Trương Ngọc Phấn, 57 tuổi, bắt đầu giúp đỡ những phụ nữ nghi ngờ chồng ngoại tình và đánh ghen bồ nhí từ những năm 1990. Gần 30 năm nay, bà đã điều tra hàng nghìn vụ và tin rằng đánh ghen bồ nhí là phương thức chữa trị hiệu quả nhất cho những bà vợ bị phản bội, theo Global Times.
Bà Trương nổi tiếng Trung Quốc với biệt danh "sát thủ bồ nhí". Sau khi phát hiện chồng mình phản bội, bà đã quấy rối nhân tình của ông ta. Kể từ đó, bà giúp đỡ hàng nghìn phụ nữ, điều tra người chồng và thu thập chứng cứ phản bội để tiến hành ly hôn. Bà cũng đưa họ tới đánh ghen kẻ thứ ba.
Bà Trương quê ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Hai năm trước, bà chuyển nhà tới Bắc Kinh và thuê một khu vườn, đặt tên là "Vịnh Nguyệt Quang". Bà cho những phụ nữ bị chồng và nhân tình đuổi khỏi nhà ở nhờ.
Bà Trương thường nói muốn "dùng kiếm chặt phăng đầu kẻ thứ ba". Kinh nghiệm của bà tích lũy dần theo tỉ lệ ly hôn và số vụ ngoại tình ngày càng tăng ở Trung Quốc, song hành với sự bùng nổ kinh tế của đất nước trong những năm 1990.
Năm 2015, theo thống kê của Bộ Nội vụ Trung Quốc, nước này có hơn 3,84 triệu cặp vợ chồng ly hôn. Cao hơn 200.000 vụ so với năm 2014 (3,64 triệu).
Liên minh chống "tiểu tam"
"Tiểu tam" trong tiếng Trung Quốc chỉ kẻ thứ ba phá hoại hạnh phúc gia đình. Chồng của bà Trương từng làm lái xe cho một quan chức cấp cao ở sở thuế thành phố Tây An. Sau khi được thuyên chuyển tới bộ phận quản lý kinh tế, nhiều người thường tặng quà hối lộ ông, bao gồm cả tặng tình nhân. Ông thường được mời đi hát karaoke "tay vịn", nơi có gái mại dâm sẵn sàng phục vụ.
Chồng bà Trương rất nhanh bị cuốn hút vào lối sống này, thường tìm lý do làm việc muộn và đi ngoại tình. Một ngày, ông ta về nhà và bảo vợ mình đang yêu một người khác, muốn ly dị.
"Tôi nằm liệt giường một tuần. Khi tỉnh táo lại, tóc đã bạc, người như thể gầy đi 10 kg", bà Trương nhớ lại cú sốc.
Nhóm phụ nữ chuyên theo dõi, thu thập chứng cứ ngoại tình của bà Trương. Ảnh: Bingodu
Sau một tuần suy nghĩ, bà quyết định trả thù. Bà theo dõi chồng sau khi tan sở. Trong nửa tháng, bà tìm ra chỗ chồng và tình nhân chung sống. Chồng bà dọn ra ngoài ở sau khi bị vợ phát hiện. Hai người rơi vào vòng lẩn quẩn rình rập và chạy trốn.
Trong thời gian này, một phụ nữ luống tuổi tìm đến Trương, nhờ điều tra con rể ngoại tình. Bà kia nói rằng con gái không muốn sống nữa và đã tự tử nhiều lần bất thành.
Bà Trương hứa sẽ gặp cô con gái sau hai ngày nữa nhưng không kịp, người phụ nữ kia đã tự tử chết. Bà Trương hỏi người mẹ tại sao không kiện con rể. Bà kia nói rằng không có chứng cứ nên không thể thắng kiện.
Bị kích thích bởi điều này, bà Trương quyết định mở dịch vụ điều tra và thu thập chứng cứ ngoại tình của đàn ông.
"Tôi bảo với bà ấy là tôi sẽ truy đuổi tận cùng những tay đàn ông phản bội", bà Trương nhớ lại.
Sau đó, bà tìm thấy 9 người bạn khác cũng bị chồng phản bội khi tới thăm một hội phụ nữ địa phương. Họ cùng thành lập Hội Phượng hoàng lửa năm 2013, chuyên giúp đỡ phụ nữ điều tra chồng ngoại tình với giá rẻ.
Đánh ghen là 'phương pháp chữa bệnh'
Lần đầu tiên giúp người khác đánh ghen, bà Trương lao thẳng vào hai kẻ ngoại tình và đá vào bụng dưới "tiểu tam", liên miệng chửi rủa cô ta.
"Chúng tôi đánh cô ta giữa phố, cả phố tắc đường. Có nhiều người khoanh tay đứng nhìn", bà nhớ lại.
Ống nhòm, kính đen, máy thu âm, những đồ nghề của bà Trương. Ảnh: Bingodu
Sau đó cảnh sát tới. Nhìn thấy họ, bà dừng tay, đi thẳng tới chỗ họ và nói rằng kẻ bị đánh đã quyến rũ chồng người khác.
"Viên cảnh sát bảo tôi anh ta 'không nhìn thấy gì cả'. Nghe thấy thế, tôi biết là sẽ không sao và tiếp tục đánh ả kia", bà nói.
Trong thập niên 90, cảnh sát thậm chí còn miễn cưỡng hơn ngày nay khi can thiệp vào các vấn đề gia đình. Họ thường làm ngơ để bà Trương và bạn bè đánh ghen thuê.
"Tôi rất nhớ những ngày xa xưa ấy", bà nói.
Sau khi dịch vụ đánh ghen của bà nổi tiếng trên báo, chính quyền bắt đầu chú ý đến hiện tượng "tiểu tam" bị đánh ghen và xử phạt người hành hung, có người còn bị bỏ tù.
Bà Trương cho rằng, đánh ghen là cách chữa bệnh tốt nhất cho những người phụ nữ bị phản bội. Một khách hàng của bà sau khi đánh xong nhân tình của chồng đã khỏi hẳn chứng khó thở.
"Những người sợ không dám đánh sẽ phát triển các chứng bệnh như ung thư thực quản, ung thư tử cung, ung thư phổi", bà nói. Người phụ nữ này quan niệm đánh "tiểu tam" giúp các bà vợ trút bỏ lo lắng, chữa trị vết thương tinh thần.
Phụ nữ dễ bị tổn thương
Trong một bài xã luận đăng trên Nhân dân Nhật báo, tác giả Trương Vĩ Bân chỉ ra việc kinh doanh của bà Trương ngày một nhiều không phải điều tốt.
Kinh doanh bận rộn phản ánh khủng hoảng mà phụ nữ ngày nay phải đối mặt. Những người này không độc lập về kinh tế mà phụ thuộc vào chồng. Vì thế, họ cảm thấy mình không được bình đẳng. Muốn cải thiện, họ phải độc lập về kinh tế và tinh thần.
Nhóm của bà ngồi trong quán theo dõi một vụ ngoại tình. Ảnh: Bingodu
Bà Trương nhận được hơn 100 cuộc gọi mỗi ngày nhờ điều tra chồng. Trong khi đang trả lời phỏng vấn đài Aizhe, bà hướng dẫn một phụ nữ mua video an ninh của khách sạn nơi chồng và tình nhân của người này dùng bữa tối.
Hơn 20 năm qua, bà đã giúp điều tra hàng nghìn vụ, thông tin đầy ắp máy tính xách tay. Trong một lần tới đài Bắc Kinh trả lời phỏng vấn, hàng chục phụ nữ đã tụ tập để nhìn "thần tượng".
Sau cuộc phỏng vấn, bà gặp họ và cho lời khuyên. Một phụ nữ họ Đường đã noi gương bà Trương, cùng bà làm ăn.
"Tôi cảm thấy vô cùng hưng phấn khi nhìn thấy những gì cô ấy đã làm. Cô ấy là người phụ nữ phi thường, đã dũng cảm lên tiếng cho nạn nhân của các cuộc hôn nhân", bà Trương nói.
Người phụ nữ họ Đường đã trải qua một cuộc hôn nhân đầy đau khổ. Bà là lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước, trụ cột kinh tế gia đình. Tuy nhiên, bà bị mất tất cả tiền vì đã đầu tư cho chồng mở nhà hàng, ông này đòi ly dị và được quyền sở hữu căn hộ của hai vợ chồng sau khi ly hôn.
"Tôi cảm thấy trời đất sụp đổ. Tôi không ăn không uống một tuần liền sau khi ông ấy bỏ đi", bà Đường nói.
Tại Vịnh Nguyệt Quang, bà Đường là chỗ dựa vững chắc cho nhiều phụ nữ khác. Tuy nhiên, sâu trong trái tim, bà luôn tin rằng "phụ nữ là người dễ bị tổn thương".
Bà thậm chí còn dạy con gái cách "nắm lấy trái tim chồng" từ lúc còn là đứa trẻ. Bà quan niệm, phụ nữ phải đóng vai trò làm mẹ, chăm sóc đàn ông suốt đời và đôi khi sắm vai người tình để thỏa mãn nhu cầu.
Một vụ đánh ghen ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam hồi tháng 7/2016. Ảnh: Global Times
Con gái bà Đường không nghe theo mẹ. Cô lấy chồng ở Pháp và sinh được ba con.
"Con bé không biết cách nắm lấy trái tim đàn ông. Đối với tôi, mặc dù tôi biết, nhưng vẫn thất bại", bà nói.
Bà Đường nhớ thời chủ tịch Mao Trạch Đông, khi đó chồng ngoại tình sẽ bị mọi người trừng phạt. Theo bà Đường, luật pháp và cảnh sát ngày nay thất bại trong việc bảo vệ người vợ.
"Muốn ra tòa phải trình chứng cứ. Nhưng làm thế nào để thu được chứng cứ? Họ không giúp phụ nữ thu thập chứng cứ", bà Đường nói.
Được bà Trương giúp đỡ, bà Đường đã thu thập đủ chứng cứ ông chồng ngoại tình và giành lại quyền sở hữu căn hộ sau khi ra tòa. Tuy nhiên, bà vẫn cảm thấy mình bất hạnh.
"Đôi khi tôi nghĩ lại về những ngày chúng tôi còn là vợ chồng và hối tiếc về những điều mình đã làm", bà Đường nói.
Tác giả bài viết: Hồng Hạnh
Nguồn tin: