Đó là chia sẻ của Quỳnh Chi, một học sinh lớp 12, Trường THPT Lương Thế Vinh, Điện Bàn, Quảng Nam, nơi có dịch diễn biến phức tạp.
Ưu tiên sức khỏe lên hàng đầu
Như hàng nghìn thí sinh khác, Quỳnh Chi đã có hơn 1 năm học tập, ôn thi. Đặt mục tiêu đỗ đại học nên Chi bắt đầu học từ sớm. “Em bắt đầu lao đầu vào học từ tháng 6 năm ngoái, tính ra phải cày tới 15-16 tháng lận”.
“Tuy ở vùng dịch nhưng em và các bạn đều rất muốn đi thi. Lùi lịch thi, người thức đêm ôn bài tiếp vẫn là chúng em, mệt mỏi lắm”, Quỳnh Chi tâm sự.
Theo nữ sinh, nếu địa phương không có dịch, em sẵn sàng thi ngay trong đợt thi tới đây, từ 8-10/8. “Nhưng sức khỏe được ưu tiên hàng đầu nên em đồng ý thi đợt sau khi dịch đã được kiểm soát tốt hoặc không còn. Em chỉ mong mọi người hiểu cho chúng em, chúng em đâu muốn địa phương em có dịch cơ chứ?”, Quỳnh Chi nói.
Quỳnh Chi cho biết, em rất bình tĩnh, không quá lo lắng vì dịch hay phải thi sau vì đã ôn tập kỹ lưỡng, lại tuân thủ nghiêm túc quy định giãn cách, chủ yếu ở nhà.
Điều duy nhất khiến Chi tiếc nuối là bản thân có nhiều dự định sau khi thi xong, như đi học ngoại ngữ, học tiếng Anh, tiếng Trung. “Vậy mà dịch đến, phải giãn cách, lại tiếp tục ôn thi,…”.
Muốn đi thi cũng là tâm trạng của nhiều thí sinh. Khánh Ly, lớp 12 Trường THPT Can Lộc, Hà Tĩnh cho biết, em muốn thi vào Trường Đại học Du lịch và lữ hành.
Theo Ly, tuy chuẩn bị chưa thật tốt nhưng em muốn thi như bình thường vì nếu chỉ tuyển sinh bằng xét học bạ thì sẽ không công bằng.
Về việc thi thành nhiều đợt, Khánh Ly chia sẻ: “Bây giờ là lúc chống dịch, Nhà nước cùng nhân dân chung tay chống dịch, chúng ta cũng phải góp phần vào việc này. Các bạn ở Đà Nẵng, Quảng Nam,… chắc không ai muốn có dịch để phải lùi thi. Hơn nữa, ôn tập được nhiều hay không thì còn tùy thuộc vào người học hay không chứ không hẳn nhiều hay ít thời gian hơn”.
Không nên để các bạn thiệt thòi
Minh Hiếu, lớp 12 Trường THPT Ngọc Hồi, Hà Nội nhìn nhận, dù dịch bệnh nhưng mọi thứ vẫn phải được diễn ra, và có sự kiểm soát.
“Giáo dục quan trọng với đất nước. Việc thi cử cũng rất quan trọng đối với cả một lứa học sinh, không thể nghĩ đến việc dừng kỳ thi được. Những bạn chỉ thi để tốt nghiệp thì không sao, nhưng sẽ là rất ức chế đối với những bạn dùng kết quả thi THPT vào mục đích xét tuyển đại học, như em”, Minh Hiếu bày tỏ.
Trăn trở vì phải tiếp nhận quá nhiều thông tin trái chiều trên mạng xã hội và báo chí về kỳ thi, Hiếu mong muốn: “Năm nay, chúng em đủ mệt rồi, còn có 4 ngày nữa, chúng em rất cần yên ổn để tập trung ôn luyện và thi cử cho tốt”.
Đặt nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hiếu cho biết, em đã sẵn sàng cho kỳ thi sắp tới.
Mong muốn kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra bình thường, nam sinh này đánh giá, những vùng có dịch cần nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho thí sinh như đeo khẩu trang, ngồi giãn cách, lực lượng y tế túc trực thường xuyên trong 2 ngày thi,...
Về phía các trường đại học, Minh Hiếu cho rằng, đa phần các trường đều có chỉ tiêu đáng kể cho phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nếu dừng thi, buộc các trường phải tìm ra một phương án khác để tuyển sinh trong một thời gian ngắn.
“Em nghĩ điều này là không thể. Chẳng hạn các trường có phương án mới, học sinh vẫn sẽ phải đi thi, thậm chí di chuyển nhiều nơi hơn. Vậy khác với việc dừng thi chỗ nào?”, Hiếu băn khoăn.
Đăng Kiều, lớp 12 Trường THPT Yên Khánh A, Ninh Bình cũng mong muốn thi như kế hoạch vì việc hoãn gây mệt mỏi và dễ loãng kiến thức.
“Em có nguyện vọng thi vào trường sĩ quan. Em cũng khá sẵn sàng rồi. Việc thi thành nhiều đợt, có thể thông cảm cho nơi có dịch chứ không có gì bất công, vì sau hay trước, thì em nghĩ Bộ sẽ không để ai thiệt thòi”, Kiều chia sẻ.
Đó cũng là quan điểm của Trúc, lớp 12, Trường THPT Lý Tự Trọng, Hà Tĩnh, với nguyện vọng thi vào Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH QG TP HCM.
Trúc cho biết: “Cá nhân em muốn thi vì như vậy mới có thể thấy được năng lực của mỗi bạn và đảm bảo các bạn có cơ hội vào trường đại học mình mong muốn. Việc các bạn ở vùng dịch thi sau không có gì là bất công cả vì hiện các bạn có quá nhiều nỗi lo rồi”.
Tác giả: Hồng Hạnh - Huyền Linh
Nguồn tin: Báo Dân trí