Thế giới

Thảo nguyên Mông Cổ ngày càng vắng bóng người du mục

Biến đổi khí hậu cùng những thay đổi trong cách sống đã khiến người dân du mục Mông Cổ rời bỏ đồng cỏ và chuyển về định cư ở thành phố.

Một phần ba dân số Mông Cổ sống du mục. Hàng nghìn năm qua, hình ảnh người du mục cùng đàn gia súc rong ruổi trên các thảo nguyên bạt ngàn đã thành biểu tượng của đất nước này. Tuy nhiên, truyền thống đó đang bị đe dọa khi ngày càng có nhiều người chọn về sống tại thành phố và rời bỏ đời sống lang bạt.
Biến đổi khí hậu là một trong những tác nhân đầu tiên nhưng không phải tất cả. Tiến sĩ Batjargal Zamba, cố vấn Bộ Môi trường Mông Cổ, nói với Guardian: "Đó là sự kết hợp của biến đổi khí hậu và sự dịch chuyển trong các hoạt động kinh tế, lối sống của Mông Cổ".
Trong 70 năm qua, nhiệt độ trung bình của Mông Cổ đã tăng 2,07 độ C, trong khi mức tăng trung bình của thế giới một thế kỷ qua chỉ là 0,85 độ C. Trước đây, Mông Cổ thường xuyên hứng chịu những đợt khí hậu đặc biệt khắc nghiệt gọi là Zud, với mùa đông lạnh và mùa hè khô bất thường. Nhiệt độ tăng làm những đợt Zud thêm trầm trọng.
Mùa hè khô cằn làm cỏ không thể mọc trong khi tiết trời giá lạnh mùa đông lại đòi hỏi nguồn cung cỏ khô lớn hơn cho các loại gia súc. Những đợt Zud kéo về làm đe dọa sự sống của gia súc và ảnh hưởng kế sinh nhai của nhiều người du mục. Guardian dẫn thống kê của chính phủ Mông Cổ cho biết đợt Zud từ năm 1999 đến 2009 đã giết chết tổng cộng 18 triệu động vật, kéo theo làn sóng di dân về thành phố.
Altansukh Purev, 38 tuổi, kể rằng anh rời bỏ thảo nguyên sau khi mất 39 con bò và gần 400 con cừu. Đàn bò đi lang thang trong trời tuyết rồi không bao giờ trở lại. Vào một buổi sáng khác, Altansukh Purev thức giấc và phát hiện đàn cừu đã chết vì lạnh. Không còn cách nào khác, gia đình anh buộc phải rời thảo nguyên.
Từ những ngọn đồi bên rìa thủ đô Ulaanbaatar nhìn về thành phố, người ta thấy những tòa nhà cao tầng mới mọc nằm giữa các khu lều tạm của những người từng là dân du mục. Trong 3 thập niên qua, 600.000 người du mục, tức 20% dân số Mông Cổ, đã rời bỏ thảo nguyên chuyển đến Ulaanbaatar, làm dân số thủ đô tăng gấp đôi.
Altansukh Purev và vợ anh, Narmandakh Sainjargal cùng hai đứa con trai sống trong một chiếc lều tại quận Songenkhaihan, thủ đô Ulaanbaatar. Chiếc lều của Altansukh Purev nằm ở một trong số hàng nghìn khu lều trại vùng ven Ulaanbaatar.
Begzsuren Nyangaa, 68 tuổi, nhớ lại năm ông 17, 18 tuổi. Đó là lúc các thảo nguyên Mông Cổ vẫn nhận được nhiều mưa, cỏ mọc tươi tốt, người du mục thậm chí có thể trồng cỏ vào mùa thu. Hiện nay, các thảo nguyên ngày càng giống sa mạc. Tuy nhiên, khác với Altansukh Purev, Begzsuren Nyangaa và đại gia đình ông vẫn bám trụ thảo nguyên.
Những người ở lại đồng cỏ không chỉ đối mặt với khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nền kinh tế thay đổi cũng khiến công việc của họ khó khăn hơn. Trước năm 1990, khi Mông Cổ còn là một nền kinh tế tập trung, hoạt động chăn thả gia súc được nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Chính quyền sẽ quy định người dân được sở hữu bao nhiêu gia súc, chăn thả ở đâu... Nhà nước cũng nắm quyền phân phối cỏ khô. Khi mùa Zud về, họ sẽ phân phát lại cỏ khô cho dân.
Quan trọng hơn, dưới sự kiểm soát của chính quyền, những người du mục buộc phải bám lấy thảo nguyên của mình, họ không được phép về thành phố sinh sống.
Từ thập niên 1990, Mông Cổ trở thành nền kinh tế thị trường. Người du mục toàn quyền quyết định số lượng gia súc họ muốn sở hữu. Trong nửa thế kỷ sống dưới nền kinh tế kế hoạch, số gia súc của Mông Cổ duy trì ở mức 20 triệu con. Sau ngày mở cửa, con số này tăng lên 33 triệu trong 1 thập kỷ. Số lượng gia súc tăng trong khi diện tích đồng cỏ có hạn, một số người đã phải bỏ nghề.
Không những vậy, người dân trên thảo nguyên phải tự mình đối phó với khí hậu khắc nghiệt mà không có sự giúp đỡ của chính phủ.
Một nguyên nhân khác kéo theo tình trạng di cư về thành phố là người dân muốn con cái mình được đi học thay vì rong ruổi trên đồng cỏ.
Những năm gần đây, chính phủ Mông Cổ và các tổ chức phi chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ cuộc sống du mục. Người dân được cung cấp cỏ khô trong mùa đông, hỗ trợ vật nuôi nếu gia súc bị chết vì thời tiết khắc nghiệt, mở các chương trình giáo dục cho trẻ em ở xa thành phố... Không chỉ nhằm duy trì truyền thống của người Mông Cổ, các biện pháp này còn tránh cho thủ đô Ulaanbaatar bị quá tải.
Với hàng nghìn người đã chuyển đến Ulaanbaatar trong những năm qua, cuộc sống của rất nhiều người trong số họ ở thủ đô vẫn là những khu trại không có hệ thống điện nước, xử lý rác thải hay lò sưởi. Để sưởi ấm trong mùa đông, cư dân ở đây phải đốt mọi thứ họ có thể. Việc này lại gây ô nhiễm cho chính họ và các khu vực dân cư xung quanh.
Không dễ cho những người sinh ra và lớn lên trên thảo nguyên thích nghi với cuộc sống thành phố. Trước đây, họ ăn thịt và uống sữa từ gia súc mình chăn thả, lấy da chúng dựng lều. Ở thành phố, mọi thứ đều phải mua, nhiều người không tìm được việc làm, trường học luôn quá tải học sinh. Cuối cùng, nếu khí hậu ngày càng khắc nghiệt, người dân không còn cách nào khác ngoài di cư về thành phố. Và thủ đô của Mông Cổ không tránh được cảnh quá tải nghiêm trọng hơn trong tương lai.

Tác giả bài viết: Phương Thảo

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP