Các nghi phạm hoạt động lừa đảo bị Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an Lào bắt giữ - Ảnh: CACC |
Bao người vẫn tin vào những quảng cáo tuyển người "việc nhẹ lương cao" nhan nhản trên mạng. Và việc nhẹ ấy lắm khi là những việc rủ rê người khác vào vòng cá độ, cờ bạc, lừa tiền các kiểu.
Đến khi nào người Việt mới tỉnh ngộ với các bẫy tuyển dụng "việc nhẹ lương cao", đổi đời từ công việc chưa rõ ở nước ngoài? Từ sự dễ tin này, họ đang bước vào con đường đi lừa những người Việt khác. |
Lương cao đâu dễ vậy!
Lướt TikTok mới đây tôi tiếp tục thấy một quảng cáo tuyển người tiền lương lên đến 34 triệu đồng/tháng, cam kết không "giam giữ, chèn ép". Địa chỉ nơi làm việc là tại một cửa khẩu Việt Nam - Campuchia. Những quảng cáo tương tự không yêu cầu chuyên môn, kinh nghiệm gì.
Bạn có thể tin có những việc gì dễ đến vậy và mức lương cao đến vậy? Xung quanh bạn đã có ai khá lên nhờ con đường việc nhẹ lương cao kiểu này chưa?
Ngược lại, như báo chí và mạng xã hội đưa tin, đã có rất nhiều mảnh đời khổ sở vì bị nhốt lại nơi xứ lạ, nhiều gia đình phải mượn nợ để chuộc người về khi con mình cầu cứu. Có những cuộc trốn chạy khỏi sòng bạc biên giới để tìm đường hồi hương đã trả giá bằng mạng sống.
Có những người phải lao động nặng nhọc bất kể ngày đêm. Bi kịch hơn, có những người rơi vào những sòng bạc hoặc các "ổ nhóm" lừa đảo. Việc của họ là gọi điện, nhắn tin chào mời người khác nộp tiền cho các nhóm lừa đảo.
Các nhóm lừa đảo từ nước ngoài dùng chiêu để người Việt lừa người Việt. Thủ đoạn ác độc này được sự tiếp tay của những người Việt đang sức trai lưng dài vai rộng.
Một trong những vụ gây phẫn nộ là vụ lừa bán 5 người sang Campuchia với giá 300 USD/người bị đưa ra ánh sáng vào cuối tháng 6-2024. Công an tỉnh Tây Ninh khởi tố kẻ mua bán người sau khi đăng bài tuyển dụng lao động ở Việt Nam, đưa sang Campuchia làm việc với mức lương cao.
Thực tế, họ đã lừa bán các nạn nhân cho các công ty lừa đảo trực tuyến hoạt động trên đất bạn. Thanh niên trai trẻ đã lừa bán các nạn nhân là 5 nữ sinh nhẹ dạ.
Trẻ vị thành niên cũng được nhắm đến để lôi kéo, dụ dỗ. Và kẻ dụ dỗ chính là người cùng địa phương. Chuyện này từng lộ ra ở Sóc Trăng khi một thiếu nữ 14 tuổi bị lừa đưa đến khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh)...
Sau "giấc mơ" đi làm mức lương 23 triệu đồng/tháng, cô gái tỉnh dậy ở nước bạn Campuchia. Cô được giao việc lừa đảo người Việt "nhờ thanh toán hộ các đơn hàng trên mạng" - một trong những kiểu lừa đảo phổ biến đã được cảnh báo tại Việt Nam.
Ở đó, cô gặp nhiều người cùng cảnh ngộ, cùng quê Vĩnh Châu, Sóc Trăng.
Tương lai nào cho những người lừa đồng bào mình?
Mới đây, lực lượng chức năng Việt Nam và Lào đã bắt 155 người trong đường dây lừa đảo người Việt qua điện thoại. Sự việc này làm sáng rõ thêm thủ đoạn dùng người Việt lừa người Việt.
Nhiều người Việt đã đi lừa lại chính người Việt trong nước trên không gian mạng. Thiệt hại lớn về nhân lực và kinh tế thuộc về người Việt.
Những người bị bắt có thể từng bị lừa, từng là nạn nhân. Nhưng mọi chuyện bắt đầu vào hy vọng hão huyền về những việc nhẹ lương cao thay vì tìm công việc phù hợp, thực tế ở ngay bên mình. Bao nhiêu cảnh báo rủi ro đã đăng tải khắp nơi mấy năm qua nhưng họ không quan tâm.
Có khoảng trống giữa nhu cầu, mong muốn và nhận thức, ý thức về việc này. Và cả khoảng trống trong quản lý cũng như những giải pháp hiệu quả ngăn chặn những đau lòng từ việc hại nhau...
Giá như người lao động chọn làm việc hợp pháp thì sau những rủi ro, những chuyến về quê mẹ đã bớt buồn, lo lắng hơn. Đừng vì ham mức lương từ hứa hẹn trên mạng để mình sa vào vòng bị lừa và sau đó đi lừa bao người.
Tôi nhìn hình ảnh hơn trăm con người trẻ bị bắt từ đất Lào, tất cả cúi đầu giấu mặt… Họ cũng là người Việt, thanh niên trai tráng cả đó. Ai cũng cần có tương lai tốt đẹp.
Những người từng cất giọng nói tiếng Việt, gõ phím những dòng chữ Việt để làm hại đồng bào mình liệu có tương lai thanh thản không?
Một người làm việc trong đường dây lừa đảo có thể hại hàng chục người, hàng trăm gia đình vào vòng khốn khổ.
Tác giả: NGUYỄN MINH
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ