Nước mắt tang thương
Chúng tôi tìm về xã Ân Đức trong lúc người dân vẫn còn chưa hết bàng hoàng sau khi xảy ra vụ án Nguyễn Trung Vinh (37 tuổi, ở thôn Đức Long) đã xuống tay sát hại cha ruột, vợ và con mình. Ngôi nhà của các nạn nhân và cũng chính là của kẻ thủ ác chỉ mới trước đó vài ngày vẫn còn ấm cúng, rộn rã tiếng nói cười thì nay trở nên trống trải, lạnh lẽo.
Đối tượng Vinh lúc bị bắt. |
Theo người nhà, sáng 22/7, Vinh bỏ nhà đi vào khu vực nghĩa địa thôn Đức Long. Đến giờ cơm trưa, không thấy Vinh về nên các thành viên trong gia đình, gồm:
Ông Nguyễn Trung H. (65 tuổi, cha ruột của Vinh), chị Nguyễn Thị V. (31 tuổi, vợ của Vinh) và cháu Nguyễn Trung Đ. (5 tuổi, con ruột của Vinh) đi vào khu vực này tìm kiếm. Đến hơn 12h, không thấy mọi người về ăn cơm nên bà Nguyễn Thị Ph. (46 tuổi, em ruột ông H.) hô hoán hàng xóm cùng đi tìm.
Khi đến khu vực nghĩa địa thôn Đức Long, người dân phát hiện ông H., chị V., cháu Đ. đều đã chết. Các thi thể nằm cách nhau chừng chục mét.
“Tôi không thể tin vào mắt mình khi thấy 3 người thân của mình nằm gục trong vũng máu, tôi chỉ biết gào khóc. Bà con hàng xóm đến từng thi thể kiểm tra thì nhiều bộ phận bị giập. Tôi ra sức gọi thằng Vinh xem nó có ở gần đó không nhưng gọi mãi vẫn không thấy nó đâu.
Mọi người tỏa ra đi tìm cũng không thấy nó”, bà Ph. kể lại sự việc. Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an huyện Hoài Ân đã có mặt phong tỏa hiện trường, lấy lời khai các nhân chứng. Ngay trong chiều ngày 22/7, cơ quan chức năng đã triển khai lực lượng truy tìm, vây bắt đối tượng.
Khi lực lượng công an tìm đến nhà ông H. thì đối tượng Vinh tháo chạy ra phía sau nhà, rồi bơi qua sông trốn. Khi bơi qua phía bờ sông bên kia, Vinh bị hàng chục người dân đứng trên bờ la hét, vây bắt. Hoảng sợ, Vinh bơi lòng vòng ở dọc bờ sông thì bị các trinh sát ập đến bắt giữ.
Nỗi đau mang tên người tâm thần
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Vinh có tiền sử bệnh tâm thần nên được gia đình đưa đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hoài Hảo (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).
Trong quá trình điều trị tại đây, Vinh và chị V. nảy sinh tình cảm. Sau khi bệnh tình thuyên giảm, Vinh lập gia đình với chị V. và sinh được cháu Đ. vào năm 2013.
Người thân của Vinh cho biết, lúc bình thường, khi mọi người nhắc đến bệnh tâm thần là đối tượng Vinh sợ hãi, bởi Vinh không thừa nhận mình mắc bệnh tâm thần.
Trong khi đó, nhiều người thấy Vinh là né tránh vì sợ Vinh sẽ gây họa cho mình. “Mỗi lần lên cơn, thằng Vinh trở nên khác hẳn. Nó không kiểm soát được mình nên vợ con khổ nhiều vì nó.
Nó từng cắn đứt ngón tay của anh trai mình, rồi ra tay đánh đập vợ con. Nhưng đến mức để xảy ra sự việc đau lòng như hôm nay thì tôi chưa bao giờ nghĩ tới”, ông Nguyễn Văn B. (hàng xóm của Vinh) cho biết.
Trong quá trình sinh sống tại địa phương, Vinh hay ghen tuông, thích la cà uống rượu. Mỗi khi uống rượu, Vinh không kiểm soát được bản thân, nhiều lần cố tình gây gổ đánh nhau với mọi người. “Mỗi lần uống rượu vào là thằng Vinh lại đập phá đồ đạc, đi lang thang ngoài đường.
Thằng Vinh thường xin tiền người khác, ai không cho thì nó nạt nộ, đuổi đánh. Nghe tới tên Vinh, trẻ con ở đây đứa nào cũng hoảng. Lúc tỉnh, Vinh cũng đi làm thuê kiếm tiền nhưng ở địa phương chẳng ai dám thuê vì sợ bị vạ lây”, bà Trần Thị S. (hàng xóm của Vinh) cho biết.
Bà Nguyễn Thị Nhạn - Phó Chủ tịch UBND xã Ân Đức xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra vụ án mạng thương tâm, khiến 3 người trong một gia đình tử vong. Hung thủ ban đầu được xác định là người thân của các nạn nhân.
“Đối tượng Nguyễn Trung Vinh bị động kinh có giấy chứng nhận của cơ sở y tế. Sau khi xảy ra sự việc đau lòng, thi thể các nạn nhân đã được công an bàn giao cho gia đình lo hậu sự. Gia đình nạn nhân có hoàn cảnh rất khó khăn.
Thi thể hai mẹ con chị V. được đưa về phía ngoại để lo chôn cất, trong khi đó ông H. cũng được gia đình lo hậu sự”, bà Nhạn cho biết. Giết người thân là nỗi đau lớn không chỉ với chính gia đình xảy ra vụ việc, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của cộng đồng xung quanh.
Trong khi đó, phần lớn những gia đình có người thân bị bệnh tâm thần đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có điều kiện đưa người bệnh đi điều trị.
Do vậy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần có biện pháp giám sát chặt chẽ những đối tượng có dấu hiệu hoặc tiền sử về bệnh tâm thần để kịp thời vận động gia đình đưa họ đi điều trị, nhằm tránh những sự việc đau lòng như trên có thể xảy ra.
Tác giả: Thắng Mỹ
Nguồn tin: Pháp Luật Plus