Du lịch

Tận mắt nhìn thịt người gác bếp để dành suốt 13 năm, tục lệ rợn tóc gáy nơi biên ải

Ở một số gia đình, treo lủng lẳng trong gian bếp đượm mùi bồ hóng ở giữa nhà sàn không phải là thịt động vật gác bếp ăn dần, mà là bàn tay, bàn chân người…

Ẩn khuất trong đại ngàn cổ thụ Hoàng Su Phì (Hà Giang) là những nếp nhà của người dân tộc thiểu số bản địa. Cách trung tâm tỉnh Hà Giang không xa, nhưng để vượt qua được núi đồi heo hút, đường sá lởm chởm đá, người ta thường phải mất cả buổi mới có thể đến gặp đồng bào người H’Mông, người Nùng - những người vẫn sống với những tập tục văn hóa từ cả trăm năm trước.

Một số gia đình ở vùng đất bí ẩn Hà Giang còn giữ tập tục văn hóa độc đáo.

Tục lệ "treo thịt người gác bếp"

Cùng “thổ địa” đi qua những đường núi ngoằn nghoèo, heo hút, chỉ một trận mưa là sình lầy ngập bánh xe, lầy lội đến mức phải lấy chân để làm “mái chèo” mới vượt qua được, YouTuber Hoàng Nam đến một ngôi làng ở giữa những cụm mây. Anh như thể một thế giới khác hoàn toàn - nơi một số người dân còn giữ tục treo chi người trên gác bếp.

Chủ nhân của chiếc tay bị cắt qua khớp, bám bồ hóng đến mức đen nhánh, óng ánh màu than cười phớ lớ khi bàn tay của mình được khen đẹp. Ông kể về ngày mình chỉ còn 1 bàn tay nhẹ tênh như thể đang kể chuyện thiên hạ.

Người đàn ông này đã mất một bên tay và gác bếp nó để bảo quản.

Đó là một hôm đi rừng gặp tai nạn, hai cây gỗ kẹp làm dập nát hết bàn tay. Ông được đưa vào viện, bác sĩ không cứu được nên bảo cắt đi. Khi ấy, ông vẫn còn tỉnh táo, nhìn chằm chằm vào tay khi bác sĩ cắt cụt.

“Thịt lúc ấy dập nát đau sẵn rồi, nhưng cắt vào xương thì đau cực kỳ. Tao mới la lên: Ôi đau thế! Bác sĩ hỏi lại: Mày thấy đau à, tao có thấy đau gì đâu! Tao bực quá bảo: Tay tao, tao mới thấy đau, tay mày đâu mà mày biết đau. Nói mấy câu thì thấy cái tay cụt luôn rồi” - ông kể lại.

Bàn tay gác bếp, thoạt nhìn như một khối than.

Mất bàn tay, ông gần như không thể làm việc nặng nữa, mọi sự dồn hết lên vai người vợ. Bà vợ, miệng làu bàu “mách tội” chồng tối ngày đi uống rượu, gây sự đánh nhau bằng cái tay cụt để việc to việc nhỏ trong nhà bà phải làm hết, nhưng vẫn nhìn chồng trìu mến, vẫn chấp nhận cái sự “bê tha” ấy.

Ở một ngôi nhà khác dựng theo kiểu nhà sàn, anh Lương (55 tuổi) đang ngồi làm bồ cào để phơi lúa trên “tầng 2”. Anh chỉ còn một chân bên cạnh mình. Chân còn lại bị cắt từ nửa đùi trở xuống thì ở trong góc bếp 13 năm nay.

Anh Lương - chủ nhân của cái chân gác bếp 13 năm.

Hồi ấy, tự nhiên bị đau khủng khiếp mà không biết lý do, anh Lương đi tỉnh khám thì bác sĩ bảo phải cắt chi. Anh buồn bã đồng ý rồi xin bác sĩ lấy cái chân về nhà. Anh Lương bảo, theo tập tục của người Nùng, anh phải giữ bằng được cái chân ấy, để đợi ngày ra đi để chôn cùng.

YouTuber Hoàng Nam ngửi thử chiếc chân gác bếp.

Cái chân bị cắt rời treo trên gác bếp đã 13 năm, buộc bằng sợi chão. Trẻ con, người lớn nhìn thấy hàng ngày thì thấy bình thường, chẳng có gì sợ hãi. Được hun khói mỗi ngày, cái chân của anh Lương giờ chỉ còn mùi bồ hóng chứ không còn mùi người.

Các ngón chân, đốt khớp và da săn lại, thịt ở chân không phân hủy mà teo tóp, quắt lại để lộ ra những sợi cơ vằn vện. Khúc xương chỗ cắt cụt lòi ra, bám bồ hóng, đen sì như một hòn than vừa được khai quật. Ở chân có vài chỗ bị nấm mốc.

Cái chân của anh Lương được treo trong nhà như để an ủi anh về sự toàn vẹn của cơ thể.

Nhìn ngắm cái chân gác bếp, rồi lại nhìn vào chỗ chân cụt, anh Lương buồn rười rượi…

Mẹ cha sinh ra lành lặn, khi chết không được thiếu hụt

Người phụ nữ 60 tuổi, nhà ở trong bản gần biên giới cũng mang đôi mắt u uất khi “khoe” với người lạ cái chân gác bếp của mình. Hơn 10 năm nay, bà lên nương bằng đôi nạng chồng bà mua của người bên kia biên giới với giá 36 nghìn đồng và 1 chai rượu. Ở nhà, bà di chuyển bằng cách ôm cái ghế con thấp, đu tay lết cả người đi.

Người đàn bà 60 tuổi đã tự tay gác bếp cái nhân của mình.

Quen thì quen thế, nhưng lúc gõ gõ cái chân quắt queo xuống đất, bà dợm ướm vào chân, như thể muốn nối liền thân thể mình. Bà kể, năm xưa tự dưng chân ngứa ngáy ở dưới bàn chân lên, ngứa lên cao dần cao dần, cái chân bị khô nước, teo tóp dần.

Cái chân khô được bà cất kỹ trong hòm như "báu vật".

Bà lên bệnh viện cắt vì không muốn cả người hóa thành “củi”. Bác sĩ còn cho bà tấm vải xanh dùng trong phòng mổ mà bọc chân mang về.

Đến nhà, bà tự mình phun rượu lên khúc chân vừa là của mình vừa không thuộc về mình nữa, rồi gác bếp tròn 1 năm. Chân khô “đẹp”, bà lại bọc vải, cất kỹ vào hòm.

Bà bảo, theo quan niệm tâm linh của dân tộc H’Mông của bà, nếu chẳng may mất tay, mất chân, người ta phải tìm bằng được phần cơ thể đó để gác bếp, đợi khi chết, người nhà sẽ đặt bộ phận đó vào áo quan. Ai khi sinh ra cũng có cơ thể đầy đủ các bộ phận nên khi mất mà bị thiếu hụt, tổ tiên không nhận ra.

Người chết sẽ không về thế giới bên kia được nếu linh hồn còn phải loay hoay đi tìm bộ phận cơ thể của mình. Ngược lại, khi được chôn cùng, kiếp sau người đó vẫn là một người lành lặn.

Nghĩ đến khi cơ thể được "ráp nối" lành lặn, bà vui vẻ hẳn lên.

Tục lệ này tồn tại ở một số gia đình sống tách biệt với bên ngoài. Ai đó có thể thấy lạ lẫm và sợ hãi, nhưng với người bị cắt cụt chi, đó như là một sự an ủi tinh thần khi thấy tay chân mình vẫn ở rất gần và niềm tin vào một cuộc tái sinh suôn sẻ.

(Nguồn tham khảo: Challenge Me, Bản Sắc Dân Tộc)


Tác giả: Bích Chi

Nguồn tin: Pháp luật và Bạn đọc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP