Với mô hình ‘Trồng nấm bào ngư công nghệ cao’ (Mô hình vườn thông minh IOT) sử dụng công nghệ hướng đến nền công nghiệp 4.0, nhóm 4 bạn sinh viên gồm: Bùi Văn Tuyên, Nguyễn Công Thanh, Đào Xuân Bình và Nguyễn Mạnh Tuấn đến từ lớp CĐ ĐT8D, Điện tử Công nghiệp, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc đã xuất sắc khi gây ấn tượng với ban giám khảo về ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp và dành giải Nhất tại Festival sinh viên lần thứ Nhất năm 2017.
Sinh viên Bùi Văn Tuyên, trưởng nhóm cho biết, Mô hình vườn thông minh IOT được các bạn lên ý tưởng cách đây 3 tháng. Đây cũng đồng thời là đề tài tốt nghiệp của cả 4 bạn. Cùng chung sở thích về công nghệ, Tuyên, Thanh, Bình và Tuấn nhanh chóng thân thiết với nhau và tìm được ý tưởng chung khi về đề tài tốt nghiệp.
Tuyên chia sẻ, “Việt Nam là một nước nông nghiệp, nếu công nghệ thông tin được ứng dụng hợp lý sẽ giúp ích rất nhiều cho người dân. Chính vì lý do này, chúng em đã quyết định chọn đề tài mô hình vườn ứng dụng công nghệ Internet of Things (IOT) mạng lưới vạn vật kết nối internet với mong muốn có thể góp phần giúp nền nông nghiệp của Việt Nam bắt kịp với thế giới”.
Mô hình vườn thông minh IOT sử dụng những máy tính siêu nhỏ kết hợp với các cảm biến như độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng. Người dùng có thể dễ dàng theo dõi tình trạng môi trường và đưa ra những giải pháp hữu hiệu như thiết lập thời gian tưới, thời gian chiếu sáng thông qua smartphone.
Mô hình vườn thông minh IOT hoạt động dựa trên ba phần chính bao gồm: Thiết bị phần cứng IOT kèm các sensor kiểm soát các thông số môi trường như độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng. Thông tin được gửi lên server lưu và xử lý trước khi dữ liệu được gửi đến điện thoại di động thông minh thông qua kết nối mạng 3G hoặc Wifi. Khi thiết bị điện thoại gửi lệnh điều khiển, lệnh sẽ được gửi lên server để đẩy về cho thiết bị phần cứng thực thi.
Trong quá trình đưa mô hình từ bàn giấy ra thành sản phẩm, nhóm gặp không ít khó khăn. Đầu tiên phải kể đến việc tiếp cận công nghệ IOT, một công nghệ mới so với những công nghệ trước đây các em từng được học, thực hành. Tuyên cho biết, mặc dù xác định khó khăn ngay từ đầu nhưng nhóm vẫn quyết định sử dụng IOT bởi đây là công nghệ mới, nhanh, chính xác hơn, phù hợp với nền công nghiệp 4.0 mà Việt Nam và thế giới đang hướng đến.
Là sinh viên năm cuối có nhiều việc phải hoàn thành, nên các bạn đều phải tranh thủ từng giờ mỗi khi rảnh rỗi. Nhất là khoảng thời gian tháng 5 này, các bạn nhiều đêm tranh thủ ở lại trường để hoàn chỉnh mô hình. Có những lúc gặp bế tắc, các thành viên phải tự động viên nhau hoặc tạm dừng để về suy nghĩ lại phương án.
Để phù hợp với thực tiễn, các thành viên nhóm vẫn phải liên tục chỉnh sửa mô hình. Ảnh: Chu Thanh
Khi bài toán kỹ thuật, lắp ráp cơ khí tạm ổn, các thành viên lại bắt tay tìm hiểu về cách thức trồng nấm. Thanh, thành viên của nhóm cho biết “Chúng em tìm các cơ sở trồng trên mạng rồi liên hệ tìm hiểu. May mắn, nhóm tìm được một cơ sở trồng nấm ở Yên Thành và được người chủ tận tình chỉ dạy về cách nấm sinh trưởng. Các thành viên đã dành cả ngày để học hỏi cũng như phải quay lại 2,3 lần để hỏi, rút kinh nghiệm”.
Tuy mất không ít công sức và thời gian nhưng nhìn các cây nấm phát triển tốt, cho sản lượng cao hơn gấp đôi, các thành viên đều phấn khởi.
Nhờ ứng dụng công nghệ IOT, mô hình của nhóm sẽ khắc phục được các nhược điểm của cách trồng nấm thủ công như tiết kiệm năng lượng, cho năng suất cao hơn, có thể thu hoạch quanh năm, giảm nhân công, tiết kiệm chi phí sản xuất… Hiện tại, nhóm đang tiếp tục hoàn thiện mô hình của mình.
Nhận xét về mô hình của các em, thầy Phạm Văn Cần, trưởng khoa Điện Tử, trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc cho biết, ý tưởng của các em là một ý tưởng hay, sáng tạo, tiến bộ khi ứng dụng được những tiện ích của internet. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như tính ổn định chưa cao cũng như cần tính toán kỹ hơn để áp dụng trong thực tế và thương mại hoá.
Tác giả: Chu Thanh
Nguồn tin: Báo Nghệ An
Nguồn tin: Báo Nghệ An