Trong nước

Sợ vỡ quỹ quá nên tăng tuổi hưu?

Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tiếp tục được trình lấy ý kiến. Có không ít ý kiến trái chiều về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.

Theo đó, tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức được đề xuất sẽ tăng từ 55 lên 60 tuổi đối với nữ và tăng từ 60 lên 62 tuổi đối với nam.

Tuy nhiên, không ít ý kiến đề xuất nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi nghỉ hưu là phù hợp. Thậm chí có ý kiến gay gắt, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam chỉ đạt 65, do đó dự kiến tuổi nghỉ hưu là 62 sẽ khó thực hiện?

Trước đó, năm 2013, các đơn vị chức năng cũng đã tính toán đến điều kiện hưởng lương hưu và dự thảo đề xuất, người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi hoặc nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

Đồng thời, về độ tuổi nghỉ hưu, dự thảo đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu với từng nhóm đối tượng.

Phương án 1, từ năm 2016 trở đi, công chức, viên chức cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi (cả nam và nữ). Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng còn lại 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi.

Phương án 2, từ năm 2016 trở đi, công chức, viên chức 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam. Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng còn lại 3 năm tăng 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam.


Lý giải cho việc tăng tuổi hưu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, dự báo, với mức đóng góp và mức hưởng chế độ như quy định hiện hành và số dư quỹ tính đến cuối năm 2012 (gần 250.000 tỷ đồng), đến năm 2023, số thu sẽ bằng số chi.

"Điều này dẫn tới khả năng, đến năm 2037, nếu không điều chỉnh chính sách hoặc không phát triển mạnh đối tượng, tăng thu hoặc giảm chi thì số thu BHXH sẽ không đảm bảo khả năng chi trả hay nói cách khác là vỡ quỹ" - lập luận từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Lập luận cho việc tăng hưu, bù chi có là tính toán hợp lý? Nhiều ý kiến đề xuất, cần phải xem xét các yếu tố sức khỏe, tuổi thọ, chất lượng lao động... để nâng tuổi nghỉ hưu nếu không sẽ làm khó cho số đông người lao động? Ý kiến khác đề xuất nên tăng tuổi hưu của nam là 63 tuổi và nữ là 57 tuổi?

Trên báo Nhân dân, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, ông Vũ Quang Thọ nhận định: "Một số lượng lớn lao động trẻ đang cần chỗ làm việc, nếu người đến tuổi nghỉ hưu theo quy định mà ở thêm thời gian, sẽ mất cơ hội của người trẻ...."

Dự kiến, năm 2017, khi trình Quốc hội Bộ Luật Lao động sửa đổi, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục trình phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Giải pháp này nhằm ứng phó với nguy cơ mất cân đối Quỹ Bảo hiểm Xã hội, tình trạng già hóa dân số… Tuy nhiên, việc kéo dài độ tuổi lao động vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Đã có không ít cuộc tranh luận về đề xuất tăng tuổi hưu, cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ phương án tối ưu....

Tác giả bài viết: Song Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP