|
|
Dưới chân dãy núi Phà Cà Tún cao 1.000m so với mực nước biển, chạy dọc theo biên giới Việt Lào, những thôn bản người Mông thuộc xã Tri Lễ nằm heo hút giữa đại ngàn mênh mông. Người đến đây dễ nhận ra cái quạnh hiu của vùng biên viễn qua những ngôi nhà tranh lợp mái lá xám đen, nằm chông chênh giữa lưng chừng mây khói. Tri Lễ hiện là xã cao và nghèo nhất của huyện Quế Phong, Nghệ An.
Năm 2018, nhiều thôn bản ở đây không có đường, không có điện, không nước sạch, không sóng điện thoại, không trạm y tế, không có chợ hay hàng quán. Sống được ở đây đã khó, vậy mà hơn 40 năm qua, trường Tiểu học Tri Lễ 4 đã chứng kiến bao thế hệ thầy giáo vượt bao gian nan, "cõng chữ lên non", kiên trì "cắm bản" và "bám trường".
|
Đường đi đến trường Tri Lễ 4 là những lối mòn men theo dốc đồi cheo leo và vực sâu thăm thẳm. Ngày mưa, bùn ngập gần nửa bánh xe, xe chạy không nổi mà dắt bộ cũng không xong. Từ nhà các thầy lên hay từ Tri Lễ 4 về đều vất vả như nhau, chỉ 20km đường nhưng đi mất cả ngày trời. Qua được quãng đường này, ai cũng rã rời, đổ mồ hôi ướt đẫm, nếu không may trượt ngã thì sẽ đổ cả máu và lưu lại những vết sẹo để đời.
Trường Tiểu học Tri Lễ 4 hiện có 6 điểm trường nằm trải dài từ chân đến đỉnh dãy Phà Cà Tún, bao gồm điểm chính tại bản Mường Lống và 5 điểm lẻ tại các bản Huổi Xái 1, Huổi Xái 2, Huổi Mới 1, Huổi Mới 2 và Nậm Tột. Không có đường chung kết nối 6 điểm trường, điểm trường chính và Huổi Mới, Huổi Mới 2 còn nằm trên những cung đường trái ngược nhau. Đi từ điểm trường này đến điểm trường kia cũng là cả một vấn đề.
|
Có những đoạn băng ngang suối, phải đi qua những chiếc cầu khỉ dựng tạm bằng thân tre hay gỗ tạp. Xe chạy qua đây không cẩn thận là lọt ngay xuống khe, phải nhờ người dân khiêng và đẩy hộ mới qua được. Những ngày mưa quá lớn, cầu bị cuốn trôi bởi dòng nước xiết, vậy là đường về bị đứt đoạn. Các thầy phải ở lại bản, sống cầm chừng bằng mì gói, măng rừng, rau dại, cá suối.
"Có những đoạn dốc dài hơn 100m thôi mà có hôm phải mất 1 tiếng mới qua được. Đường này không ai dám đi một mình, cứ phải đợi nhau đông đủ rồi mới bắt đầu hành quân bởi có những lúc bùn đất quết bánh xe kẹt cứng, quấn xích sắt vào lốp cũng không thể di chuyển được, lúc đó chỉ có cách xúm nhau lại đẩy hoặc gánh từng xe qua dốc", thầy Nguyễn Hồng Hiệp chia sẻ về những chuyến "hành quân" của mình và đồng nghiệp.
|
Mặc cung đường hiểm trở, bằng nhiệt huyết với nghề và tình yêu dành cho đám học trò nghèo, các thầy giáo vẫn giữ vững niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn dành cho chốn thâm sơn cùng cốc. Thầy có thể trượt ngã trên đoạn đường gập ghềnh nhưng chữ không bao giờ rơi rớt. Suốt hàng chục năm qua, hành trình gieo chữ cho Tri Lễ 4 chưa một lần bị trì hoãn, 6 điểm trường luôn có thầy đứng lớp.
"Đi mãi cũng quen thôi. Vất vả, hiểm nguy rồi cũng lùi lại phía sau khi phía trước là các em học sinh đồng bào Mông đang chờ.", thầy Lô Văn Sơn nói bằng sự lạc quan của một người đã xem những nhọc nhằn trên đoạn đường đến trường là chuyện bình thường.
|
Những lớp học ở trường Tiểu học Tri Lễ 4 hầu hết đều có điểm chung là tối om. Vì những ngày mưa các lớp học phải đóng cửa để tránh những những cơn gió trời buốt lạnh, không có đủ đèn thắp sáng nên lúc nào cũng tối. Những đoàn thiện nguyện đến Tri Lễ gọi đây là "lớp học không mặt trời". Điều kiện học tập hạn chế là thế nhưng các thầy vẫn tận tụy "gieo" từng con chữ và đám học trò vẫn cặm cụi "nhặt" lấy, nắn nót lên ô vở trắng.
|
"Ít ra khi đọc được cái chữ các em có thể đón đúng chuyến xe đi Vinh, mà không bước lên nhầm chuyến. Hay biết tính toán cơ bản để khi đem đồ xuống chợ bán không bị thua thiệt.
Hay đơn giản như biết dùng đúng liều lượng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt để không gây ảnh hưởng đến cây trồng... chỉ thay đổi những điều nhỏ nhỏ đó thôi cũng có thể cải thiện đời sống của gia đình các em sau này". - Thầy Nguyễn Văn Khoa tâm sự.
Niềm hạnh phúc lớn nhất của các thầy là nhìn đám học trò có đôi má ửng đỏ, đôi mắt trong veo luôn cười hồn nhiên. Chúng rất thích đến trường, vì đây là nơi vui nhất ở chốn này.
Giờ ra chơi, ùa ra khỏi "lớp học không mặt trời", đám trẻ chơi đủ các trò và cùng cười vang. Chúng rượt đuổi nhau khắp mọi ngóc ngách, chơi nhảy dây bằng sợi dây kết bằng vải vụn, chơi năm hòn, ô ăn quan bằng những hòn sỏi con nhặt được ven suối.
Cuộc sống thiếu thốn, chạy ăn từng bữa, trẻ em vùng cao ít khi được bố mẹ chăm chút áo quần, chải chuốt tóc tai hay thậm chí vệ sinh cá nhân. Nhưng cứ đến lớp là đám trẻ lại trở nên tươm tất, quần áo đóng thùng chỉnh tề, tóc tai được buộc xinh xắn, tay chân mặt mũi sạch sẽ. Tất cả là nhờ các thầy ân cần như một người mẹ hiền, chăm sóc cho các em từng chút một.
|
Ngoài giờ lên lớp, các thầy cùng nhau chơi bóng chuyền, cầu lông để rèn luyện sức khỏe và khuây khỏa nỗi buồn nơi vùng sơn cước. Hầu hết các thầy đều trang bị cho mình một chiếc smartphone, để mỗi khi nhớ nhà lại lấy ảnh vợ con, người yêu ra ngắm; hoặc chịu khó leo lên một ngọn đồi khác để dò sóng, gọi điện về nhà.
Dăm ba câu thăm hỏi của gia đình giúp các thầy phần nào vơi đi nỗi nhọc nhằn. Trời Tri Lễ cuối năm lạnh cắt thịt da, tiếng cười, tiếng húp mì xì xụp vẫn vang lên trong căn tập thể của các thầy.
"Ở đây anh em sống với nhau chân tình như người trong một nhà. Vui niềm vui của nhau, buồn nỗi buồn của nhau, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và bảo ban nhau nên em cũng dần quen với công việc, với nếp sinh hoạt mới và thấy yêu công việc, yêu học trò nhiều hơn" thầy Lang Việt Hùng chia sẻ về tình đồng nghiệp tại Tri Lễ 4.
|
Cuối năm 2017, thông qua giải thưởng WeChoice Awards, những thước phim chân thật về hành trình đến trường gian khó nhưng đầy lạc quan của thầy trò Tri Lễ đã chạm đến trái tim của hàng triệu độc giả. Nhờ vậy, một năm qua nhiều đoàn từ thiện, nhà hảo tâm đã ghé thăm nơi này. Nhờ vào sự chung tay giúp sức của cộng đồng, Tri Lễ 4 đã và đang chuyển mình từng ngày.
Các em nhỏ Tri Lễ có thêm chiếc áo ấm đến trường, cuốn vở mới hay cuốn sách lành lặn hơn. Lớp học được lợp tôn không còn dột mưa, bàn ghế được thay mới trở nên vừa vặn và không còn bấp bênh. Tuy những thiếu thốn của Tri Lễ vẫn còn đó, rất nhiều, nhưng chỉ từng ấy đổi thay cũng đủ để các thầy có thêm hy vọng và động lực tiếp tục hành trình "cõng chữ lên non".
|
Niềm vui của các thầy giáo Tri Lễ 4 càng thêm trọn vẹn hơn khi Samsung cùng với dự án "Mặt trời mơ ước" - Thắp sáng hy vọng và tương lai cho Tri Lễ sẽ mang đến điểm trường chính Mường Lống một ngôi trường khang trang. Trường học này sẽ gồm có 5 lớp học, 1 phòng giáo vụ, 1 phòng nghỉ ngơi cho thầy cô, nhà vệ sinh, bếp ăn và thư viện.
Hình ảnh mô phỏng ngôi trường Tri Lễ 4 khi hoàn thành. |
Hình ảnh mô phỏng ngôi trường Tri Lễ 4 khi hoàn thành. |
Hình ảnh mô phỏng ngôi trường Tri Lễ 4 khi hoàn thành. |
"Lớp học không mặt trời" trở thành lớp học ánh sáng, kệ sách cũ sẽ được thay bằng một thư viện được lấp đầy bằng những cuốn sách hay. Sân trường sẽ được trang bị hẳn một khu vui chơi với xích đu, sân bóng rổ để đám trẻ vùng cao có thể thỏa thích cười vang với bao niềm vui thơ trẻ. Ngoài ra, các thầy sẽ được dành tặng 5 máy tính để giúp việc soạn giáo án thuận tiện hơn.
Ngôi trường này chính là thành quả từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của thầy trò Tri Lễ trong hành trình đi tìm ánh sáng của tri thức. Và là minh chứng cho niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn dành cho Tri Lễ sẽ thành hiện thực.
Dưới mái trường này, ngàn mặt trời mơ ước sẽ được thắp sáng, các em học sinh Tri Lễ sẽ tìm thấy đường đi cho tương lai của mình. Một ngày không xa, các em sẽ đặt chân đến những vùng đất mới, khám phá thế giới rộng lớn và trở về, tiếp tục sứ mệnh cao cả mà bao năm qua các thầy đã dựng xây.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Trí Thức Trẻ