Một phần lực lượng thiết giáp hạm của Liên Xô tại quân cảng Novorossiysk. Ảnh: Blogspot.
Sau Thế chiến II, lãnh đạo Liên Xô lên kế hoạch chế tạo siêu hạm đội thiết giáp hạm với mục đích xây dựng lực lượng hải quân mạnh để mở rộng tầm ảnh hưởng ra khỏi châu Âu và châu Á, theo National Interest.
Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami cho rằng hải quân Liên Xô chỉ đóng vai trò thứ yếu trong Thế chiến II, xếp sau lục quân và không quân. Hồng quân Liên Xô trực tiếp tham gia các chiến dịch ác liệt trên bộ, đánh bại phát xít Đức, trong khi không quân Liên Xô đóng vai trò là chi viện chiến trường cho bộ binh.
Trong khi đó, hải quân Liên Xô có vai trò rất hạn chế, chỉ hộ tống việc vận chuyển trang thiết bị thuê, mượn từ Mỹ và hỗ trợ các chiến dịch trên bộ, quấy rối quân Đức ở biển Baltic và Biển Đen.
Tuy nhiên, giữa năm 1945, Stalin nhận ra đối thủ lớn nhất của Liên Xô là Anh và Mỹ, hai cường quốc trên đại dương. Vì vậy, để duy trì vị thế của mình, Liên Xô cần xây dựng lực lượng hải quân đủ mạnh.
Ở thời điểm Thế chiến II kết thúc, thiết giáp hạm đã trở nên lạc hậu và bị thay thế bằng các tàu sân bay. Các nước phương Tây bắt đầu loại biên, tháo dỡ phần lớn các thiết giáp hạm của mình để tập trung chế tạo các hạm đội tàu sân bay.
Thế nhưng lãnh đạo Liên Xô Stalin lại không mặn mà với tàu sân bay mà chỉ ưa chuộng thiết giáp hạm. Trong một cuộc họp vào tháng 9/1945, ông bác bỏ đề xuất chế tạo hạm đội tàu sân bay, chỉ thị cho hải quân đóng thiết giáp hạm Sovetskaya Rossiya. Chiếc tàu này được khởi công năm 1940, mới chỉ hoàn thiện chưa tới 1% trước khi chiến tranh kết thúc.
Hải quân Liên Xô còn được lệnh đóng hai thiết giáp hạm giãn nước 75.000 tấn thuộc Đề án 24 và 7 tuần dương hạm Đề án 82 (lớp Stalingrad) có giãn nước 36.500 tấn, trang bị 9 pháo 304,8 mm. Stalin chỉ chấp thuận đóng hai tàu sân bay hạng nhẹ, quá nhỏ bé so với hạm đội tàu sân bay vượt trội của Anh và Mỹ.
Các hãng tin phương Tây cho rằng các thiết giáp hạm của Liên Xô sẽ đạt tốc độ tối đa 46-55 km/h, trang bị 9-12 pháo 406 mm và 12 pháo 457 mm, cũng như các tên lửa dẫn đường. Tuy nhiên, đây chỉ là tin đồn thất thiệt. Vào thời điểm đó, Liên Xô vẫn chưa thể trang bị tên lửa dẫn đường cho các tàu của mình.
Một thiết giáp hạm của Liên Xô sâu Thế chiến II. Ảnh: Flickriver.
Mizokami cho rằng kế hoạch của Liên Xô là một thất bại từ trong trứng nước. Họ chưa bao giờ có khả năng đóng loại tàu lớn, việc phát triển năng lực đóng tàu cũng bị trì hoãn vì chiến tranh. Ngoài ra, cuộc chiến đã tàn phá phần lớn ngành công nghiệp Liên Xô, buộc họ phải đầu tư cơ sở hạ tầng để thay thế.
Dù có nguồn lực dồi dào, Liên Xô phải dần cắt giảm kế hoạch đóng hạm đội tàu mặt nước cỡ lớn. Các thiết giáp hạm 75.000 tấn không bao giờ được đóng, chỉ có hai trong 7 tuần dương hạm được khởi công nhưng không được hoàn thiện. Năm 1953, Stalin qua đời khiến tham vọng về siêu hạm đội thiết giáp hạm của Liên Xô bị hủy bỏ.
Tác giả bài viết: Duy Sơn
Nguồn tin: