Trong nước

Sang tên, đổi chủ xe: Coi chừng tài sản do phạm tội mà có

Bắt đầu từ ngày 1-1-2017, người dân không sang tên chính chủ sẽ áp dụng điều 30 nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Theo đó, CSGT phạt từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 - 400.000 đồng với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không làm thủ tục đăng ký sang tên.

Người dân hiện đang sử dụng môtô, xe máy nhưng không xác định rõ chủ sở hữu, mua bán bằng giấy trao tay hoặc mua trong các tiệm cầm cố, thế chấp... nên lo ngại về tính hợp pháp của phương tiện của mình.

Khi làm thủ tục sang tên, đổi chủ, nếu cơ quan chức năng phát hiện nguồn gốc xe là bất hợp pháp như xe trộm cắp, phạm tội thì có thể họ sẽ mất luôn chiếc xe, đồng thời chính họ có thể cũng sẽ bị xử lý.

Vì vậy, một bộ phận người dân ngại đi đăng ký sang tên, đổi chủ, do đó đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý phương tiện của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay.

Thông tư số 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sang tên, đổi chủ phương tiện nhưng có thể phát sinh những trường hợp vô tình hợp thức hóa cho những phương tiện như môtô, xe máy do trộm cắp, phạm tội mà có.

Khi thụ lý hồ sơ đề nghị sang tên, đổi chủ phương tiện của người dân, cơ quan có thẩm quyền cần phải xác minh nguồn gốc hợp pháp của phương tiện, nếu phát hiện việc sở hữu xe không hợp pháp thì phải xử lý theo quy định.

Tuy nhiên trên thực tế, việc người dân sở hữu phương tiện không chính chủ được hình thành qua nhiều cách khác nhau như mua bán (có giấy mua bán hoặc bằng miệng) không hợp pháp, tức là xác lập hợp đồng, giao dịch không đúng pháp luật nhưng tình trạng này lại phổ biến.

Nguyên nhân là do đa số người dân cần có phương tiện đi lại nên vô tình mua xe “gian”, tức là tiếp tay cho người phạm tội mặc dù họ không biết hoặc không nhận thức là phải có nghĩa vụ phải biết việc đó.

Khi đăng ký sang tên, đổi chủ phương tiện, nếu các cơ quan làm thủ tục sang tên, đổi chủ không thẩm tra, xác minh nguồn gốc xe (vì mất rất nhiều thời gian, liên quan đến nhiều cơ quan, nhu cầu đăng ký lớn) mà yêu cầu, bắt buộc người đi đăng ký sang tên, đổi chủ phải tự cam đoan, có xác nhận của công an cấp xã... thì rất dễ xảy ra tình trạng hợp thức hóa phương tiện do người khác phạm tội mà có.

Quy định xử phạt hành vi hành chính đối với hành vi không sang tên, đổi chủ phương tiện là cần thiết nhằm tăng cường công tác quản lý của Nhà nước đối với phương tiện tham gia giao thông.

Việc tạo điều kiện thuận lợi để người dân sang tên, đổi chủ như tăng cường phân cấp thẩm quyền đăng ký; giảm mức lệ phí trước bạ khi làm thủ tục; giảm bớt thành phần hồ sơ khi đăng ký và rút ngắn thời gian trả kết quả... là cần thiết.

Nhưng cơ quan đăng ký cũng cần phải thận trọng khi cho phép người dân đăng ký sang tên, đổi chủ đối với các phương tiện, nhất là xe môtô, xe máy, tránh trường hợp có thể vô tình hợp thức hóa phương tiện do người khác phạm tội mà có.

Tác giả bài viết: Đỗ Văn Nhân

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP