Như Thanh Niên đã thông tin, chiều 30.6, trong lúc tuần tra kiểm soát trên quốc lộ 1A (thuộc địa bàn tỉnh Hà Tĩnh), tổ công tác gồm 4 CSGT phát hiện xe container mang BKS 77C - 016.47 lưu thông theo hướng nam - bắc vi phạm về tốc độ nên ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra..
Tài xế container cho xe dừng lại nhưng không chịu xuất trình giấy tờ. Vài phút sau, tài xế này lên xe và nhấn ga bỏ đi trong khi 2 chiến sĩ CSGT đang đứng ở đầu xe. Tuy bất ngờ nhưng một chiến sĩ đã kịp nhảy ra khỏi đầu xe, còn thượng úy Nguyễn Anh Đức chỉ kịp bám vào gương chiếu hậu bên trái đầu xe.
Khi xe chạy được một đoạn khoảng 200m thì tài xế xe này đánh lái khiến thượng úy Đức văng vào dải phân cách giữa đường. Sau cú ngã, thượng úy Đức bị thương nặng và phải nhập viện để theo dõi điều trị.
Trước đây, nhiều trường hợp tài xế xe ô tô vi phạm luật giao thông được CSGT yêu cầu dừng xe nhưng đã đâm thẳng xe vào lực lượng tuần tra khiến một số chiến sĩ bị hất lên nắp capo hoặc phải bám vào cần gạt nước.
Hành vi gây bức xúc
Sau khi thông tin về vụ việc ở Hà Tĩnh được đăng tải, nhiều độc giả đã bày tỏ bức xúc về mức độ nghiêm trọng của tài xế xe container và đánh giá rằng đây là hành vi quá dã man, có thể gây chết người.
Hình ảnh CSGT phải bám vào gương chiếu hậu bên trái đầu xe khi tài xế bất ngờ chạy xe đi
ẢNH CHỤP MÀN HÌNH
Anh Phương Nam thì cho rằng nếu tài xế có ý thức thì đã dừng xe, CSGT sai gì thì phản ánh. Tài xế kiểu này không hất anh CSGT thì cũng va chạm vào người đi đường.
Độc giả có nickname Thixo Nguyen cũng bức xức: “Phải điều tra rõ và xử thật mạnh tay với những người vi phạm luật giao thông còn cố ý không chấp hành hiệu lệnh của CSGT”.
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn LS TP.HCM) nhận định trường hợp này của tài xế xe container là chống người thi hành công vụ.
LS Thảo giải thích: “Chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng những thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật”.
Bên cạnh đó, hành vi chống người thi hành công vụ nếu gây thương tích hoặc làm chết cán bộ thi hành công vụ thì người phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tội cố ý gây thương tích, tội giết người…
Trường hợp này, nếu truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ thì tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng khung hình phạt mà tài xế phải nhận có thể sẽ từ 2 - 7 năm tù.
Cần khuyến cáo CSGT
Dù trong trường hợp này, do bị bất ngờ nên thượng úy Đức né không kịp và phải bám vào gương chiếu hậu bên trái đầu xe để tránh bị bánh xe cán qua người nhưng nhiều ý kiến độc giả cũng cho rằng trong ngành cần có luôn quy định hạn chế việc CSGT đu bám xe vi phạm.
Anh Thanh Nguyễn bày tỏ: “Không phản ứng kịp nên CSGT phải đu bám xe. Nhưng có nhiề trường hợp sao không ghi số xe rồi truy tìm chủ xe để phạt. Hành vi đu bám rất nguy hiểm tính mạng”.
Bạn đọc tên Trai (ngụ Cần Thơ) cũng nêu: “Câu chuyện bám đầu xe, capo xe chắc chỉ có ở Việt Nam thôi. Tôi không đồng ý kiểu bắt xe bất chấp tính mạng như vậy”.
Tài xế xuống xe mới lập biên bản Một lãnh đạo Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) cho biết thông thường CSGT thổi xe vi phạm sẽ đứng ở mép đường bên tay phải hoặc bên hông phải xe vi phạm. Đối với xe ô tô thì đợi tài xế bước xuống xe, đủ điều kiện an toàn thì CSGT mới đứng ở đầu xe để lập biên bản vi phạm. “Trường hợp xe vi phạm không dừng lại mà cố ý bỏ chạy thì CSGT sẽ thông báo qua bộ đàm thông tin đến trạm gần nhất để chặn đầu. Còn về biên bản vi phạm, với những trường hợp người vi phạm cố ý bỏ chạy thì CSGT sẽ lập biên bản lỗi vi phạm ban đầu và lỗi không chấp hành hiệu lệnh của CSGT”, vị lãnh đạo này thông tin. |
Tác giả bài viết: Vũ Phượng
Nguồn tin: