Số hóa

Tài khoản định danh điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người dân

Theo Công an TPHCM (CATP), khi tài khoản định danh điện tử (TKĐDĐT) được kích hoạt thành công sẽ cho thấy nhiều sự tiện ích để người dân biết và tiến hành phương thức sử dụng thông tin công dân (CD) thay việc xuất trình sổ hộ khẩu (SHK), sổ tạm trú (STT). Ngày 13-10-2022, CATP cho biết ngay khi người dân có thẻ CCCD gắn chíp sẽ được cấp TKĐDĐT.

Lợi ích mang lại

Để hiểu thêm về TKĐDĐT, Chuyên đề Công an TPHCM tiếp tục làm rõ những thắc mắc nhiều người vẫn còn băn khoăn hoặc chưa nắm được hết các lợi ích của TKĐDĐT mang lại, khi SHK, STT bằng giấy sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12-2022.

Đối với CD, TKĐDĐT nhằm tạo công cụ để có thể thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử đảm bảo tin cậy, chính xác, nhanh chóng, đơn giản, tiết kiệm, hiệu quả như tiến hành các giao dịch với phương pháp truyền thống (giấy tờ tùy thân, gặp mặt trực tiếp...). Qua đó tạo ra những công cụ thực sự thuận tiện để CD có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi; đặc biệt với những giao dịch thiết yếu vẫn bảo đảm được sự quản lý chặt chẽ, an ninh, an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, tránh giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn. Tài khoản định danh điện tử cũng tích hợp toàn bộ giấy tờ vào đó, giúp CD giảm thiểu giấy tờ tùy thân, chỉ cần sử dụng ứng dụng Định danh điện tử (ĐDĐT) quốc gia là có thể đảm bảo các thông tin về giấy tờ đã được tích hợp đầy đủ hiệu lực pháp lý để sử dụng thay giấy tờ vật lý truyền thống cũng như sử dụng trên môi trường điện tử.

Công an TPHCM nỗ lực hoàn thành cấp CCCD gắn chíp cho tất cả công dân đủ điều kiện

Ngoài ra, TKĐDĐT còn tạo tiện ích giúp CD có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) thông qua quét mã QRCode hoặc giải pháp kỹ thuật khác đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, bảo mật, tin cậy. Tài khoản định danh điện tử cũng nhằm xây dựng hệ sinh thái, tạo ra tiện ích cho người dân trên mọi lĩnh vực, như dịch vụ công (DVC), dịch vụ thương mại điện tử, nền tảng thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và thay thế các loại giấy tờ của CD trong các giao dịch điện tử.

Còn đối với cơ quan, tổ chức, TKĐDĐT giúp kết nối đến hệ thống ĐDĐT, sử dụng ĐDĐT đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm, hiệu quả, xác thực chính xác thông tin CD và các loại giấy tờ tùy thân đã được tích hợp. Các cơ quan, tổ chức có thể giảm thiểu nguồn nhân lực, tiết kiệm thời gian, giảm bớt chi phí lưu trữ, in ấn các loại giấy tờ khi người dân sử dụng TKĐDĐT và có thể giải quyết trực tuyến các thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân đảm bảo chính xác, nhanh chóng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, đối với DN, TKĐDĐT là sự kết nối đến hệ thống ĐDĐT, sử dụng các dịch vụ ĐDĐT đảm bảo an toàn, nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm, hiệu quả, xác thực chính xác thông tin CD và các loại giấy tờ tùy thân đã tích hợp khi được sự đồng ý của CD. Theo đó, TKĐDĐT cung cấp cho DN phương thức thanh toán đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu các thủ tục về giấy tờ.

Giải quyết từ hành chính đến giao dịch dân sự

Đến nay, CATP, công an (CA) các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã - đang cấp TKĐDĐT cho người dân. Đối với CD cần mang theo thẻ CCCD gắn chíp (còn hiệu lực), với trường hợp mất thẻ CCCD gắn chíp hoặc quá hạn thẻ có thể thực hiện thủ tục đăng ký cấp TKĐDĐT kèm cấp CCCD gắn chíp tại cơ quan CA; trong đó người dân cần chuẩn bị thông tin về các loại giấy tờ muốn đăng ký tích hợp vào TKĐDĐT để cung cấp cho cơ quan CA.

Đối với cơ quan, tổ chức, thực hiện số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết TTHC để cập nhật, bổ sung, kết nối, chia sẻ, sử dụng có hiệu quả hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia phục vụ giải quyết TTHC; thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia, phục vụ xác thực, định danh và giải quyết TTHC, cung cấp DVC trực tuyến cho người dân, khai thác các dịch vụ ĐDĐT, kết nối, chia sẻ khai thác dữ liệu đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, phòng, chống lộ lọt dữ liệu.

Sau khi có căn cước công dân gắn chíp, người dân sẽ được cấp tài khoản định danh điện tử

Đối với DN, cần tham gia mạnh mẽ trong hoạt động cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển KT-XH. Thực hiện triển khai sử dụng dịch vụ ĐDĐT trong các lĩnh vực của đời sống phục vụ người dân, đảm bảo việc kết nối đến hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia nhanh chóng, an toàn, bảo mật, hiệu quả. Cam kết bảo mật thông tin dữ liệu của CD khi sử dụng dịch vụ ĐDĐT giải quyết các thủ tục cho người dân.

Về cơ quan quản lý, thực hiện quản lý hành chính công trên môi trường điện tử thay thế môi trường truyền thống, giảm thiểu nguồn nhân lực, giảm phiền hà, giấy tờ, chi phí khi giải quyết các TTHC. Vừa tạo thuận lợi cho người dân vừa thuận tiện trong công tác quản lý, thông tin luôn được cập nhật, đảm bảo dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống", góp phần phát triển KT-XH, phục vụ công tác quản lý nhà nước của cơ quan chức năng. Từ công tác triển khai thực tế phân tích các tính năng được sử dụng nhiều, những kết quả đạt được và khó khăn, vướng mắc để phục vụ công tác tham mưu, hoạch định chính sách, giúp điều hành, phát triển kinh tế đất nước.

Hiểu và biết về TKĐDĐT

Công an TPHCM cho biết, căn cứ Quyết định 34/2021/QĐ-TTg ngày 08-11-2021 của Thủ tướng về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh, TKĐDĐT là tập hợp gồm tên đăng nhập (mã số định danh cá nhân của CD), mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân) hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ CA. Tài khoản này được quản lý, xác thực trên ứng dụng ĐDĐT quốc gia, do Bộ CA phát triển.

Người dân sử dụng TKĐDĐT có những lợi ích như tiết kiệm được thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều khâu thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công. Như vậy, khi người dân giao dịch hành chính sẽ giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo. Công dân có thể sử dụng TKĐDĐT để thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện - nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền... Khi sử dụng tài khoản này, người dân sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.

Cũng căn cứ quyết định trên của Thủ tướng về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh, cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký TKĐDĐT thông qua ứng dụng ĐDĐT; đối với cá nhân chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo TKĐDĐT của cha, mẹ hoặc người giám hộ; với người được giám hộ khác thì đăng ký theo TKĐDĐT của người giám hộ. Các thông tin cần khai báo được thực hiện trên thiết bị điện tử khi cá nhân đăng ký TKĐDĐT, như số định danh cá nhân, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (đối với người nước ngoài), họ, tên đệm và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch (đối với người nước ngoài), số điện thoại, email.

Bên cạnh đó, vấn đề thường gặp là cần thiết bị thế nào để có thể sử dụng được TKĐDĐT? Công an TPHCM cho biết, ứng dụng ĐDĐT Quốc gia yêu cầu thiết bị di động của CD sử dụng hệ điều hành Android 5 hoặc IOS 9 trở lên, ngoài ra khuyến khích nên sử dụng thiết bị có camera tốt, cấu hình thiết bị từ trung bình trở lên, đảm bảo kết nối internet để có trải nghiệm tốt nhất trong quá trình sử dụng ứng dụng.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Công an TP Hồ Chí Minh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP