghị cần giải quyết, nổi bật trong số đó là: Tăng lương không công bằng giữa các bộ phận khác nhau; yêu cầu tăng phụ cấp xăng xe; không trừ các khoản phụ cấp trong tháng một cách vô lý; không trừ tiền nghỉ phép vào tiền thưởng tháng 13...

Một người làm tại bộ phận may trần tình: "Sau Tết Nguyên đán, chúng tôi được thông báo tăng lương, tính ra là mỗi người được tăng 184.000 đồng, lương cơ bản sau tăng là 3.864.000 đồng. Nhưng các bộ phận khác lại được tăng cao hơn, lên trên 5.000.000 đồng/tháng. Điều đó là không công bằng".

Các công nhân cho biết, một trong những vấn đề bất cập là việc tăng lương không công bằng giữa các bộ phận. (Ảnh: Dân Trí)

Đáp lại, ông Phạm Đức Cường - Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết đã ghi nhận ý kiến của người lao động và sẽ sớm đưa ra biện pháp tháo gỡ khúc mắc.

Như vậy, từ sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần đến nay, riêng tại Nghệ An đã xảy ra ra hai vụ công nhân ngừng việc đòi quyền lợi.

Công nhân phản ánh ý kiến đến ban quản lý công ty. (Ảnh: Dân Trí)

Trước đó, báo Lao Động đưa tin, vào ngày 7/12, gần 5.000 công nhân của Công ty TNHH V.G., huyện Diễn Châu đã đồng loạt nghỉ việc để đề nghị doanh nghiệp điều chỉnh lương, bổ sung phụ cấp và giải quyết những vấn đề liên quan đến thái độ ứng xử của cán bộ quản lý.

Sau đó vài ngày, công ty đã đồng ý thay đổi một số quy định như sau: Tăng phụ cấp xăng xe từ 200 nghìn đồng lên 260 nghìn đồng/tháng; tăng bữa ăn ca từ 18 nghìn đồng lên 20 nghìn đồng, nam công nhân không có vợ làm việc tại công ty được phụ cấp nuôi con nhỏ 50 nghìn đồng/tháng; bổ sung phụ cấp thâm niên cho người làm việc từ 1 năm trở lên; chấn chỉnh thái độ quản lý; chi tiết hóa phiếu lương, khắc phục lỗi máy chấm công…

Hàng nghìn công nhân của công ty giày da ngừng làm việc. (Ảnh: Infonet)

Tuy nhiên yêu cầu tăng lương thì vẫn chưa được giải quyết, nên người lao động tiếp tục không đến làm. Thời điểm đó, Liên đoàn Lao động Nghệ An đã vào cuộc bàn bạc với công ty V.G. Đến sáng 14/2, doanh nghiệp này chấp nhận tăng 6% lương cơ bản cho người lao động từ ngày 1/2.

Đây cũng là vấn đề cuối cùng còn tồn đọng và khó tìm được tiếng nói chung nhất giữa 2 bên. Ngoài ra, công nhân nghỉ việc từ ngày 7/2 đến ngày 12/2 sẽ được tính là chế độ nghỉ phép xưởng.

Sau gần 1 tuần nghỉ việc, công nhân của công ty giày da đã trở lại làm việc. (Ảnh: Người Lao Động)

Trước cách giải quyết này, một nữ công nhân 26 tuổi, có 3 năm gắn bó với công ty chia sẻ với Lao Động: “Sau quá trình công nhân ngừng việc, tôi thấy phía công ty đã có thiện chí, giải đáp và giải quyết các kiến nghị của công nhân, nhất là tăng lương cơ bản, có phụ cấp thâm niên và một số phúc lợi khác, chấn chỉnh thái độ quản lý. Cá nhân tôi thấy như thế là chấp nhận được, tôi sẽ đi làm lại."

Tương tự một nữ lao động 31 tuổi khác cũng đồng tình và khẳng định: "Làm việc thì phải chấp nhận vất vả chứ không có nơi nào làm nhàn mà lương cao."

Đến nay, công ty giày da này đã ổn định sản xuất trở lại. Hi vọng công ty may N.T. cũng sẽ tìm được tiếng nói chung với người lao động.

Tác giả: Đức Dương

Nguồn tin: yan.thethaovanhoa.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP