Giá vàng đã biến động như thế nào?
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ra quyết định thanh tra toàn bộ thị trường vàng trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay. Quyết định thanh tra thị trường vàng được đưa ra sau khi đấu thầu vàng miếng chưa kéo sát giá vàng SJC với giá vàng thế giới.
Thị trường vàng trong nước từ năm 2020 đến nay đã kinh qua nhiều biến động. Trong năm 2020, giá vàng thế giới tăng tới 55% khi lần đầu tiên vượt qua mức 1.800 USD/ounce kể từ năm 2011. Ở thị trường trong nước, tính chung cả năm 2020, giá vàng SJC tăng khoảng 13,5 triệu đồng/lượng, tương đương với mức tăng hơn 30%.
Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới không quá lớn, thấp nhất là 1,1 triệu đồng/lượng và cao nhất là hơn 4 triệu đồng/lượng.
Bước sang năm 2021, thị trường vàng biến động vô cùng khó lường. Trong khi giá vàng thế giới liên tục trồi sụt và dao động quanh vùng giá 1.900 USD/ounce thì giá vàng trong nước lại giữ đà tăng mạnh.
Tính chung cả năm, giá vàng thế giới giảm hơn 8% nhưng giá vàng trong nước lại tăng tới 31%, khoảng hơn 13 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá trong nước và thế giới cũng được nới rộng lên đến 12 triệu đồng/lượng.
Sang đến năm 2022, giá vàng tiếp tục chinh phục những đỉnh mới. Trên thị trường thế giới, giá của kim loại quý này tăng mạnh nhờ được hỗ trợ bởi lạm phát nóng lên và căng thẳng địa chính trị.
Ở trong nước, giá vàng nhảy vọt từ 61,7 triệu đồng/lượng lên 74 triệu đồng/lượng, tăng gần 20% chỉ trong vòng hơn 2 tháng. Cũng trong năm này, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới lên tới 20 triệu đồng/lượng.
|
Sau một năm tăng điên cuồng, giá vàng trong nước đã có nhiều tháng đi ngang trong năm 2023. Tuy nhiên, cơn sốt vàng diễn ra vào những tháng cuối năm đã đẩy giá vàng tăng 9,4 triệu đồng/lượng trong cả năm, cao hơn khoảng 16 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Chốt ngày 31/12/2023, giá vàng được niêm yết ở mức 68 triệu đồng/lượng mua vào và 74 triệu đồng/lượng bán ra
Với trợ lực của năm 2023, trong 4 tháng đầu năm 2024, giá vàng liên tục tăng mạnh. Cả giá vàng thế giới và giá vàng trong nước đều liên tục xô đổ những kỷ lục cũ. Giá vàng SJC tăng chóng mặt, lần lượt vượt qua mốc 80 rồi 85 rồi 90 triệu đồng/lượng, có thời điểm lên tới 92,4 triệu đồng/lượng – mức cao nhất trong lịch sử.
Trải qua 4 năm với nhiều biến động, giá vàng trong nước đã bỏ xa giá vàng thế giới, từ mức chênh chỉ 1,1 triệu đồng/lượng lên đến mức chênh 20 triệu đồng/lượng.
Sau thanh tra sẽ là gì?
Trong báo cáo mới nhất của các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), việc tăng cường các biện pháp hành chính là điều quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại.
“Các biện pháp hành chính, như thanh tra thị trường, yêu cầu sử dụng hóa đơn điện tử, hay điều tra hành vi thao túng giá sẽ mang tới hiệu quả tức thì để bình ổn thị trường vàng, thay vì hy sinh ngoại tệ nhập khẩu vàng ồ ạt để bình ổn giá”, các chuyên gia nhận định.
Tuy nhiên, xét về dài hạn, việc thanh kiểm tra thị trường vàng vẫn chỉ là giải pháp ngắn hạn, chưa đủ để bình ổn giá vàng trong nước. Theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia, bên cạnh thanh kiểm tra, cần phải sớm xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC. Ngay chính Tổng Giám đốc SJC cũng đồng tình với kiến nghị này bởi “độc quyền vàng không mang lại lợi ích cho SJC hay bất kỳ cá nhân, tập thể nào cả”.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng thị trường vàng sẽ tự bình ổn khi các kênh đầu tư khác hấp dẫn trở lại. Ngoài thiếu nguồn cung, việc không có nhiều lựa chọn đầu tư trong bối cảnh nền lãi suất duy trì ở mức thấp cũng góp phần khiến người dân lựa chọn đổ tiền vào vàng, góp phần đẩy nhu cầu lên cao.
Điều này đồng nghĩa với việc khi các kênh đầu tư khác sôi động trở lại, nhà đầu tư sẽ tự động điều chỉnh lại dòng tiền và không còn “bỏ trứng vào một giỏ” nữa. Khi đó, thị trường vàng sẽ tự khắc điều chỉnh trở lại bình thường mà không cần phải can thiệp quá nhiều, một chuyên gia nhận định.
Tác giả: Khánh Tú
Nguồn tin: vietnamfinance.vn