Kinh tế

Quỹ bình ổn xăng dầu dư kỷ lục, sao không sử dụng mà lại tăng giá?

Theo chuyên gia giá cả, quỹ xăng dầu là để cân đối giá thị trường, do đó, cần cân đo liều lượng cho đúng để người dân được hưởng lợi...

Giá xăng dầu thế giới liên tiếp giảm, việc chi quỹ cũng giảm mạnh. Do đó, quỹ bình ổn giá xăng dầu dư "kỷ lục" 4.958,420 tỷ đồng.

Quỹ bình ổn "dồi dào" kỷ lục

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, đến cuối tháng 3/2020, số dư quỹ bình ổn giá xăng đầu đã đạt 4.958,420 tỷ đồng, đây là con số kỷ lục, tăng hơn 1,5 lần với năm 2019.

Cụ thể, vào cuối năm 2019, tổng số dư quỹ BOG xăng dầu trong nước là 2.780 tỷ đồng, giảm hơn 700 tỷ đồng với cùng kỳ 2018. Trong khi đó, 3 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp xăng dầu đã trích tổng cộng 2.370 tỷ đồng vào quỹ khi giá xăng dầu trong nước liên tiếp giảm.

Tính từ đầu năm 2020, giá xăng dầu thế giới liên tiếp giảm do đó việc chi quỹ bình ổn cũng giảm mạnh. Cụ thể, hết quý I/2020, chi quỹ bình ổn xăng dầu chỉ 194 tỷ đồng.


Như vậy, trong 3 tháng đầu năm, mỗi ngày các doanh nghiệp đầu mối bán xăng dầu chỉ phải chi hơn 2,1 tỷ đồng để bình ổn giá xăng, tương đương 1/3 số chi so với quý gần nhất (IV/2019).

Tính riêng số trích ròng trong quý I năm nay của quỹ là 2.176 tỉ đồng. Ngoài ra, số lãi phát sinh trên số dư quỹ dương trong quý gần nhất cũng đạt hơn 2,7 tỉ... Tổng cộng, số dư quỹ bình ổn giá xăng đầu đã đạt 4.958,420 tỷ đồng.

Sao không chi quỹ mà tăng giá xăng trở lại?

Vậy, số quỹ này nên sử dụng như thế nào? Tại sao trong lúc mọi chính sách đều ưu tiên cho phát triển kinh tế, giảm thiểu mọi khó khăn cho người dân khi chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 thì liên bộ Công thương - Tài chính không sử dụng chi quỹ BOG để tiếp tục giữ giá xăng không tăng?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết: Quỹ BOG là để cân đối giá cả thị trường xăng dầu làm sao cho hợp lý, do đó, cần cân đo liều lượng cho đúng với thời điểm để người dân được hưởng lợi.

Theo ông Long, số quỹ này là cần thiết để điều hành giá cho thời gian tới nếu giá tăng trở lại quá cao. Do đó, trong kỳ điều hành vừa rồi, vẫn tiếp tục trích lập quỹ BOG đới với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít; Xăng RON95 ở mức 800 đồng/lít; Dầu diesel ở mức 1.400 đồng/lít; Dầu hỏa ở mức 1.600 đồng/lít; Dầu mazut trích lập ở mức 500 đồng/kg... có thể được giải thích bởi 2 lý do.

"Đầu tiên phải nói rằng, trong điều hành giá, nếu khi giá thế giới xuống thấp chúng ta nên tranh thủ trích quỹ để khi giá cao chúng ta lại mang ra sử dụng bình ổn. Tiếp đó, là vấn đề giá bán xăng dầu trong nước đã giảm xuống phân nửa so với trước đây nên việc sử dụng chi quỹ là chưa cần thiết", ông Long nói.

Cùng nhận định tương tự, một thành viên trong tổ điều hành liên bộ cho biết, việc điều chỉnh xăng dầu phụ thuộc vào biến động thế giới và quỹ BOG sẽ làm giảm áp lực giá khi biến động quá cao. Vì vậy, dù giá xăng điều chỉnh tăng trong kỳ điều hành giá ngày 13/5, song mức tăng này có tính toán nhằm tăng quỹ bình ổn khi mức giá vẫn còn thấp.

"Việc điều hành giá không phải "ăn đong" theo ngày nên không thể khi nào giá tăng thì lập tức chi quỹ, còn khi nào giá giảm mới lập quỹ. Nếu như vậy, với biến động bình thường của thị trường luôn biến động tăng thì quỹ sẽ luôn bị âm và không còn tác dụng điều hành bình ổn", vị này nói.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nhận định: "Quỹ bình ổn xăng dầu sẽ tiếp tục được chúng tôi xem xét và bản thân tôi cũng không muốn có quỹ bình ổn này nữa vì cũng còn nhiều hạn chế nhưng trong thời điểm này, tôi thấy cần theo đúng tinh thần, nội dung của Nghị định 83. Với tác dụng của nó, việc giữ quỹ trong thời điểm hiện nay là phù hợp".

Tác giả: Hồng Hạnh

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP