Trong tỉnh

Sáng ngời tấm gương thương binh “tàn nhưng không phế”

Trở về sau chiến tranh với thân thể đầy thương tích, thế nhưng, thương binh hạng 1/4 Nguyễn Hùng Hằng (SN 1958) ở xóm Cao Trai, xã Nghĩa Thành huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) vẫn giữ được phẩm chất của người lính Cụ Hồ “tàn nhưng không phế”, tích cực phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái thành tài.

Thấm nhuần lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”

Năm 1976, thanh niên Nguyễn Hùng Hằng ở xóm Cao Trai, xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) tình nguyện lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi và được biên chế vào Đồn 23 Công an vũ trang tỉnh Gia Lai – Kon Tum (nay là bộ đội Biên phòng).

Gia đình thương binh Nguyễn Hùng Hằng có hơn 0,6ha ha vườn bưởi hồng Quang Tiến cho năng suất cao.

Trong những năm tháng khói lửa đó, ông Hằng đã từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt với quân thù, rồi bị thương nặng, hỏng mắt phải, phổi và nhiều vết thương khác trên khắp cơ thể.

Sau 5 năm điều trị tại các trung tâm điều dưỡng thương binh, năm 1985, ông trở về địa phương với tỷ lệ thương tật 85%. Thời điểm đó, kinh tế gia đình khó khăn, con còn nhỏ, vết thương lại thường xuyên tái phát, đau nhức khi trái gió trở trời.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương binh tàn nhưng không phế”, vợ chồng ông Hằng quyết tâm xây dựng cuộc sống mới, tận dụng quỹ đất vốn có của gia đình trồng cây ăn quả, kết hợp với chăn nuôi lợn, gà và làm thêm dịch vụ xay xát… sau khi trừ chi phí, hàng năm thu nhập gia đình ông đạt trên 130 - 150 triệu đồng/năm. Nhờ chịu thương chịu khó chắt chiu, dành dụm, cuộc sống của gia đình ông ngày càng đi lên.

Năm 2015, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình ông Hằng cũng là người mạnh dạn tiên phong đưa giống bưởi hồng Quang Tiến về trồng. Với hơn 50 gốc bưởi, mỗi năm cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng. Nhớ lại những lúc khó khăn, ông Hằng cho biết: “Có những lúc định từ bỏ, nhưng rồi cuộc sống của gia đình thôi thúc khiến tôi không thể ngồi yên, lại lao vào làm việc”.

Cuộc sống hôm nay đã vơi bớt khó khăn, nhưng thương binh Nguyễn Hùng Hằng vẫn nỗ lực làm gương cho các con, cháu

Với cương vị là người cha, người chồng trong gia đình, ông luôn khuyên nhủ, dạy bảo các con phải cố gắng học tập để trở thành người tốt, người hữu ích cho xã hội. Đến nay, 3 người con của ông đều thành đạt, trong đó, con trai đầu hiện đang là giáo viên cấp 3; người con thứ 2 đang công tác tại phòng Nông nghiệp huyện và cô con gái út đang công tác tại bệnh viện.

Đây là một thành tích rất đáng tự hào. “Dù vất vả lam lũ nhưng tôi vẫn luôn dặn dò, nhắc nhở con cái cố gắng học thật tốt. Cha mẹ không có gì cho các con ngoài đảm bảo cho các con học hành,” ông Hằng chia sẻ.

Tích cực tham gia các hoạt động xã hội

Ông Hằng cũng là một trong những hội viên tích cực của Hội cựu chiến binh (CCB) xóm Cao Trai, xã Nghĩa Thành. Trong suốt quá trình tham gia công tác hội, ông luôn gương mẫu, nhiệt tình với công tác xã hội, là một trong những người đi đầu trong việc vận động bà con lối xóm thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đặc biệt, ông thường xuyên giúp đỡ, định hướng cho đồng chí, đồng đội và các gia đình khó khăn làm kinh tế, tích cực ủng hộ các quỹ an sinh xã hội ở địa phương. “So với những đồng đội đã ngã xuống trong chiến tranh, tôi thấy mình còn may mắn lắm. Vì thế, tôi luôn tâm niệm, nếu còn sức, mình sẽ cố gắng cống hiến cho quê hương, giúp đỡ những đồng chí, đồng đội kém may mắn hơn mình", ông Nguyễn Hùng Hằng tâm sự.

Thương binh hạng 1/4 Nguyễn Hùng Hằng, chia sẻ về thời kỳ chiến tranh oanh liệt.

Cuộc sống hôm nay đã vơi bớt khó khăn nhưng thương binh Nguyễn Hùng Hằng vẫn nỗ lực làm gương cho các con, cháu. Hàng ngày, ông vẫn tích cực lao động sản xuất, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gương mẫu đi đầu, trong các phong trào, hoạt động của địa phương, nhất là phong trào hiến đất, làm đường xây dựng Nông thôn mới.

Sau sáp nhập xã, Nghĩa Thành có hơn 200 đối tượng chính sách là người có công. Thời gian qua, địa phương cũng đã quan tâm, tạo điều kiện để các đối tượng có điều kiện tốt nhất. Từ đó, đã có nhiều tấm gương tiêu biểu là các thương, bệnh binh đã vượt qua khó khăn, bệnh tật vươn lên trong phát triển kinh tế để có điều kiện nuôi con cái học hành thành đạt.

Ông Lê Thanh Đàn, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thành cho biết, không chỉ mạnh dạn thay đổi cách làm, ông Hằng còn biết lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và nhu cầu của xã hội. Bên cạnh việc nỗ lực phát triển kinh tế, ông Hằng còn là hội viên CCB gương mẫu, năng động, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao.

Xã Nghĩa Thành có hơn 200 đối tượng chính sách người có công luôn được địa phương quan tâm.

Ông luôn vận động các hội viên CCB và bà con tích cực tham gia các hoạt động, phong trào như: Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới...

“Với những nỗ lực quyết tâm làm kinh tế, thương binh Nguyễn Hùng Hằng là tấm gương sáng về tinh thần vượt lên hoàn cảnh. Ông đã nhiều lần được chính quyền và đoàn thể các cấp biểu dương, khen thưởng là một CCB làm kinh tế giỏi và nuôi dạy con cái thành đạt, xứng đáng để các thế hệ trẻ học tập và noi theo…”, ông Đàn chia sẻ thêm.

Gia đình hạnh phúc, con cái thành đạt và được mọi người yêu mến chính là thành quả sau những tháng ngày miệt mài, ý chí nghị lực vươn lên trong cuộc sống của thương binh 1/4 Nguyễn Hùng Hằng. Ông xứng đáng là tấm gương điển hình về gương thương binh vượt khó vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.

Tác giả: Hải Yến - Minh Thái

Nguồn tin: congly.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP