Tờ báo Nhật Nikkei Asian Review ra ngày 29/5 bình luận về việc Việt Nam đang bị kẹt giữa bạn bè cũ và đối tác mới sau khi Tổng thống Barack Obama thừa nhận bi kịch của Chiến tranh Việt Nam và công bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam.
Tuyên bố Mỹ quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, nhưng ông Obama cũng lưu ý rằng, quyết định này không liên quan gì đến Trung Quốc, mà là mong muốn hoàn thành nốt chặng cuối cùng của hành trình dài bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Trước chuyến thăm này, truyền thông đã nhiều lần nhắc tới việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí của Mỹ với Việt Nam. Nhiều tàu quân sự của các nước như Nhật, Pháp, Anh... đã lần lượt tới thăm cảng quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa).
Cảng quốc tế Cam Ranh thành công đón nhiều tàu cường quốc, tuy nhiên Nhật cảnh báo có thể đó là thế kẹt nếu không sáng suốt.
Nikkei Asian Review cho rằng, việc Mỹ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam có thể tác động lên mối quan hệ Việt - Nga.
Lâu nay Việt Nam chủ yếu mua vũ khí của Nga. Không những thế, bằng việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, Mỹ hy vọng sẽ kiềm chế ảnh hưởng của cả Bắc Kinh lẫn Moscow.
Trong khi Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng quan hệ với một số nước Đông Nam Á khác để ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Còn Nga đang coi Việt Nam là bước đệm để củng cố sự hiện diện của mình ở châu Á - Thái Bình Dương.
Do đó theo Nikkei Asian Review, vấn đề hiện nay đặt ra cho Việt Nam chính là làm sao cân bằng được ảnh hưởng đối với 3 siêu cường này để tránh bị mắc kẹt.
Một điều rõ ràng để nhận thấy, vũ khí Nga có thể lên tới 95% vũ khí trang bị hiện tại của Việt Nam. Báo thương mại Kommersant cho hay, Việt Nam đã mua 11% tổng vũ khí xuất khẩu của Nga trong giai đoạn 2010-2014.
Tờ báo Kommersant đăng bài có đoạn viết: “Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga-ASEAN mới đây ở Sochi, đoàn Việt Nam khẳng định với Điện Kremlin rằng không có sự chuyển dịch về hướng Hoa Kỳ và Moscow vẫn là đồng minh chủ chốt”.
Trong một phỏng vấn với tờ báo Rossiiskaya Gazeta của Chính phủ Nga, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói rằng hai nước cần “tiếp tục đẩy mạnh và củng cố hợp tác quốc phòng-kỹ thuật”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang được dẫn lời nói điều này có nghĩa tiến lên một nấc mới trong hợp tác, “từ mua bán vũ khí sang chuyển giao công nghệ và liên doanh, tới dịch vụ và hiện đại hóa trang thiết bị quốc phòng”.
Còn Hãng tin Sputnik của Nga ngày 25/5 dẫn lời Nhà nghiên cứu Anton Tsvetov từ Hội đồng Nga về quan hệ quốc tế (RIAC) cho rằng, việc dỡ bỏ cấm vận sẽ không dẫn đến bước nhảy vọt trong xuất khẩu vũ khí từ Mỹ và ít nhất trong 10 tới, Nga vẫn duy trì vị trí chủ đạo trên thị trường trong phần lớn các mục hàng quân sự giá trị cao.
Phó chủ tịch Cơ quan Hợp tác Công nghệ Quân sự Liên bang Nga (FSVTS)- ông Anatoly Punchuk cho biết vào chiều 23/5 cho hay: "Quan hệ của chúng ta với Việt Nam là quan hệ chiến lược và sẽ phát triển hơn nữa tùy thuộc vào lãnh đạo Việt Nam. Tôi cho rằng quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí này sẽ không ảnh hưởng đến xuất khẩu vũ khí của Nga”, ông Punchuk trả lời thông tấn TASS.
Mỹ: "Dỡ cấm vận vũ khí, cải thiện năng lực an ninh hàng hải"
Còn về phía Mỹ, Tổng thống Obama tuyên bố: "Sự thay đổi này sẽ giúp cho Việt Nam có được những trang thiết bị cần thiết để phòng thủ". Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá quyết định trên của tổng thống Mỹ đánh dấu một sự bình thường hóa hoàn toàn mối quan hệ giữa Hà Nội và Washington.
"Chúng tôi đã rất cân nhắc khi đi đến quyết định này, tạo thuận lợi để Việt Nam có thể mua vũ khí từ Mỹ và các đồng minh... Mỹ đã cử nhiều tàu hải quân đến thăm quân cảng Việt Nam, chúng tôi cũng muốn tăng cường quan hệ giữa hai nước khi ứng phó với thiên tai... Chúng tôi muốn Việt Nam cải thiện năng lực an ninh hàng hải", ông Obama nhấn mạnh.
Chuyên gia phân tích quốc phòng Mỹ Franklin "Chuck" Spinney trả lời hãng thông tấn Sputnik News giới thiệu sơ qua một số sản phẩm tài chiến hoặc tiêm kích của Mỹ mà Việt Nam có thể mua được như tàu chiến LCS hoặc tiêm kích F-16, chiến đấu cơ F/A-18, máy bay săn ngầm P-3 Orion và máy bay vận tải C-130.
Song, Giáo sư Carlyle Thayer – Học viện Quốc phòng Australia lại tỏ ra dè dặt về khả năng mà Việt Nam có thể mua ngay vũ khí của Mỹ.
Theo vị giáo sư này, lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ có tên chính thức là Quy định về mua bán vũ khí quốc tế. Những quy định này không phải là luật, nên dù do Quốc hội Mỹ thông qua, nhưng Tổng thống Mỹ có thể đơn phương dỡ bỏ, sau khi nghe tư vấn của Bộ Ngoại giao.
Việt Nam cũng sẽ khó mà mua ngay được vũ khí Mỹ , khí tài của Mỹ vì quá trình cân nhắc mua gì, bán thế nào đều rất mất thời gian".
Việt Nam hưởng thành công kép Mới đây, giới chức Nga đã để ngỏ khả năng Nga trở lại cảng Cam Ranh, trong khi đó giới chức quân sự Mỹ cũng thể hiện sự quan tâm lớn đối với cảng Cam Ranh. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, nhấn mạnh, chủ trương của Việt Nam đã rất rõ ràng chứng tỏ chúng ta đã sẵn sàng chứ không hề e ngại, biết dùng năng lực của mình của quản lý cảng Cam Ranh. Nga, Mỹ hay bất kỳ nước nào muốn vào Cam Ranh cũng phải tuân thủ chủ trương, chính sách nhất quán của Việt Nam. Ông Nguyễn Anh Sơn, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng: "Việt Nam có thể đạt được thắng lợi kép. Đó là: khi Việt Nam chưa đủ khả năng để tự bảo vệ thì các quốc gia khác vào Cam Ranh sẽ giúp Việt Nam bảo vệ mình và làm cho Biển Đông trở thành khu vực tự do hàng hải. Đây cũng là điều kiện để Việt Nam có thể hạn chế âm mưu, dã tâm muốn khống chế Biển Đông, cửa ngõ của Việt Nam của quốc gia nào đó". |
Tác giả bài viết: Cúc Phương (Tổng hợp)