Việc thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn, giáo viên Trường Tiểu học An Lợi (xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) làm đơn xin thôi việc với lý do: "công tác trong ngành giáo dục nhưng có nhiều điều phi giáo dục, tởm nhất là vấn nạn dối trá" đang thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Nhiều người cho rằng nội dung, câu từ mà người thầy đề cập trong đơn xin nghỉ việc chưa được trong sáng, phản cảm, không phù hợp với đạo đức nhà giáo. Bên cạnh đó, một số ý kiến bày tỏ sự xót thương khi lá đơn của thầy Sơn phần nào phản ánh một "nỗi đau" của nền giáo dục nước nhà.
Dẫu giận đến đâu lời ăn tiếng nói cần đúng chuẩn mực
Là người với gần 20 năm gắn bó với nghề giáo, cô Vũ Thị H. (giáo viên cấp 2 tại Hải Phòng) cho rằng, sau khi đọc nội dung trong lá đơn xin nghỉ việc của thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn, cô không khỏi ngỡ ngàng.
Lá đơn gây xôn xao trên mạng xã hội: Thầy giáo xin nghỉ việc "vì tởm nhất là vấn nạn dối trá". |
"Chưa xét về tính đúng sai trong nội dung lá đơn mà thầy Sơn đề cập, nhưng khi đọc những dòng này, tôi không khỏi ngỡ ngàng, thậm chí là "sốc".
Tôi sốc khi thầy giáo này viết: "Công tác trong một cơ sở giáo dục nhưng có quá nhiều điều phi giáo dục, tởm nhất là vấn nạn dối trá…" - những từ ngữ trong câu quá phản cảm, thậm chí mang tính… chợ búa, ấy vậy mà thầy lại ghi trong một đơn đề nghị".
Cũng theo cô H., hình thức trình bày của lá đơn xin thôi việc này không đúng với kỹ thuật trình bày một văn bản.
Nhà giáo Nguyễn Trung Hiếu (giáo viên tại Hà Nội) cũng đồng tình với quan điểm này. Theo thầy Hiếu, nhà giáo là trí thức; do đó, lời ăn tiếng nói cần đúng chuẩn mực, từ đó mới có thể làm gương để dạy dỗ học trò. Tuy nhiên, trong đơn xin nghỉ việc, thầy Sơn đã dùng một số từ ngữ mang tính nhạy cảm, phản giáo dục.
"Dù giận đến đâu, tôi nghĩ, người thầy cũng cần hướng ngòi bút tới sự trong sáng. Khi nói, chót lưỡi đầu môi, có thể cả giận mà mất không, đưa vào câu nói những từ không hay, không phải. Tuy nhiên, khi đã đặt bút viết, tức là có thời gian để suy nghĩ, nghiền ngẫm, cân đong đo đếm câu từ, vậy nên tuyệt đối không được dùng từ bậy bạ.
Hiện tại, lá đơn này đang được lan truyền với tốc độ "chóng mặt". Thử nghĩ, khi đọc lá đơn này, những từ ngữ phản cảm, ví dụ như "tởm nhất", lọt vào mắt các bậc phụ huynh, học sinh… họ sẽ có cái nhìn thế nào về nhân cách của một nhà giáo?".
Trao đổi với Dân trí, Tiến sĩ Tâm lý giáo dục Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, trên cương vị là một nhà giáo, khi trình bày vấn đề cá nhân, việc sử dụng câu chữ như vậy là chưa được khách quan. Bao trùm nội dung lá đơn là cảm xúc bực bội, chán chường.
Trong khi đó, thầy cô là người có mức độ ảnh hưởng rất lớn tới phụ huynh, học sinh. Do đó, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người thầy cũng cần giữ cho mình chuẩn mực nhất định. "Ngôn ngữ trình bày trong lá đơn chưa được trong sáng. Tôi e ngại điều này sẽ tác động tiêu cực tới phụ huynh cũng như học sinh" - T.S Tùng Lâm bày tỏ.
Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Tùng Lâm, những thiếu sót, sai phạm của đơn vị giáo dục có thể tồn tại. Tuy nhiên, nếu có điều gì đó không bằng lòng, trước hết giáo viên phải có tiếng nói tới cơ quan cấp có thẩm quyền để họ giải quyết. Không thể chỉ vì một vài lý do được nêu chung chung, không thuyết phục, không có đủ lý lẽ mà chứng cứ… mà nhà giáo bất mãn, tự ý nghỉ việc.
"Tôi chắc chắn rằng, thầy giáo Sơn viết đơn này trong nỗi bức xúc, dẫn đến việc không thể kiềm chế, làm chủ bản thân. Do đó, chúng ta cần có cái nhìn đồng cảm, sẻ chia.
Tuy nhiên, điều này không cổ xúy cho việc giáo viên lợi dụng cảm xúc cá nhân để đưa ra những lời lẽ thiếu trong sáng, phản giáo dục. Trong bất kỳ tình huống nào, người thầy mẫu mực cũng phải giữ nhân cách để làm gương cho lớp trẻ noi theo".
Đừng để một ai phải đơn độc
Trong khi đó, cô giáo Hoàng Thị Oanh (giáo viên trường THPT Nguyễn Khuyến) cho biết, nếu tạm bỏ qua những từ ngữ thiếu chuẩn mực, thì nội dung lá đơn xin nghỉ việc cũng phần nào nói lên một "nỗi đau" kéo dài mang tên "vấn nạn dối trá" trong giáo dục.
"Tôi thấy, người thầy này đã rất dũng cảm để cất lên tiếng nói bản thân về những mặt trái giáo dục còn tồn đọng.
Trên thực tế, nhiều năm trở lại đây, nhiều vụ việc dối trá, gian lận thành tích, thi cử đã bị phanh phui. Từ đây có nhiều bài viết trên các diễn đàn, hội thảo, các công trình nghiên cứu khoa học chia sẻ các câu chuyện về thực trạng, quan điểm, đề xuất các giải pháp chữa "bệnh thành tích" và những tiêu cực trong giáo dục của các nhà giáo, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân. Song các hiện tượng tiêu cực vẫn chưa thấy có dấu hiệu giảm xuống.
Nạn dối trá "làm đau" nền giáo dục nước nhà, gây tổn thất lớn về của cải, vật chất cũng như công sức và nhân tài".
Do đó, theo cô Oanh, từ vụ việc này, các cấp lãnh đạo, cụ thể ở đây là UBND huyện, Phòng GD-ĐT huyện Long Thành cần nhanh chóng vào cuộc, công tâm thanh tra để có kết luận khách quan, trung thực, công bằng. Khi đó, ai sai, ai đúng sẽ được sáng tỏ.
Nêu quan điểm về vấn đề này, chuyên gia giáo dục Nguyễn Tùng Lâm nhận định, những người ngoài cuộc không nên suy diễn hay có cái nhìn lệch lạc về người thầy cũng như môi trường sư phạm khi chưa nắm được cụ thể vụ việc. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới cuộc sống của nhà giáo cũng như các cơ sở giáo dục.
"Tôi muốn vụ việc này cần được làm sáng tỏ và rút kinh nghiệm một cách minh bạch, triệt để. Có như vậy thì môi trường giáo dục mới trong sáng, không bị vẩn đục, thầy trò mới có thể quay trở lại trường học với tâm lý thoải mái".
Để làm được điều này, theo Tiến sĩ Tùng Lâm, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cần vào cuộc để làm rõ vấn đề. Cần làm sáng tỏ được nội dung mà giáo viên nêu lên trong đơn như "dối trá" ra sao, "phi giáo dục" ở chỗ nào.
"Trên thực tế, ngành giáo dục đã xảy ra nhiều vụ việc, vì những bất đồng, bức xúc mà nhà giáo phải chuyển đi nơi khác, thậm chí xin nghỉ việc. Tức là vấn đề này, ta vẫn chưa giải quyết triệt để, các công đoàn giáo dục cấp huyện, tỉnh chưa vào cuộc để giáo dục cũng như bảo vệ giáo viên. Do đó, tôi mong qua vụ việc này, cần phải làm đến nơi đến chốn. Nếu thực sự giáo viên đấu tranh chống tiêu cực thì cần được bảo vệ" - T.S Tùng Lâm nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chuyên gia này bày tỏ, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, tập thể các nhà giáo trong môi trường sư phạm cũng cần có tác động để giúp đỡ, vực dậy tinh thần cho thầy Sơn. Thông qua chuyện này để tất cả ngành giáo dục cùng rút kinh nghiệm, không thể để những vụ việc tương tự tiếp diễn, phát sinh như cỏ dại, khiến môi trường sư phạm bị vẩn đục, không được tự nhiên, trong lành.
"Đừng khoét sâu vào những điều gì không hay. Cái gì chúng ta có thể tha thứ, bao dung được thì nên bỏ qua và cùng nhau cố gắng. Một môi trường giáo dục tốt là nơi mọi người cùng đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau chứ không thể để một ai đơn độc. Cái xấu cần được lên án, xử lý triệt để. Ngược lại, quyền lợi của mỗi nhà giáo cũng cần được bảo vệ và chăm lo. Cả hai yếu tố này phải làm sòng phẳng, cân đối. Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, đây là thực tế cuộc sống".
Tác giả: Kiều Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí