Xe

Rolls-Royce Phantom thay đổi như thế nào qua 7 thế hệ

Rolls-Royce vừa xuất xưởng mẫu xe cuối cùng thuộc thế hệ thứ 7 của Phantom. Đây chính là hồi kết cho mẫu sedan siêu sang thành công hàng đầu của hãng xe nước Anh.

Xuyên suốt 7 thế hệ qua, Rolls-Royce Phantom đã có từng bước lột xác ngoạn mục để lấy đó làm cơ sở cho các bản cá nhân hoá độc nhất vô nhị cho các đại gia sành xe.

Rolls-Royce Phantom I: 1925 – 1931
Dây chuyền sản xuất “bóng ma” Phantom được thiết lập vào năm 1925. Mẫu xe cỡ lớn siêu sang này thay thế Silver Ghost nhưng vẫn sử dụng khung gầm của đàn anh (sản xuất cả ở Anh Quốc và Hoa Kỳ). Thay đổi lớn nhất ở Rolls-Royce Phantom là khối động cơ 7.7L 6 xy-lanh dưới nắp capo.

Giống như hầu hết mẫu xe ở thời điểm đó, Rolls-Royce bán “ruột” xe cho các khách hàng để họ tự biến hoá vỏ xe theo ý thích. Do đó, suốt một thời gian dài, Phantom mang những hình hài khác nhau dù sức mạnh không có gì khác biệt.

Một trong những mẫu Rolls-Royce Phantom I nổi tiếng nhất là phiên bản “cửa tròn” tại Bảo tàng xe hơi Peterson. Theo thông báo từ bảo tàng này, xe đã được độ lại vào năm 1934 để mang hơi thở thời trang mềm mại của những năm 1930.

Rolls-Royce Phantom II: 1930 – 1935
Thế hệ thứ 2 của Phantom được Rolls-Royce chăm chút hơn hẳn ở mặt thiết kế trong khi khối động cơ 7.7L 6 xy-lanh được giữ nguyên, khung gầm thay mới hoàn toàn.

Phantom II có hai phiên bản: Phiên bản tiêu chuẩn và phiên bản Continental có trục cơ sở ngắn hơn (3.700mm so với 3.800mm của bản tiêu chuẩn). Số lượng xe sản xuất của hai phiên bản lần lượt là 1.402 và 278 chiếc.

Đây cũng là lần đầu tiên Phantom được đưa vào điện ảnh. Khi diễn viên Marlene Dietrich (người Đức đầu tiên thành công ở Hollywood) tới Mỹ năm 1930, đạo diễn lừng danh Josef von Sternberg đã dành tặng cô món quà là chiếc Rolls-Royce Phantom II màu xanh. Chiếc xe sau đó đã xuất hiện trong bộ phim Morocco. Phantom II cũng đóng vai trò quan trọng trong các bom tấn The Sorcerer's Apprentice (Phù thuỷ tập sự) hay Indiana Jones and the Last Crusade (Cuộc thập tự chinh cuối cùng).

Rolls-Royce Phantom III: 1936 – 1939
Lần đầu tiên trong lịch sử, Rolls-Royce gấp đôi số xy-lanh để thay thế động cơ 6 xy-lanh lên loại V12. Cho tới trước thời điểm giới thiệu Phantom VII năm 2003, đây là thế hệ Phantom duy nhất dùng tới 12 xy-lanh. Đây cũng là phiên bản Phantom cuối cùng được sản xuất trước Thế chiến thứ II.

Lịch sử cũng gọi tên Phantom thế hệ thứ III khi nó chứng kiến thêm một dấu mốc nghiệt ngã. Đây là mẫu xe cuối cùng dưới thời Henry Royce – đồng sáng lập Rolls-Rocye. Ông qua đời ngày 22/4/1933 (thọ 70 tuổi) – đúng năm phát triển thế hệ thứ III của Phantom.

Trong 4 năm tồn tại, Phantom III được sản xuất tổng cộng 727 chiếc. Chiếc đặc biệt nhất là chiếc cuối cùng. Khung gầm được hoàn thiện khá lâu, tới tận năm 1941. Tuy nhiên, phần thân còn lắp ráp lâu hơn nữa, tới năm 1947.

Rolls-Royce Phantom IV: 1950 – 1956
Phải tới 5 năm sau Thế chiến thứ II, Rolls-Royce mới có thể sản xuất xe mới. Phantom thế hệ IV là khởi đầu mới cho nhà sản xuất nước Anh. Độ hiếm lên tới đỉnh điểm khi chỉ 18 chiếc được sản xuất. Chính vì thế, Phantom IV mới có giá bán cao ngất ngưởng ở thời điểm hiện tại. Theo hãng bảo hiểm Hagerty, một chiếc Phantom IV có giá bán khoảng 1,2 triệu USD.

Trong số 18 chiếc xuất xưởng, 17 chiếc đã được bán ra cho giới quý tộc và các cơ quan công quyền. Cho tới ngày nay, 16 chiếc nằm trong các bảo tàng, bộ sưu tập xe cá nhân.

Rolls-Royce Phantom V: 1959 – 1968

Rolls-Royce Phantom V là mẫu saloon cỡ lớn, 4 cửa được sản xuất, lắp ráp tại nhà máy của Bentley sau khi hãng sở hữu nốt thương hiệu này.

Thế hệ thứ V của Phantom đi vào lịch sử với những chủ nhân nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của Rolls-Royce. Hai trong số đó là Nữ hoàng Elizabeth II và mẹ của bà. Chính quyền Hong Kong cũng từng sử dụng Phantom V để làm xe diễu hành. Những chủ nhân nổi tiếng khác bao gồm: Nhà vua Iran Mohammad Reza Pahlavi, Nhà vua Na Uy Olav V, Tổng thống nước Cộng hoà Yugoslav Josip Broz Tito, hay thành viên nổi tiếng của nhóm Beatle John Lennon,…

Rolls-Royce Phantom VI: 1969 – 1991
Tính tới thời điểm hiện tại, đây là thế hệ có tuổi đời lâu nhất của Phantom (22 năm). Tuy vậy, số lượng sản xuất lại chỉ đạt 374 chiếc (ít hơn thế hệ trước là 516 chiếc trong 10 năm).

Nữ hoàng Anh Elizabeth II và gia đình hoàng gia tiếp tục lựa chọn Phantom VI làm phương tiện di chuyển trước khi Bentley State Limousine được giới thiệu vào năm 2002. Ngoài ra, chủ sở hữu Phantom VI còn có thêm chính quyền Úc, hay nhà vua Iran Mohammad Reza Pahlavi.

Rolls-Royce Phantom VII: 2003 – 2016
Chiếc cuối cùng nằm trong thế hệ thứ 7 mang nhiều cảm hứng từ những năm 1930 để khắc ghi khoảng 90 năm Phantom có mặt trên thị trường. Ngoại thất xe mang màu sơn xanh tím, với 2 đường coachline dọc thân xe. Xe sử dụng loại lốp đặc biệt và có logo Spirit of Ecstacy bạc nguyên khối. Một số vị trí quanh thân xe được khắc biểu tượng chiếc tàu biển. Đồng hồ thời gian được đặt ở cabin trước và sau của xe.

Tác giả bài viết: Hồng Quân

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP