Bé Diệu Nhi đã được cai máy thở sau một tuần môt tách. Ảnh: Zing |
Chiều ngày 22/7, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP.HCM cho biết trải qua một tuần hồi sức sau ca đại phẫu tách rời, sức khỏe của cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi đã ổn định hơn.
Theo đó, sáng nay cùng ngày, hai bé tỉnh táo hoàn toàn, có phản xạ tốt khi nghe giọng cha mẹ. Diệu Nhi đã được cai máy thở, sức khỏe diễn tiến khả quan. Bé Trúc Nhi vẫn phải dùng máy thở.
Trao đổi với PV Zing, chị Trần Thị Hồng Thúy (26 tuổi, ngụ TP.HCM), mẹ của cặp song sinh cho biết hiện tại, gia đình có thể vào thăm hai bé khoảng 15 phút mỗi ngày.
“Khi nghe giọng cha mẹ gọi, hai bé lúc nào cũng cười tươi. Nhiều lúc, bé còn biết làm nũng với mẹ. Lần đầu nhìn thấy con tươi cười trọn vẹn mà không còn ống nội khí quản, tôi hạnh phúc vô cùng. Hy vọng bé Trúc Nhi cũng sớm được cai máy thở”, chị Thúy chia sẻ.
GS.TS.BS Trần Đông A, Cố vấn chuyên môn trong ca mổ tách cặp song sinh, nhận định đây chỉ là thành công bước đầu. Việc chăm sóc hai bé trong giai đoạn hậu phẫu là vấn đề quan trọng. Do đó, bệnh viện cần lên phương án đầy đủ, bố trí nhân lực theo dõi đặc biệt từng diễn tiến của hai bé.
Trúc Nhi - Diệu Nhi trước ca đại phẫu thuật |
Thời gian tới, hai bé phải trải qua thêm 4 cuộc đại phẫu để tạo hình khung chậu, tiết niệu, tiêu hóa và tầng sinh môn. "Hành trình của hai bé sẽ còn dài và gian nan", GS Đông A nhận định.
Trước đó như Thanh Niên đưa tin, ngày 15/7, hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi dính liền đã được thực hiện ca phẫu thuật tách rời. cặp song sinh được xác định dính nhau vùng bụng chậu, tứ chi đầy đủ, hai cơ quan sinh dục, một hậu môn.
Ca phẫu thuật huy động sự tham gia của gần 100 y, bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cùng các bệnh viện phối hợp như: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Chợ Rẫy, Chấn thương Chỉnh hình, Mắt, Xuyên Á và Đại học Y dược TP.HCM.
Đây là trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kỳ hiếm gặp. Theo ước tính trên thế giới tỷ lệ song sinh dính nhau là 1/200.000 trẻ sinh sống. Trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau kiểu ischiopagus tetrapus.
Tác giả: Nguyệt Hà (T/h)
Nguồn tin: doisongplus.vn