Ngày 21/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp về kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 và rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định số 95/2021 và Nghị định số 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Về tổng nguồn xăng dầu năm 2023, Bộ trưởng yêu cầu con số phân giao tăng khoảng 10% so với số thực hiện của năm 2022. Tuy nhiên, trước nhu cầu thực tế của nền kinh tế, Bộ trưởng cho rằng cần phải có phương án 2 để chủ động trong mọi tình huống.
Nêu quan điểm về thực hiện tổng nguồn phân giao, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), bổ sung thêm nên có sự phân giao theo quý, tháng để kiểm soát việc tổ chức, tiến độ thực hiện. Theo đó, các thương nhân đầu mối phải bình đẳng, đã là thương nhân đầu mối, trách nhiệm như nhau.
Buổi họp có sự tham gia của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và 35 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (Ảnh: Bộ Công Thương). |
Còn ông Nguyễn Đăng Trình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil), cho rằng nên xem xét tổng nguồn năm 2023 tăng trưởng phù hợp với năng lực của doanh nghiệp và khả năng cung ứng thị trường.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết trước đây, việc phân giao được thực hiện cho cả năm và Bộ vẫn thường xuyên rà soát theo tháng, quý, 6 tháng, thậm chí rà soát từng thời điểm nếu xảy ra biến cố bất thường. Năm 2022 vẫn rà soát như vậy. Theo ông, từng thời điểm có thể rà soát lại, nếu phân giao cần thiết phải tăng thì tăng, nhưng nếu tính đến thời điểm đó, có thể điều chỉnh giảm. Nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là nguồn cung được đảm bảo.
"Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu mối nên phối hợp, hợp tác với nhau để đảm bảo nguồn cung. Việc phân giao là bước đầu, năm 2023, Bộ Công Thương thực hiện phân giao theo quý, tháng, Bộ Công Thương không cứng nhắc. Nếu đảm bảo đủ nguồn cung thì không bắt phải nhập", Thứ trưởng nói.
Trên cơ sở đóng góp ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đưa ra 2 kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023. Kịch bản 1, tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25,9 triệu m3, tấn; kịch bản 2 tăng trưởng 15%, tương đương 26,76 triệu m3, tấn. Sản lượng này phải được phân bổ từng tháng, quý. Mỗi tháng quý căn cứ vào số liệu thực hiện trên phần mềm quản lý sẽ áp dụng từ 1/1/2023 để có điều chỉnh phù hợp.
"Trong phân giao này cần tách bạch tương đối giữa sản lượng nhập khẩu và mua hàng sản xuất trong nước. Nếu doanh nghiệp nào không có đủ năng lực thì liên kết với nhau để nhập. Từng doanh nghiệp phải có sản lượng nhập để khẳng định trong mọi tình huống có nguồn cung ra thị trường", Bộ trưởng đề nghị và cho rằng, việc phân giao này phải căn cứ kế hoạch sản xuất của nhà máy trong nước, nhất là kế hoạch duy tu bảo dưỡng định kỳ để có sự điều chỉnh kịp thời.
Bộ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp đầu mối thường xuyên báo cáo phản ánh những chi phí thực tế phát sinh để cập nhật với Bộ Tài chính. Ngày 20 hàng tháng, Bộ Tài chính sẽ rà soát các chi phí này.
Về vấn đề sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83, tại cuộc họp, Bộ Công Thương cho biết đã nghiên cứu, đánh giá và sẽ trình Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn.
"Ngay trong chiều 21/11, Bộ Công Thương đã gửi Thủ tướng Chính phủ về tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021 và Nghị định số 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, trong đó nêu cụ thể về đối tượng, phương thức và thời gian lấy ý kiến", Bộ trưởng cho hay.
Tác giả: Văn Hưng
Nguồn tin: Báo Dân trí