Cộng đồng mạng

Thanh niên đi bán cơm rang và đồ lót vỉa hè thành triệu phú đứng sau "đế chế" Baby Three: Cuộc đời ly kỳ hơn cả phim!

Dù nói rằng quá trình khởi nghiệp của mình có nhiều may mắn nhưng trước khi thành công như hiện tại, triệu phú 33 tuổi đã gặp không ít thất bại.

Trong dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán vừa qua, Baby Three làm mưa làm gió MXH Việt Nam với những từ khóa như: “Bây By Chi” (Baby Three), “Bé Ba”, “Sít rịt” (secret), “mắt lè khe”,... Thậm chí thay vì mừng tuổi bằng phong bao đỏ như truyền thống, nhiều người chuyển sang lì xì bằng Baby Three.

Baby Three

Trước đó, theo thống kê từ nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric, từ ngày 15/10 đến ngày 15/11/2024, người trẻ Việt đã chi khoảng 8,8 tỷ đồng để mua món đồ chơi này trên Shopee và TikTok Shop, doanh thu tăng 106% so với cùng kỳ tháng trước.

Với những người chơi art toys (đồ chơi nghệ thuật), Baby Three không phải quá mới mẻ. Đây là bộ sưu tập thú nhồi bông đến từ Trung Quốc. Đặc trưng của dòng đồ chơi này là mỗi sản phẩm được đóng gói trong một chiếc hộp kín (blind box), người mua sẽ không biết mình sẽ nhận được nhân vật nào cho đến khi mở hộp.

Hiện tại, cùng với thông tin về món đồ chơi này, người đứng sau “đế chế” Baby Three cũng được tìm kiếm. Hoá ra đây là Trương Đình - nhân vật khá nổi tiếng trong giới khởi nghiệp Trung Quốc vì câu chuyện cuộc đời như phim của mình.

Trương Đình

16 tuổi bỏ học đi làm công nhân, 21 tuổi bán hàng rong, 27 tuổi vỡ nợ và ly hôn

Trương Đình sinh năm 1992, đến từ An Huy (Trung Quốc). Năm 2008, khi mới 16 tuổi, khi đang là một học sinh THPT, anh quyết định nghỉ học và đi làm công nhân ở một nhà máy ở Chiết Giang. Thời điểm đó anh được trả lương 300 NDT/tháng (khoảng 1 triệu đồng). Khoảng 2 năm sau, Trương Đình nghỉ việc để đi học đầu bếp.

Sau 3 năm, Trương Đình 21 tuổi quyết định đã đến lúc tự đứng trên đôi chân của mình. Để kiếm sống, anh làm đủ mọi công việc như bán cơm rang ở một quán cà phê internet, bán đồ lót phụ nữ trên phố, làm đầu bếp,... Sau đó anh hùn vốn cùng bạn mở một nhà hàng. Nhưng vì còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm, 2 người không thống nhất được việc phân chia công việc và lợi nhuận khiến nhà hàng đóng cửa chỉ sau nửa năm.

Năm 2017, khi 25 tuổi, Trương Đình đến Nam Kinh và cùng bạn bè kinh doanh. Không nói rõ mặt hàng gì nhưng anh cho biết mình “gặp thời” và kiếm được vài triệu NDT (khoảng 7 tỷ đồng) chỉ trong 2 năm. “Tôi chưa bao giờ thấy nhiều tiền như vậy và đã tiêu xài nó một cách lãng phí” - Trương Đình kể lại.

Nhưng vận may của Trương Đình kết thúc đột ngột. Chỉ 2 năm sau - năm 2019, việc kinh doanh thất bại do không có tiền vốn để xoay vòng và bản thân anh nợ khoảng 1,8 triệu NDT (hơn 6 tỷ đồng).

Để trang trải nợ nần, Trương Đình phải bán nhà, bán xe. Cũng trong thời gian này anh gặp những vấn đề về gia đình khi vợ quyết định ly hôn, bố mẹ anh cho rằng lỗi nằm ở con trai. Theo họ, cuộc hôn nhân này đổ vỡ là vì anh không có công việc ổn định. Tất cả những biến cố này khiến Trương Đình rơi vào tình trạng khủng hoảng, trầm cảm trong khoảng nửa năm.

Làm lại từ đầu, kiếm được 1 tỷ trong 3 tháng nhờ xé túi mù

Dẫu vậy Trương Đình không bao giờ từ bỏ đam mê khởi nghiệp. Anh nói: “Tôi hoàn toàn không có hứng thú với những công việc làm công ăn lương, trừ khi không còn bất cứ thứ gì để ăn nữa”.

Năm 2019, Douyin cho ra mắt Douyin Shop (tương tự TikTok Shop). Vốn là người nhạy bén, Trương Đình nhanh chóng nhận thấy đây chính là nơi sẽ đem lại cơ hội kinh doanh mới cho mình. Anh gửi con cho bố mẹ ở quê chăm sóc, rút 50.000 NDT (gần 173 triệu đồng) và đến Nghĩa Ô - một trong những chợ đầu mối lớn ở Trung Quốc để làm lại từ đầu.

Ban đầu, Trương Đình không biết nên bán mặt hàng gì nên đã xem bảng xếp hạng từ nền tảng TMĐT để chọn 1 trong 3 sản phẩm bán chạy nhất là kẹp tóc cho nữ. Công việc kinh doanh phát triển bình thường, không đột biến nhưng cũng không quá tệ.

Trương Đình khi mới bắt đầu livestream

Trong một lần đi nhập hàng ở kho, anh nhìn thấy một loại blind box đồ chơi là những cô bé xinh xắn nên đã mua về bán thử. Ngay trong đêm đó, khi đường link được gắn trên livestream, toàn bộ số hàng nhập về đã được bán hết. Trương Đình rất nhạy trong việc kinh doanh nên đã nhận ra cơ hội ngàn vàng của mình, nhanh chóng thay đổi toàn bộ danh mục sản phẩm ở shop online của mình, chuyển sang bán blind box đồ chơi.

Trước đó, do tệp khách hàng của anh chủ yếu là phái nữ và người trẻ nên càng phù hợp với mặt hàng blind box. Anh lập công ty riêng, đặt tên là Đại Mỹ Nhân. Cái tên này xuất phát từ lời hứa của chính Trương Đình: “Khi đang mắc nợ, tôi đã thề sẽ không cắt tóc cho đến khi thành công và trả hết nợ. Có thời điểm tóc tôi dài như tóc phụ nữ vậy”.

Thời gian đầu khi mới livestream, Trương Đình thuê người bán hàng và trả 200 NDT (gần 700 nghìn đồng) cho 3 tiếng đồng hồ. Trong lúc người này lên sóng, anh ngồi cạnh để học theo lời nói, động tác và nhịp điệu làm sao để bán được hàng. Sau hơn 1 tháng, anh không có đủ tiền để thuê nên tự mình livestream.

Thời điểm đó, thời gian livestream càng dài thì càng dễ được nhiều người xem và Trương Đình cũng không có tiền đầu tư vào các khoản khác như chạy quảng cáo, setup máy móc,... nên chỉ còn cách livestream 16 tiếng đồng hồ/ngày. Sau đó thêm 3 tiếng chuẩn bị đơn hàng, gửi đi nên có ngày làm việc đến gần 20 tiếng. Anh cùng bạn bè thuê một ngôi nhà để ở và làm việc, livestream ở tầng dưới và ngủ ở tầng trên. Nhưng nhiều đêm livestream xong, anh kiệt sức đến nỗi không đủ sức leo lên cầu thang nên nằm ngủ ngay dưới sàn nhà.

Trương Đình cũng liên tục đổi mới nội dung livestream, tung ra nhiều blind box mới và cách thức thu thập secret mới hấp dẫn người mua. Nhờ vậy bản thân anh và Đại Mỹ Nhân có một nhóm khách hàng trung thành. Chỉ trong hơn 3 tháng, anh kiếm được hơn 300.000 NDT (khoảng 1 tỷ đồng).

Quy trình đem đến thành công của Baby Three

Nhưng tham vọng của Trương Đình không dừng lại ở việc chỉ là một người bán hàng cho các thương hiệu khác mà phải tự tạo dựng thương hiệu và sản phẩm của riêng mình. Trong 2 năm livestream bán hàng, anh đã mở hàng chục nghìn blind box, có ngày bán được 6.000 bộ sản phẩm và đúc rút ra được kinh nghiệm của riêng mình. Khi một sản phẩm đến tay Trương Đình, anh có thể đoán được người dùng có thích nó hay không và quan sát được xu hướng tiêu dùng của họ.

Năm 2023, Trương Đình quyết định dời đến Đông Quản - vành đai công nghiệp sản xuất đồ chơi ở Trung Quốc để thực hiện hoá ước mơ, tham gia thiết kế sản phẩm từ những khâu đầu tiên. Sau hơn 3 tháng thảo luận với các designer, anh tạo ra sản phẩm đầu tiên của riêng mình. Đó là mẫu đồ chơi nhỏ, có biểu cảm dễ thương giống như búp bê 3 tuổi. Đây chính là phiên bản đầu tiên của Baby Three.

Phiên bản đầu tiên của Baby Three

Trải qua thêm 2 tháng sản xuất, Baby Three chính thức được phát hành. Lô hàng đầu tiên được bán hết trong vòng chưa đầy 1 tuần, lượng người xem livestream cùng lúc có thời điểm vượt ngưỡng 10k, tổng doanh thu đạt 2 triệu NDT (gần 7 tỷ đồng) - những con số rất lớn với một sản phẩm mới.

Hiện tại, Baby Three đã được cập nhật đến khoảng 40 phiên bản và trở thành art toys nổi tiếng, không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam,... Nhiều người từ các quốc gia này đã đến tận nhà máy Baby Three để đặt hàng về bán. Tất nhiên Trương Đình không bỏ lỡ cơ hội làm ăn, anh sẵn sàng hỗ trợ và sử dụng marketing để biến Baby Three trở nên nổi tiếng hơn ở các nước này.

Sau khi kiếm được tiền và ổn định công việc, Trương Đình ngay lập tức trả hết nợ, xây một ngôi nhà 4 tầng ở quê cho bố mẹ và các con. Bản thân anh cũng đang sở hữu một chiếc Rolls Royce sang trọng.

Căn nhà mà Trương Đình đang xây cho gia đình ở quê

Chiếc xe Rolls Royce của anh

Bài học kinh doanh và bài toán khó xoay quanh thú chơi theo trào lưu

Dù ở giữa trung tâm công nghiệp đồ chơi nhưng không phải lúc nào công việc của Trương Đình cũng được suôn sẻ. Anh có nhiều bài học kể từ khi bắt đầu với Baby Three.

Một chủ nhà máy sản xuất nhận 800.000 (2,7 tỷ đồng) tiền đặt cọc rồi bỏ trốn. Một nhà máy khác trả lô hàng không đúng yêu cầu của Trương Đình. “Nếu bạn không ký nhận hàng thì nhà máy không thể trả lương cho công nhân, nếu bạn ký nhận thì sẽ không thể bán chúng với giá tốt. Lúc này cần phải cân bằng giữa mối quan hệ với nhà máy và lợi ích, uy tín của công ty mình, chấp nhận lợi nhuận thấp hơn để nhà máy làm lại từ đầu” - anh nói.

Nhưng không phải vấn đề nào cũng có thể giải quyết dễ dàng. Trương Đình không ngại thừa nhận rằng vẫn còn sản phẩm bị lỗi tồn đọng trong kho, anh mất tiền cọc và nhà máy không thể nhận phần tiền còn lại.

Cùng với đó, art toys là một loại tiêu dùng theo cảm xúc điển hình. Vì vậy những người khởi nghiệp trong lĩnh vực này đều phải giải quyết câu hỏi: “Phải làm gì khi cơn sốt kết thúc?”.

Một trong những cách làm của Trương Đình là quyết định tự xây dựng một nhà máy của riêng mình để đảm bảo nguồn hàng, không để phụ thuộc vào các đơn vị gia công. Ngoài ra anh nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, mang lại sức sống lâu dài hơn cho sản phẩm, không để nó dừng lại ở mức độ “cơn sốt” hay “hiện tượng”.

Phía bên ngoài nhà máy sản xuất Baby Three

Anh vừa tập trung nghiên cứu và phát triển các loại hình đồ chơi vừa thành lập đội livestream riêng cho công ty. Nhóm này có vai trò quảng bá thương hiệu và sản phẩm đồng thời có thể đưa ra dự đoán xem mã hàng nào đó có thể phát triển lâu dài hay không. Bởi lẽ mã nào phổ biến nhất, có tỷ lệ mua lại cao nhất đều được thể hiện rõ thông qua doanh số và tương tác ở livestream.

Hơn ai hết, Trương Đình hiểu rõ blind box là món đồ chơi của cảm xúc, dễ đến dễ đi. Nhưng từ quan sát cá nhân trong 2 năm livestream, anh nhận thấy có những người vào xem xé túi mù mỗi ngày để giải tỏa sự nhàm chán trong cuộc sống của họ. Anh cho rằng “bất cứ thứ gì có thể mang lại giá trị cảm xúc cho con người đều có tiềm năng vô hạn” nên tin tưởng vào triển vọng của Baby Three nói riêng và art toys nói chung.

Tác giả: S.A (Nguồn: Baidu, Sohu, Douyin)

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP