Kinh tế

Tập đoàn Bảo Việt và những dự án BĐS nghìn tỉ 'đắp chiếu'

Nhiều dự án bất động sản của tập đoàn Bảo Việt vẫn trong tình trạng 'đắp chiếu' ở những khu 'đất vàng' trên địa bàn TP Hà Nội.

Dự án Tháp Tài chính Quốc tế tại 220 Trần Duy Hưng hiện nay vẫn quây tôn 'bất động', cây cối mọc um tùm.

Bảo Việt được biết đến là tập đoàn hàng đầu về kinh doanh bảo hiểm, nhưng sau đó đã lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác như: Ngân hàng, đầu tư, môi giới, quản lý quỹ, bất động sản.

Đáng chú ý, ở lĩnh vực bất động sản, nhiều dự án của “ông lớn” này vẫn trong tình trạng “đắp chiếu” ở những khu “đất vàng” trên địa bàn TP Hà Nội.

Tiền khủng “chôn” trong dự án bất động sản

Dự án Tháp Tài chính Quốc tế IFT nằm trên lô đất 13.000 m2 tại số 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, có tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỉ đồng.

Theo giới thiệu, Tháp Tài chính Quốc tế là một tòa nhà văn phòng hạng A, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, thiết kế hiện đại với các khu công năng chính là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại.

Dự án có diện tích nghiên cứu quy hoạch 13.159 m2, với quy mô công trình cao 34 tầng, chiều cao tối đa 150m. Được biết, ngày 29/12/2005, UBND TP Hà Nội có Quyết định 8506/QĐ-UB phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất khi giao khu đất này cho Công ty Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở.

Năm 2013, dự án Tháp Tài chính Quốc tế (IFT) được Sở Xây dựng Hà Nội cấp Giấy phép quy hoạch cho chủ đầu tư là Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ.

Ghi nhận của phóng viên vào ngày 12/4, dự án có vị trí 3 mặt tiền, ngay ngã tư Trần Duy Hưng, Hoàng Minh Giám và nằm ngay bên cạnh tổ hợp Big C Thăng Long.

Ở khu vực dự án được xây văn phòng tạm là dãy nhà cấp 4, thế nhưng do bỏ hoang nhiều năm, văn phòng đã xuống cấp. Xung quanh dự án rác thải vứt bừa bãi, cỏ mọc um tùm, hàng rào bao quanh cũng đã hoen rỉ theo năm tháng.

Tại huyện Thanh Trì, Bảo Việt cũng là chủ đầu tư của dự án nhà ở cao tầng Bảo Việt. Đây là dự án kín tiếng, rất ít thông tin của Tập đoàn Bảo Việt. Chủ đầu tư của dự án này là Tập đoàn Bảo Việt - Công ty Cổ phần Đầu tư Bảo Việt - Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, dự án có tổng mức đầu tư 300 tỉ đồng, quy mô xây dựng 32.973 m2 tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì.

Theo quy hoạch, công trình gồm 29 tầng và 2 tầng hầm bố cục thành 3 phần, đế, thân và mái. Trong đó tầng hầm 1 và 2 bố trí khu để xe và các phòng kỹ thuật; tầng 1 bố trí khu sảnh chính, văn phòng dịch vụ, tầng 2 bố trí khu dịch vụ, phòng sinh hoạt cộng đồng, nhà trẻ; từ tầng 3 đến tầng 29 bố trí 24.368 căn hộ với tổng diện tích sàn xây dựng 32.966 m2.

Hiện nay, bên trong khu đất này cũng chung tình trạng, cỏ mọc um tùm, nhiều vũng nước tụ đọng. Ngoài ra tại dự án có tổng mức đầu tư 300 tỉ này còn nhiều căn nhà hoang chưa bị phá bỏ và rác thải bị vứt trộm khiến khu đất trở thành nơi sinh sôi của ruồi muỗi, côn trùng gây ô nhiễm và đe dọa sức khỏe người dân sinh sống xung quanh.

Với những dự án “đắp chiếu”, việc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản dường như chỉ đem lại “trái đắng” và tai tiếng cho Tập đoàn Bảo Việt. Phải chăng, các dự án do Tập đoàn Bảo Việt làm chủ đầu tư là để giữ “đất vàng”, hay vì một lí do gì khác?

Năm 2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với 469 đại biểu (bằng 94,18% tổng số đại biểu) tán thành. Luật này có 157 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Một trong những điểm mới đáng chú ý là luật quy định rõ, doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng.

Việc doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản chắc chắn sẽ là trở ngại lớn đối với Tập đoàn Bảo Việt. Số phận các “siêu dự án” dang dở của tập đoàn này chưa rõ sẽ được định đoạt thế nào?

Tập đoàn thiếu vốn

Phía ngoài cổng dự án Tháp Tài chính Quốc Tế (IFT) số 220 Trần Duy Hưng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra cuối tháng 6/2022, Tập đoàn Bảo Việt lên kế hoạch kinh doanh cho công ty mẹ gần như đi ngang với tổng doanh thu 1.530 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 1.050 tỉ đồng.

Ở phần thảo luận, ban chủ tọa có chia sẻ về việc nâng cao vốn cho Tập đoàn Bảo Việt trong thời gian tới. Vốn điều lệ tại thời điểm đại hội là 7.423 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu trên 18.000 tỉ đồng. Trong đó, hơn 14.000 tỉ đồng dùng để đầu tư cho các công ty con và công ty liên kết, 2.200 tỉ đồng dùng để chi trả cổ tức và 2.000 tỉ đồng còn lại từ đợt phát hành riêng lẻ năm 2019.

Đại diện ban chủ tọa đánh giá Tập đoàn Bảo Việt đang yếu về vốn. Đặc biệt là Bảo Việt Nhân Thọ có vốn mỏng, xếp thứ 8 về vốn trong 18 công ty trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, dù năm 2015 là đơn vị có vốn lớn nhất thị trường này.

Như vậy, nhu cầu vốn cho giai đoạn sắp tới là hết sức cấp thiết. Trong khoảng 10 năm tới, nhu cầu vốn của Bảo Việt cần đến 45.000 tỉ đồng. Để giải quyết bài toán thiếu vốn, ban chủ tọa có đưa ra 4 giải pháp.

Trong thời gian đến năm 2025, tập đoàn này sẽ nghiên cứu và báo cáo hai cổ đông lớn là Bộ Tài chính và Sumitomo Life về việc cổ phần hóa Tổng CTCP Bảo Việt và Bảo Việt Nhân Thọ.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đề cập đến việc giảm tỷ lệ vốn Nhà nước. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tỷ lệ vốn Nhà nước đến năm 2025 vẫn sẽ giữ nguyên ở mức 65%. Đến giai đoạn từ 2026 - 2030, cổ đông Nhà nước là Bộ Tài chính sẽ xem xét giảm tỷ lệ vốn Nhà nước từ 65% về 51%.

Khi giảm như vậy, Bộ Tài chính có thể kết hợp các phương án, bao gồm việc nhượng quyền tăng vốn cho các cổ đông hiện hữu, và giữ nguyên tỷ lệ sở hữu khi tập đoàn phát hành riêng lẻ.

Tác giả: Đức Huy

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP