Cần xét đến tính đặc thù trong công việc để xác định tuổi nghỉ hưu. Ảnh: Thế Đại |
Sự hy sinh của người làm giáo dục
Từ khi Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi được đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi, Báo GD&TĐ đã đăng tải loạt bài viết về những nội dung của Dự thảo Bộ luật này. Đặc biệt là mối quan tâm của cán bộ ngành Giáo dục đối với nội dung về tăng tuổi nghỉ hưu, trong đó có những bài viết nhận được hàng chục nghìn like và ý kiến chia sẻ sâu sắc… Đáng chú ý, trong chuyên mục kết nối bài viết: Đề nghị không tăng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên, dẫn ý kiến của cử tri tỉnh Hà Nam gửi Bộ GD&ĐT sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, trong đó đề nghị không tăng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên vì dạy học là lao động nghề nghiệp có tính chất đặc thù nên trên 55 tuổi đối với nữ và trên 60 tuổi đối với nam thì việc giảng dạy, thực hiện đổi mới gặp nhiều khó khăn, hiệu quả công việc không cao.
Bài viết có trên 51 nghìn lượt view, 24 nghìn lượt like, cùng rất nhiều chia sẻ tâm tư của giáo viên. Bình luận trên trang báo, nickname Vũ Ngọc xúc động chia sẻ: Tôi hoàn toàn đồng tình với các đề xuất trên. Bản thân tôi là giáo viên mầm non (MN), công việc vốn quá vất vả. Các cô sau tuổi 45 là trẻ nhỏ đã không còn thích nữa. Chúng luôn yêu cái đẹp, hồn nhiên, sáng tạo, thích nhảy nhót hát ca, thích những trò chơi vận động chạy nhảy... Nhưng các cô giáo MN đến sau tuổi 45 thì các khả năng trên không còn đủ để đáp ứng với yêu cầu của trẻ nữa... Tuổi 50 mắt mờ, sử dụng công nghệ cũng kém đi.
Còn nói ở vùng cao, vùng xa, việc đi xe máy tới trường hàng 50, 70 km, đường đi lối lại khó khăn hiểm trở, vì vậy sau tuổi 50 có lẽ là nỗi lo lắng chung cho tất cả các cô giáo vùng cao... “Ở trang này tôi không thể diễn tả hết sự khó khăn và nỗi vất vả của cô giáo MN vùng cao chúng tôi. Có lẽ chỉ có ai đã từng đặt chân tới vùng 3 bằng chính đôi chân đi bộ hoặc đi xe máy quấn xích trong mùa mưa thì mới thấu hiểu nổi sự hy sinh của các thầy cô nói chung và cô giáo MN nói riêng. Khó có thể tưởng tượng nổi nỗi vất vả của các thầy cô giáo vùng xa, vùng cao. Bởi vậy tôi thay mặt cho đồng nghiệp chúng tôi xin Quốc hội hãy xem xét về tuổi nghỉ hưu của giáo viên sao cho phù hợp”, cô Vũ Ngọc nói.
Ảnh minh họa |
Khó cho giáo viên mầm non
Nickname có tên Minhcho rằng: Giáo viên MN là bậc học cần sự đổi mới, hoạt bát, linh hoạt trong tất cả các hoạt động, tuổi hưu tăng sẽ thật khó cho họ trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ. Đặc biệt, học sinh MN thích học với cô giáo trẻ nếu tăng tuổi hưu học sinh đến lớp sẽ không có “Cháu chào cô ạ!” mà sẽ thành “Cháu chào bà ạ”! Vì vậy Bộ LĐ-TB&XH nên xem xét lại việc tăng tuổi hưu cho phù hợp với đặc thù ngành, nghề.
Có cùng quan điểm về tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên, nickname Linhquyenchia sẻ: Theo tôi tuổi nghỉ hưu tăng thì chỉ thích hợp với những cán bộ quản lý đứng chỉ đạo chứ giáo viên thì 50 tuổi đã khó có thể đáp ứng được với đổi mới ngày càng cao như hiện nay, nhất là giáo viên MN phải làm đủ thứ công việc như: Múa, hát, vẽ, vận động... và rất nhiều công việc không tên: Như lau chùi, dọn vệ sinh như công nhân vệ sinh, làm việc với cường độ cao từ 8 đến 12 giờ. Sao không tính tuổi hưu phù hợp với đặc thù nghề nghiệp? Đề nghị Quốc hội xem xét lại độ tuổi nghỉ hưu cho giáo viên MN…
Cùng trao đổi trên trang báo, nickname Cúc đồng ý với việc giữ tuổi nghỉ hưu cho giáo viên nhất là giáo viên tiểu học và MN vì hai cấp học này đòi hỏi phải nhanh nhẹn, nhạy bén mà tuổi 45 trở ra do đặc thù của nghề nghiệp độ nhạy bén không có, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục trong khi đó lớp trẻ lao động vàng thì không có việc làm dễ gây ra các tệ nạn xã hội.
Kiến nghị về tuổi nghỉ hưu
Băn khoăn lớn nhất về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là chính sách không phân biệt các nhóm lao động, ngành nghề, công việc đặc thù. Việc “bỏ chung một giỏ” là dễ cho người làm chính sách nhưng sẽ có những tác động không tốt khi thực hiện chính sách.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, Luật Lao động hiện hành được áp dụng cho tất cả các đối tượng công chức, viên chức và người lao động. Thực tế cũng có một số quy định riêng cho người làm những công việc nặng nhọc, độc hại, lao động có trình độ cao, nhưng chưa nhiều. Vì vậy, khi hoạch định những chính sách này, nhóm lao động làm việc theo hợp đồng cần phân thành nhiều nhóm ngành nghề cụ thể hơn. Ví dụ như ngành Giáo viên MN mà vẫn quy định tuổi nghỉ hưu giống như các lao động khác, nếu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của nhóm này đối với nam 62 và nữ 60 tuổi là không phù hợp.
Điểm chung các ý kiến của giáo viên cho thấy, số đông giáo viên giảng dạy các bậc học, đặc biệt là giáo viên MN hiện nay đều cho rằng: Nên giữ tuổi nghỉ hưu như cũ, vì thực chất 55 với nữ và 60 với nam như hiện nay khi về hưu tóc đã bạc trắng, sức khỏe cũng không còn nhiều. Đây cũng là những kiến nghị với Bộ GD&ĐT; Bộ LĐ-TB&XH xem xét trình Quốc hội trong thời gian sắp tới.
Tác giả:
Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại